Can thiệp đúng quy trình, giúp trẻ phát triển bình thường
Sứt môi hở hàm ếch là dị tật bẩm sinh vùng mặt, không chỉ ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ mà còn khiến trẻ gặp nhiều khó khăn trong ăn uống và sinh hoạt hằng ngày. Tại Việt Nam, ước tính cứ 700 trẻ sinh ra có một trường hợp bị dị tật này. Các nguyên nhân gây nên dị tật này hiện vẫn chưa rõ, nhưng các chuyên gia y tế cho rằng, do mẹ bị cúm trong 3 tháng đầu mang thai. Với tiến bộ y học ngày nay có thể điều trị triệt để, trả lại nụ cười cho các cháu mắc dị tật này. Cha mẹ phải kiên trì và hiểu biết để đưa con đi khám sớm và điều trị đúng thời điểm và đúng quy trình để hạn chế tối đa các nhược điểm do dị tật gây ra. Tuy nhiên, còn nhiều phụ huynh chưa thực sự hiểu biết, khiến đứa trẻ chịu nhiều thiệt thòi.
Theo TS.BS Lê Diệp Linh, Phó giám đốc Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình, BV TƯQĐ 108, trẻ bị sứt môi, hở hàm ếch thì việc bú mẹ là vô cùng khó khăn. Đến giai đoạn ăn dặm, trẻ dễ có nguy cơ bị sặc do khoang miệng và khoang mũi thông nhau, từ đó dễ dẫn đến viêm nhiễm đường hô hấp trên và dưới, nên những đứa trẻ này hay bị suy dinh dưỡng. Nếu trẻ kết hợp cả sứt môi, hở hàm ếch có thể để lại di chứng nặng nề về sau này như: thiểu sản phần môi trên, thiểu sản phần giữa mặt (cả phần mềm và xương), gây biến dạng khuôn mặt. Do vậy, sau sinh 1 tháng, cha mẹ nên cho trẻ đi khám để được tư vấn phẫu thuật càng sớm càng cải thiện tốt thẩm mỹ của gương mặt, khả năng ăn uống cũng như khả năng phát âm.
“Những trẻ có sứt môi được phẫu thuật tạo hình môi lần 1 trước 6 tháng tuổi khi đủ cân và không có bất kể bệnh tật nào. Phẫu thuật tạo hình khe hở vòm từ 10-18 tháng tuổi khi đủ cân nặng và không có viêm nhiễm hay sốt kèm theo. Khi trẻ bắt đầu tập nói sẽ được chuyên viên bên bộ phận ngữ âm hướng dẫn cách tập phát âm. Đến giai đoạn trẻ 7-8 tuổi, nếu có di chứng biến dạng khe hở môi vòm, tiếp tục khám răng để tiền chỉnh nha. Trường hợp trẻ có thiểu sản phần hàm trên hoặc xương hàm trên sẽ được ghép xương ổ răng để chuẩn bị cho việc chỉnh nha tiếp theo. Từ 8-12 tuổi, trẻ sẽ được chỉnh nha nếu có dị tật. Và tiếp tục quy trình để khắc phục tối đa các nhược điểm từ sứt môi, hở hàm ếch đến khi con 18 tuổi, giúp trẻ có thể trở thành một người bình thường”, TS.BS Lê Diệp Linh diễn giải.
Bác sĩ Linh cho biết, hiện nay, Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình, BV 108 có bề dày về can thiệp chỉnh hình điều trị cho trẻ mắc những dị tật này từ khi sinh ra cho tới khi trưởng thành, cố gắng giúp trẻ có được khuôn mặt cũng như chức năng trở về bình thường nhất có thể. Mỗi năm, có ít nhất 3-5 chương trình mổ khe hở môi, vòm, dị tật sọ mặt nhân đạo, do đó các gia đình có thể lựa chọn thời điểm thích hợp để cho con đến Trung tâm khám và đăng ký mổ miễn phí cũng như được hướng dẫn cách chăm sóc dinh dưỡng, tập nói… Nếu không vào dịp này, thì trẻ sẽ được hưởng BHTY. Tuy nhiên, trên thực tế không ít phụ huynh có con bị hở môi, hàm ếch không biết cần đưa con đi đâu, làm những gì vào thời điểm nào cũng như chăm sóc sức khỏe cho con để được thực hiện đúng quy trình.
