Chị Đoàn Thị H. (29 tuổi, quê ở Thanh Hóa) bị mắc sốt xuất huyết gần 1 tuần nay và đang nằm điều trị ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở Giải Phóng). Người nhà chị H. cho biết, trước đó chị H. bị sốt cao, đau đầu, ho. Chị H. chủ quan nghĩ cảm cúm thông thường nên tự mua thuốc uống. Do sốt liên tục không hạ, kèm khó thở, gia đình đã đưa chị H. đi kiểm tra xét nghiệm máu thì bị sốt xuất huyết.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, từ đầu năm đến tháng 7/2019, Bệnh viện khám và điều trị hơn 1.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Trong đó, riêng tháng 7/2019, số ca mắc sốt xuất huyết liên tiếp có xu hướng tăng so với các tháng trước đó, với hơn 400 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết.
TS.BS Nguyễn Kim Thư, Trưởng khoa Virus- Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, hiện nay, ở miền Bắc bắt đầu bước vào những tháng cao điểm mùa dịch, bên cạnh đó, diễn biến bất lợi của thời tiết, nắng nóng kéo dài và mưa lớn làm cho muỗi truyền bệnh phát sinh và phát triển mạnh.
“Từ tháng 7 là thời điểm theo đúng chu kỳ của dịch sốt xuất huyết. Dự báo, thời gian tới, số ca mắc sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng và bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống”- TS.BS Nguyễn Kim Thư cho biết.
BS Nguyễn Kim Thư cũng cho biết, virus Dengue gây sốt xuất huyết có 4 tuýp gây bệnh từ D1, D2, D3, D4. Vì vậy, 1 người có thể nhiễm sốt xuất huyết 4 lần.
“Sốt xuất huyết là bệnh lây truyền qua đường muỗi đốt. Hiện sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo người dân phòng tránh muỗi đốt, khơi thông cống rãnh. Các dụng cụ đựng chứa nước phải luôn có nắp đậy.
pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thường xuyên rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch”- BS Thư khuyến cáo.
Lập 8 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại 20 địa phương
Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm 2019 đến 30/7/2019, cả nước ghi nhận trên 105.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 10 trường hợp tử vong, số mắc có xu hướng tiếp tục gia tăng tại nhiều địa phương.
Trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, Bộ Y tế đã lập 8 đoàn kiểm tra giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh này tại 20 tỉnh, thành phố trọng điểm là: Khánh Hoà, Bình Thuận, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Nam, Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Phú Yên, Đồng Nai, Tây Ninh.
Theo Bộ Y tế, các đoàn công tác có nhiệm vụ kiểm tra công tác triển khai kế hoạch hoạt động phòng chống sốt xuất huyết; hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống dịch, công tác chuyên môn về dự phòng, giám sát xử lý ổ dịch, tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng; vai trò của chính quyền các cấp, huy động các ban ngành đoàn thể tham gia phòng, chống sốt xuất huyết tại địa phương; thu dung điều trị; truyền thông và đáp ứng chống dịch.
Bên cạnh đó, đánh giá, nhận đình tình hình và đề xuất Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của tỉnh về các biện pháp kiểm soát sốt xuất huyết.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch; báo cáo và tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố về diễn biến tình hình dịch bệnh tại địa phương, đồng thời, huy động mọi nguồn lực trên địa bàn tỉnh để đáp ứng công tác phòng chống dịch, kiên quyết không để dịch lan rộng và kéo dài.
Đồng thời, tổ chức các chiến dịch diệt bọ gậy và duy trì đến hết năm; phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng tại các khu vực nguy cơ cao và các địa điểm tập trung đông người gồm chợ, trường học, bến xe, bến tàu, bệnh viện.
Các Sở Y tế phải tuyên truyền, vận động người dân chủ động phòng, chống dịch ngay tại hộ gia đình; hướng dẫn người dân cách tự xử lý các dụng cụ chứa nước không cho muỗi vào đẻ trứng, các biện pháp diệt và phòng tránh muỗi đốt./.
Minh Khánh/VOV.VN