Đây là con số đáng báo động về tỷ lệ viêm gan B và C tại Việt Nam được đưa ra tại buổi sinh hoạt khoa học chủ đề “Cập nhật chẩn đoán, điều trị viêm gan B và C”, nhân ngày Thế giới phòng chống viêm gan (28/7) vừa được tổ chức tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Với tỷ lệ này, Việt Nam là nước có người mắc viêm gan B, C cao nhất khu vực Tây Thái Bình Dương.
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, viêm gan đã trở thành nguyên nhân đứng thứ 3 gây tử vong ở Việt Nam với gánh nặng bệnh tật rất lớn. Đáng chú ý, hầu hết bệnh viêm gan B tiến triển âm thầm khó phát hiện, thậm chí không có triệu chứng nào. “Có tới 90% người nhiễm không biết về tình trạng nhiễm vi-rút của bản thân. Do vậy, thường phát hiện ra bệnh khi đã ở giai đoạn muộn hoặc khi đã viêm gan, xơ gan, thậm chí ung thư gan”, PGS.TS Đỗ Duy Cường nhấn mạnh.
Ngoài vi-rút gây viêm gan, rượu bia cũng là thủ phạm góp phần dẫn đến suy giảm chức năng gan. Cùng với thói quen ăn uống nhiều chất béo, ngọt, ít vận động; mắc bệnh đái tháo đường; tình trạng thừa cân, béo phì; việc sử dụng thuốc dài ngày; người gầy, suy dinh dưỡng… cũng dễ dẫn đến gan nhiễm mỡ và các bệnh lý về gan. Khi bị nhiễm vi-rút viêm gan, người bệnh có thể bị tiến triển nhanh tới viêm gan cấp và suy gan, khoảng 10% các trường hợp viêm gan cấp dẫn tới viêm mạn tính và dẫn đến xơ gan, ung thư gan.
Theo số liệu của Bộ Y tế, viêm gan siêu vi B là nguyên nhân hàng đầu gây xơ gan và ung thư gan tại Việt Nam. Hiện nay ước tính Việt Nam có khoảng 8,6 triệu người nhiễm viêm gan B; hằng năm có tới 22.000 người tử vong vì ung thư gan. Viêm gan B khi đã trở thành mạn tính cần phải điều trị thuốc kháng vi-rút lâu dài và theo dõi chặt chẽ tình trạng xơ gan và phát hiện sớm ung thư.
Tuy là bệnh dễ lây, nguy hiểm nhưng viêm gan B hiện đã có vắc-xin phòng bệnh. Viêm gan vi-rút C lây qua đường máu, tuy chưa có vắc-xin phòng bệnh nhưng hiện đã có thuốc kháng vi-rút có thể chữa khỏi hoàn toàn.
Người dân cần phòng tránh bệnh viêm gan B và C chủ động bằng cách: Hạn chế tối thiểu việc tiêm chích không cần thiết, thực hiện tiêm, truyền máu và các sản phẩm máu cũng như thu gom và xử lý chất thải sắc nhọn an toàn; không xăm trổ, sử dụng ma túy có dùng chung bơm kim tiêm; quan hệ tình dục an toàn, khám sàng lọc phát hiệm sớm vi-rút viêm gan B và C.
Việc tăng cường phát hiện sớm sẽ rất hữu ích trong công tác quản lý và điều trị vì viêm gan C là một trong những bệnh lây nhiễm có thể chữa khỏi hoàn toàn. Trong những năm vừa qua, Bộ Y tế đã vào cuộc quyết liệt trong chiến lược Phòng chống viêm gan như xây dựng Hướng dẫn chẩn đoán điều trị và phòng bệnh, lập Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống viêm gan vi-rút B và C, mở rộng chương trình tiêm chủng, sàng lọc phát hiện sớm,... góp phần thanh toán viêm gan vào năm 2030 như mục tiêu của Tổ chức Y tế thế giới đã đề ra.
Hương Giang