“Một số trẻ, hôm trước chúng tôi khám sức khỏe thì không có vấn đề gì, nhưng hôm sau vào phòng phẫu thuật thì mũi rãi và đờm đã đầy mặt do viêm mũi họng cấp nên việc phẫu thuật không thể thực hiện. Hoặc một cháu đến đúng lịch khám và phẫu thuật tiếp theo nhưng lại không đủ cân nặng - đó là khó khăn trường kỳ thường diễn ra với trẻ dị tật khe hở vòm. Hay thậm chí có người ngoài 20 tuổi mới phẫu thuật thì lúc này chúng tôi chỉ trả lại phần hình thể thẩm mỹ, giúp người bệnh hòa nhập cộng đồng chứ không thể khắc phục được phần ngữ âm. Đấy là một thiệt thòi rất lớn của trẻ”, bác sĩ Linh cho biết.
Cha mẹ phải hiểu biết và kiên trì
Cháu Hồ Bá Uyên, 12 tuổi, quê ở Nghệ An phát hiện khe hở vòm họng từ bé. Do kinh tế gia đình khó khăn, nên thấy con chỉ nói ngọng một chút mà vẫn học hành bình thường nên gia đình không cho con đi khám. Đến khi nghe người thân mách có chương trình mổ từ thiện (ngày 12-16/8 ở BV108), trả lại nụ cười cho trẻ dị tật hở môi, hàm ếch ông mới cho con đi khám. Nhìn con nằm thiêm thiếp trên giường bệnh khi vừa trải qua ca phẫu thuật, ông Tùng (bố cháu Uyên) không giấu được cảm xúc khi bác sĩ bảo ca mổ thành công ngoài mong đợi.
“Con tôi nghe nói sẽ được phẫu thuật thích lắm, cứ giục bố mẹ đưa đi làm mặc dù phải nghỉ học. Đưa con đi mổ tôi cũng sợ chi phí mất nhiều tiền. Nhưng may mắn tham gia chương trình này, ai cũng được miễn phí và còn được hỗ trợ tiền ăn và xe cộ đi lại”, ông Tùng vui mừng nói.
Bên giường bên, anh Lưu Ngọc Sơn (bố cháu Bình, 3 tuổi, ở Quảng Nam) cũng đang hồi hộp chờ đến lượt khám cho con. Trước đó con anh đã 2 lần mổ sứt môi và tạo hình vòm. Nhưng do vợ chồng anh mải việc đồng áng nên không chăm sóc chu đáo cho con, khiến khe vòm bị bục, ảnh hưởng ít nhiều đến giọng nói và còn bị viêm nhiễm đường hô hấp…
“Từ lúc 3-6 tháng, con phải đi lại 3-4 lần mới được mổ môi lần 1 vì thiếu cân và ốm, sốt triền miên. Đến lần mổ thứ 2, bố con tôi phải đi đi về về gần chục lần. Giờ nhìn con lành lặn như này tôi nghĩ hành trình bố con tôi đã đi được 99% rồi. Tôi cầu mong con không ốm đau gì để chuyến đi này không phải quay về”, anh Sơn bày tỏ.
Từ đầu năm tới nay, BV TƯQĐ 108 đã phối hợp với tổ chức Operation Smile phẫu thuật nhân đạo nhiều đợt dành cho các bệnh nhân có dị tật khe hở môi, hàm ếch hoặc bị sẹo môi, lỗ thông vòm miệng, dị tật mũi… Với tiêu chí Operation Smile lựa chọn là trẻ bị khe hở môi phải được ít nhất 6 tháng tuổi, nặng từ 8kg trở lên; Trẻ bị khe hở hàm ếch phải được ít nhất 18 tháng tuổi, nặng từ 10-12kg trở lên. Đồng thời, trẻ không có bệnh bẩm sinh như tim, động kinh, thần kinh và không bị sốt, hoặc viêm nhiễm trong thời điểm đi khám. Do vậy, cha mẹ cần chú ý chăm sóc trẻ để đạt đủ cân nặng. Mọi đăng ký, liên lạc trực tiếp với Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình, BV TƯQĐ 108.
“Khi các con có dị tật môi, vòm thì sau đẻ 1 tháng, bố mẹ có thể mang con đến Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và Tạo hình BV TƯQĐ 108 để khám và nghe tư vấn qua đó bố mẹ có thể hình dung về toàn bộ quá trình chữa trị cho con. Bố mẹ cần kiên nhẫn, và hiểu được quy trình thì sẽ giúp các con có được kết quả sau điều trị tốt nhất” - TS.BS Lê Diệp Linh. |