Bệnh nhân Nguyễn Thị Tâm T, 61 tuổi, trú tại Đống Đa, Hà Nội phát hiện ung thư vú cách đây 2 năm nhưng đã bỏ dở quá trình điều trị, quay sang uống thực phẩm chức năng và chữa theo cách “truyền miệng” vì lo ngại “sợ đụng chạm dao kéo, khối u sẽ di căn” dù đã được các bác sĩ tư vấn, điều trị với phác đồ truyền hóa chất 4AC-4T. Khi khối u đã di căn, lở loét, sưng nề, trực vỡ, chảy dịch mủ vàng bệnh nhân T mới nhập viện.
“Sau khi điều trị hóa chất, bệnh nhân đáp ứng thuốc tốt. Đầu năm 2018 bác sĩ chỉ định và tư vấn để bệnh nhân T phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến vú và nạo vét hạch nách theo phác đồ, nhưng đáng tiếc là bệnh nhân từ chối phẫu thuật bỏ lỡ cơ hội điều trị bệnh, để bây giờ bệnh tiến triển, di căn”, TS.BS Lê Hồng Quang, Trưởng khoa Ngoại vú, Bệnh viện K chia sẻ.
TS.BS Lê Hồng Quang khuyến cáo, trường hợp bệnh nhân T là vô cùng đáng tiếc. Đầu năm 2018 sau khi điều trị hóa chất xong bệnh đáp ứng tốt, nếu người bệnh tuân thủ phác đồ điều trị và phẫu thuật sau đó xạ trị thì cơ hội điều trị ổn định rất cao.
Do vậy, để phát hiện sớm ung thư vú, ngay cả người trẻ cũng nên khám, kiểm tra định kỳ tuyến vú. Hàng tháng có thể kiểm tra ngay tại nhà sau sạch kinh 3-5 ngày bằng cách tự sờ nắn, khi thấy bất thường, đau tức vú, ngực có hạch ở nách, vú thì cần đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra. Riêng với những trường hợp, trong gia đình có tiền sử người thân bị các bệnh ung thư thì nên tầm soát ung thư vú định kỳ, nhất là phụ nữ ở tuổi ngoài 40 nên tầm soát ung thư vú 6 tháng/lần.
Người bệnh nên tin tưởng và thực hiện theo phác đồ điều trị ung thư của bác sĩ. Việc tự ý sử dụng các phương pháp dân gian hay truyền miệng sẽ bỏ lỡ “giai đoạn vàng” của việc điều trị, ung thư sẽ phát triển đến giai đoạn muộn dẫn tới việc điều trị khó khăn hoặc không thể điều trị.