Chuyên gia cảnh báo chất Styren có khả năng gây ung thư, suy gan, suy thận

Theo chuyên gia, nếu nhiễm Styren trong khoảng thời gian dài con người có thể mắc các vấn đề suy gan, thận hay thậm chí là ung thư rồi thiệt mạng.

 

Theo GS.TSKH. Trần Văn Sung - nguyên Viện trưởng Viện Hóa học - Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, Styren là hợp chất hữu cơ lỏng, không màu, nhẹ hơn nước, không tan, dễ bay hơi và có mùi khó chịu nếu ở dạng đậm đặc. Styren nằm trong danh mục những chất gây ô nhiễm rất độc hại, thường được sử dụng để sản xuất polymer, nhựa, sợi thủy tinh, lớp phủ và thùng xốp…

Tuy là chất rất khó để ngấm vào nước, nhưng khi ngấm, Styren dễ bay hơi và phân hủy do vi khuẩn.

Styren có thể xâm nhập vào cơ thể con người qua con đường ăn, uống, hô hấp, hút thuốc lá, khí thải ô tô xe máy, vật liệu xây dựng… Thậm chí, sờ, chạm vào những đồ vật được làm bằng styren cũng bị nhiễm một lượng nhỏ chất này.

Theo GS Sung, con người tiếp xúc với Styren với liều lượng thấp, tiếp xúc ít, trong thời gian ngắn, thì tùy vào cơ địa và thể trạng của con người Styren sẽ được đào thải ra ngoài. Nhưng nếu tiếp xúc thời gian dài với số lượng lớn, Styren sẽ tích tụ lại trong mỡ, trong các cơ quan rồi gây ra các bệnh nguy hiểm, thậm chí là cả ung thư.

 GS.TSKH. Trần Văn Sung - nguyên Viện trưởng Viện Hóa học. (Ảnh: Thaoduoc)

“Con người khi mới tiếp xúc với Styren sẽ không có biểu hiện gì đặc biệt, bởi hàm lượng ít và có thể được đào thải ra ngoài. Nhưng về lâu dài Styren trong cơ thể sẽ gây ra các kích ứng trên da, mắt, mũi, hô hấp, tiêu hóa. Thậm chí có thể làm ảnh hưởng tới hệ thần kinh trung ương gây ra suy gan, thận, mệt mỏi, mất dần các chức năng cơ quan và ung thư, rất nguy hiểm”, ông Sung nói.

Cũng theo GS Sung, Styren là chất được xếp vào nhóm chất độc, nguy hiểm nên dù tiếp xúc một lượng nhỏ cũng gây hại cho sức khỏe con người. Do vậy, để hạn chế tối đa tác hại của loại chất này, người dân cần hạn chế sử dụng, tiếp xúc với các sản phẩm có chứa Styren.

“Đặc biệt, với thực phẩm, nguồn nước nhiễm Styren người dân cần ngừng sử dụng ngay để bảo đảm sức khỏe”, ông Sung khuyến cáo.

Xử lý thế nào khi nước bị nhiễm styren?

Theo các chuyên gia, hiện có hai phương pháp xử lý nước nhiễm styren được Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) khuyến nghị là sử dụng than hoạt tính dạng hạt (GAC) kết hợp với sục khí tháp chèn (waterfall aeration).

Than hoạt tính thường được sử dụng để hấp phụ các hợp chất hữu cơ tự nhiên, hợp chất mùi vị và hóa chất hữu cơ tổng hợp trong xử lý nước uống.

Hai lựa chọn phổ biến nhất để lắp đặt thiết bị xử lý GAC trong nhà máy xử lý nước là: hấp phụ sau lọc (thiết bị GAC được đặt sau quy trình lọc thông thường) và lọc hấp phụ (trong đó một số hoặc tất cả các phương tiện lọc trong bộ lọc phương tiện được thay thế bằng GAC).

Tháp chèn hoặc tách khí có khả năng loại bỏ khỏi nước nhiên liệu, dung môi và chất hữu cơ dạng rắn hoặc lỏng dễ bay hơi, amoniac, hydro sunfua và carbon dioxide.

Một tháp chèn bao gồm một tháp hình trụ, vật liệu chèn (thường là nhựa, thép hoặc gốm) và một máy thổi ly tâm. Nước cấp bị ô nhiễm được bơm vào đỉnh tháp và máy thổi được sử dụng để đưa dòng khí qua đáy tháp.

Khả Minh/VTC.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận