Ca mổ hy hữu của sản phụ ung thư vú giai đoạn cuối

Đây là ca mổ đầu tiên mà ê-kíp thực hiện cho sản phụ ở tư thế ngồi và sức khỏe BN rất yếu.

 

“Gia đình chúng tôi thực sự biết ơn các bác sĩ đã tận tình cứu chữa, giúp đỡ 2 mẹ con. Chúng tôi không biết nói gì hơn, sự ra đời của Bình An chính là hồi sinh lần hai của con gái tôi. Cháu sẽ có thêm nghị lực để còn được nhìn con nhiều hơn, lâu hơn”.

Bà Ngân, bà ngoại bé Bình An đã nấc nghẹn khi ca mổ bắt con “hy hữu” cho con gái bà mà các bác sĩ đã thực hiện trong tư thế ngồi đã thành công.

Nỗ lực giữ con khi phát hiện ung thư vú di căn

Mang trong mình căn bệnh ung thư vú (UTV) giai đoạn cuối, sản phụ Nguyễn Thị Liên, 28 tuổi, ở huyện Lý Nhân, Hà Nam vẫn kiên trì đến giây phút cuối cùng với hy vọng con ở trong bụng mẹ thêm được ngày nào thì cơ hội sống của bé càng cao. Người nhà chị Liên cho biết, thấy xuất hiện u cục ở vú khi thai được 8 tuần nhưng chị Liên chỉ nghĩ đó là dấu hiệu của viêm tuyến sữa thông thường như bao người phụ nữ trong thời kỳ mang bầu nên chủ quan không thăm khám. Đến khi kèm triệu chứng ho nhiều, ho cả ngày, cơ thể mệt mỏi, tức vùng ngực nhiều hơn, hạch xuất hiện ở vai, 2 chân phù, đau nhức thì chị Liên mới đến Bệnh viện K để khám. Kết quả UTV giai đoạn tiên triến (giai đoạn 4) đã di căn như sét đánh ngang tai, phá vỡ mọi hy vọng của người mẹ đang mang trong mình sinh linh bé bỏng mới ở tháng thứ 4 của thai kỳ. 

Sản phụ Nguyễn Thị Liên trước khi vào phòng mổ.Bác sĩ Bệnh viện K đã phối hợp cùng bác sĩ chuyên khoa sản tư vấn sức khỏe ung bướu và thai kỳ để bệnh nhân Liên và gia đình cân nhắc lựa chọn để quá trình điều trị bệnh hiệu quả hơn. Nhưng không đắn đo suy nghĩ, chị Liên quyết giữ lại thai nhi, hy vọng của người mẹ lúc này chỉ là cầm cự đủ lâu để con có thể chào đời.

BN nhập viện điều trị 2 đợt hóa trị khi thai kỳ ở tuần 22 với sự theo dõi sát sao của bác sĩ Bệnh viện K và bác sĩ sản khoa, kết hợp khám thai định kỳ, đánh giá sự phát triển của thai nhi. 6 tuần sau khi hóa trị, BN xuất hiện dấu hiệu khó thở, bác sĩ đánh giá tổn thương tràn dịch màng phổi tiến triển, bệnh nhân Liên ngay lập tức được chuyển tới khoa Hồi sức cấp cứu để điều trị triệu chứng, thở oxy, hỗ trợ dinh dưỡng đặc biệt, tiêm truyền… tất cả thuốc sử dụng đều được các bác sĩ hai chuyên khoa sản và ung bướu cân nhắc cẩn thận để không ảnh hưởng quá nhiều đến thai nhi.

Em bé Bình An được các bác sĩ chuyên ngành sơ sinh chuyển sang nuôi dưỡng tại BV Phụ sản Trung ương. Lúc này BN khó thở, xuất hiện hạch dày đặc, hơn 2 tháng nằm viện, BN không thể nằm thở được mà phải ngồi 24/24h, mỗi ngày chỉ ngủ 2 tiếng, mệt mỏi đau đớn do UTV đã di căn xương, phổi...

Ca sinh mổ hy hữu cho người mẹ đầy nghị lực

Ngày 22/5, thai nhi ở tuần thứ 31, các bác sĩ nhận thấy sức chịu đựng của người mẹ đã đến giới hạn, nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và con nên đã phối hợp với BV Phụ sản Trung ương sang hỗ trợ mổ sinh. Chia sẻ trước ca phẫu thuật với giọng nói thều thào, yếu ớt, đôi khi chỉ là gật đầu, người phụ nữ nghị lực ấy gắng gượng: “Em chỉ mong ca mổ chiều nay diễn ra tốt đẹp, con em được chào đời khỏe mạnh, em chỉ cần nhìn con một lần cũng mãn nguyện rồi.

2 ê-kíp y bác sĩ gồm mổ đẻ và sơ sinh từ BV Phụ sản Trung ương cùng sang Bệnh viện K thực hiện ca mổ. Do thai phụ không thể nằm nên các bác sĩ phải mổ cho cô ở tư thế ngồi - đây là tư thế khó để thực hiện mổ sinh, BN suy yếu nên các thao tác mổ phải đảm bảo nhanh, chính xác. Người trực tiếp thực hiện ca mổ bắt con hy hữu này là PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc BV Phụ sản Trung ương chia sẻ: “Nhìn sản phụ phải ngồi nghiêng, cúi người để thở, dường như sự sống rất mong manh có thể đi bất cứ lúc nào nhưng vẫn cố gắng gượng sức lực ít ỏi cuối cùng để đón con chào đời, khiến ê-kíp phẫu thuật ngày hôm ấy không ai giấu được sự thương cảm, xót xa đến nghẹn ngào".

Tiếng khóc của bé trai 1,5kg khiến người mẹ trẻ và ê-kíp phẫu thuật trào nước mắt. Ngay lập tức, bé được các bác sĩ chuyên ngành sơ sinh tiếp nhận cấp cứu đưa vào lồng ấp và chuyển sang BV Phụ sản Trung ương. Ê-kíp còn lại tiếp tục hoàn thành ca mổ. Và sau đó là cuộc chiến khác với hy vọng cứu người mẹ.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Đức, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện K, cho biết, BN vào viện khi thai được 22 tuần, tình trạng sức khỏe yếu, suy hô hấp khó thở, tràn dịch màng phổi. Sau khi gia đình thống nhất ý kiến quyết tâm giữ con thì BV đã hội chẩn liên bệnh viện với các chuyên gia của Bệnh viện 103, BV Phụ sản Trung ương thống nhất cố gắng duy trì em bé ở trong bụng mẹ được ngày nào tốt ngày ấy. Khi mổ, ê-kíp cũng không thể gây mê vì có thể BN không tỉnh lại được, vì thế chỉ gây tê tủy sống, trong khi mổ BN gần như tỉnh táo. Ca mổ diễn ra hết sức căng thẳng, vẫn có thể có nguy cơ mất cả mẹ lẫn con”. Nhưng với sự tập trung cao độ của ê-kíp phẫu thuật là bác sĩ hàng đầu tại 2 bệnh viện, bé Đỗ Bình An đã chào đời trong sự yêu thương vô bờ của người mẹ và tất cả y bác sĩ - những người đồng hành cùng mẹ con bé quãng ngày vừa qua.

“Đỗ Bình An là tên em đặt cho con, mẹ mong con một đời bình an”, câu nói của người mẹ trẻ đã chạm vào trái tim của tất cả những y bác sĩ, BN trong phòng, đặc biệt là những ai đã từng làm mẹ.

Sau ca mổ bắt con, Nguyễn Thị Liên, người mẹ bị ung thư giai đoạn cuối, rơi vào tình trạng mê man. Chị vẫn chưa một lần được nhìn thấy bé Đỗ Bình An. Theo PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc BV Phụ sản Trung ương, sản phụ Liên mắc UTV di căn phổi nhưng thai nhi vẫn phát triển bình thường là điều rất may mắn. Về mặt hình thái, bé không bất thường dù mẹ điều trị hóa chất. Đây là ca mổ đầu tiên cho thai phụ ở tư thế ngồi và sức khỏe BN rất yếu.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận