Nơi cuộc đời được tái sinh

'Ung thư không phải là kết thúc, chỉ là khởi đầu một hành trình sống mới. Hãy thêm một lần nữa yêu thương cuộc đời'.

 

Sốc, lo sợ, bi quan, đau đớn... là tâm trạng mà có lẽ những ai không may mắc ung thư máu ít nhất sẽ một lần trải qua. Nhưng đọng lại trong hành trình gian nan điều trị vẫn là lòng biết ơn sâu sắc đối với đội ngũ thầy thuốc của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, nơi đã tái sinh cuộc đời họ một lần nữa.

Những câu chuyện xúc động

Trong chương trình “Câu chuyện Mùa Xuân” được tổ chức tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương mới đây, những bệnh nhi ung thư diện váy đỏ xinh xắn bước lên sân khấu khiến ai cũng xúc động. Có em mái tóc chưa kịp mọc lại sau điều trị hóa chất, có em kim truyền vẫn gắn trên tay nhưng vẫn tự tin biểu diễn ca khúc chan chứa niềm vui, yêu đời. Tại đây, còn có những câu chuyện đầy xúc động của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khi khỏi bệnh. Bức thư trong cuộc thi viết “Mùa xuân hy họng” của bệnh nhân Tạ Thị My - mẹ của 3 con nhỏ có đoạn viết: “Các con chỉ biết xa mẹ vì mẹ phải đi viện. Chúng khóc vì đang quen được mẹ ôm ấp, che chở và chăm chút từng bữa ăn, giấc ngủ. Nhìn chúng ngây thơ, chưa hiểu chuyện em càng đau lòng. Khi cấp cứu từ BV tỉnh đến Trung ương em đã nghĩ mình không còn hy vọng. Nhưng khi sống chung với nhiều đồng bệnh, được các bác sĩ, các chị điều dưỡng tận tình, chu đáo giúp em quen dần và nghị lực tăng gấp vạn lần, nó còn hơn cả thuốc bổ. Trải qua đợt hóa trị đầu tiên em đã rất yếu, rất mệt, gan to, bụng chướng, không thể thở được, phải chuyển sang phòng cấp cứu - căn phòng mà ai cũng sợ.

Điều dưỡng chăm sóc, thăm hỏi người bệnh ung thư máu. Giữa lằn ranh sinh tử, khi thở ô xy, các bác sĩ vẫn luôn tận tình, thăm hỏi em từng phút về tiến triển bệnh, thuốc này chưa được thì đổi thuốc khác. Các bác sĩ lúc nào cũng nhỏ nhẹ, và làm công tác tư tưởng để tâm lý em vững vàng vượt khó thành công. Nhờ sự tận tụy từng giây phút của bác sĩ, phép màu nhiệm đã đến. Người bệnh tưởng như phải trả về như em, bụng đã nhỏ lại, từng chỉ số đã dần ổn định”.

“Người ta nói rằng liều thuốc mạnh nhất của bệnh nhân chính là liệu pháp tâm lý. Nhờ có liều thuốc tâm lý của bác sĩ và những phác đồ thuốc bác sĩ đưa ra mà em đã chiến thắng bệnh tật. Và em nghĩ rằng, một người yếu đuối như em còn làm được thì tất cả mọi bệnh nhân cũng thế. Hãy luôn nhớ rằng, ung thư không phải là kết thúc, mà là khởi đầu cho sự kiên cường, lạc quan của chính mình để đón chờ nhiều và thật nhiều mùa xuân bên gia đình và những người mình yêu mọi người nhé”.

Trích thư của bệnh nhân Tạ Thị My

Các bác sĩ lúc nào cũng nhỏ nhẹ, và làm công tác tư tưởng để tâm lý người bệnh vững vàng chiến thắng bệnh.Bức thư của cháu Lê Hà Minh Anh (học sinh lớp 4, bệnh nhi khoa H6), có đoạn viết: “Mùa xuân năm ngoái là một mùa xuân đặc biệt đối với tớ vì tớ được đón Tết cùng bố mẹ tại “ngôi nhà” đầy yêu thương. Nhớ lại những ngày đầu tiên ở nơi này, tớ có chút lo lắng, có chút sợ hãi khi nhìn thấy các bệnh nhi xung quanh, có những em bé mới chỉ vài tháng tuổi đã mang trên mình những dây truyền kim tiêm. Hành trình tớ bắt đầu là những lần kiểm tra, xét nghiệm máu, chọc tủy, tiêm tủy, truyền máu, truyền thuốc..., và truyền hóa chất. Tóc tớ bắt đầu rụng. Tớ đau lắm. Nhiều lúc tớ có cảm giác lưng tớ sắp gãy, chân tay tớ tê cứng, cứ mỗi ngày lại thêm 1 vài vết bầm tím do lấy ven. Nhưng trên hành trình đó là bố, là mẹ, là bác sĩ, các cô y tá, các bác điều dưỡng ngày đêm không quản mệt nhọc chỉ mong cho các bệnh nhân khỏe mạnh trở lại.

Có những ngày tớ không muốn ăn, ăn vào nôn ra tớ lại gắng ăn tiếp vì bố mẹ lo lắng nên tớ phải cố gắng nhiều hơn nữa, vượt qua sợ hãi và đau đớn để nhanh chóng khỏi bệnh. Tớ thấy tóc của bố tớ điểm bạc, bố mẹ cũng ít cười hơn trước đây. Dần dần mẹ giải thích cho tớ biết về bệnh và chuẩn bị cho những ngày tháng điều trị dài ở viện.

Thấm thoát cũng đã 1 năm trôi qua, bây giờ tớ cũng đã được các bác sĩ cho đi duy trì rồi đấy. Mỗi mùa xuân đối với tớ bây giờ là những khát khao, những hy vọng về bữa cơm bên gia đình, những ngày được cắp sách tới trường với chiếc khăn quàng đỏ thắm trên vai.Nếu ai đọc được bức thư này của tớ mà cũng đang điều trị với bệnh tật thì hãy vững tin lên nhé. “Ung thư là một bài toán khó. Những chiến binh ung thư là những học sinh giỏi. Vì học sinh giỏi có thể giải được những bài toán khó đấy các bạn ạ”.

Những lời động viên ân tình từ các y bác sĩ đều là những phép màu giúp người bệnh mạnh mẽ hơn.Lời động viên ân tình của y bác sĩ - “liều thuốc” đặc biệt cho bệnh nhân

Còn bệnh nhân Thảo Vy (21 tuổi) thì chia sẻ về tình nhân ái của các y bác sĩ và những ước mơ của mình. Vy viết: “Những ngày cận Tết còn biết bao dự định dang dở, cũng là ngày tôi nhận kết quả chẩn đoán ung thư trên tay. Lúc đó tôi hoang mang sợ hãi, thậm chí là buông xuôi. Những ngày điều trị kế tiếp không dễ dàng, nhưng tôi học được cách trân trọng nhiều khoảnh khắc bởi ở đây tôi biết thêm nhiều bạn bè, những người không kể tuổi tác luôn sẵn sàng chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau. Mỗi lần được gặp gia đình, được nắm tay người thân, được nghe những lời động viên ân tình từ các y bác sĩ... đều là những phép màu giúp tôi mạnh mẽ hơn. Tôi ước mình khỏe mạnh, có thêm nhiều khoảnh khắc bên bạn bè và người thân”.

Cũng mang tình thần lạc quan ấy là Nguyễn Văn Đoàn - phát hiện ung thư hạch khi mới 21 tuổi, đang học năm thứ 3 cao đẳng. Dù ở giai đoạn khá nguy hiểm, phác đồ điều trị mạnh với rất nhiều tác dụng phụ của thuốc nhưng nhờ tinh thần lạc quan, tuân thủ điều trị nên chỉ sau 2 chu kỳ, Đoàn đã đạt kết quả đáp ứng tới 90%. Chia sẻ về quá trình điều trị, Đoàn xúc động nói: “Suốt thời gian nằm viện, mình được các bác sĩ và các anh chị điều dưỡng của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương quan tâm, chăm sóc chu đáo, tạo cho mình cảm giác gần gũi, không hề xa cách. Ngay cả khi không ở viện mà gặp vấn đề về sức khoẻ, mình gọi điện ngoài giờ làm việc cũng được các bác sĩ trả lời một cách nhiệt tình. Và sau gần 7 tháng chiến đấu, mình cũng kịp bảo vệ thành công đồ án tốt nghiệp, cũng là ngày bác sĩ thông báo: Mình đã lui bệnh. Mình cảm thấy như được sinh ra thêm một lần nữa. Ngày đó có lẽ là ngày vui nhất trong cuộc đời mình!”.

Anh Nguyễn Văn Đoàn vui mừng gặp lại TS.BS Vũ Đức Bình - bác sĩ điều trị của mình tại VIện Huyết học-Tr uyền máu TW.

Kết thúc quá trình điều trị, chàng trai trẻ đã quyết định lan toả tinh thần lạc quan của mình tới tất cả mọi người qua kênh tiktok Đoàn lạc quan.“Tôi coi đó như một cuốn nhật ký điện tử của mình lưu giữ tất cả câu chuyện của mình chia sẻ những kinh nghiệm cho đồng bệnh. Qua đây, tôi muốn nhắn gửi đến những người bệnh ung thư: Hãy tin tưởng vào bác sĩ và giữ tinh thần lạc quan để chiến đấu với bệnh tật. Ung thư không phải dấu chấm hết mà là sự bắt đầu cho một cuộc chiến và chúng ta có thể chiến thắng được nó!”, Đoàn bày tỏ.

Còn rất nhiều những tâm sự, những câu chuyện khơi dậy nguồn cảm hứng từ chính những người bệnh ung thư máu. Họ “chiến đấu” mạnh mẽ và hạnh phúc đón nhận kết quả đạt lui bệnh hoàn toàn. Sự xuất hiện của họ mang đến tinh thần lạc quan, sự biết ơn sâu sắc tới đội ngũ y bác sĩ và điều dưỡng cũng như sự tin tưởng vào y học, tay nghề của bác sĩ - những người đã luôn quan tâm, sẻ chia sâu sắc, là người truyền cảm hứng giúp họ chiến thắng căn bệnh hiểm nghèo.

TS.BS Vũ Đức Bình tư vấn cho người bệnh.Hiện nay, mỗi ngày Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đang điều trị cho hơn 1.200 BN nội trú, đang quản lý hơn 7.500 người bệnh về máu và cơ quan tạo máu. Trong đó phần lớn là người bệnh máu hiểm nghèo, người bệnh đến từ nhiều vùng miền khác nhau, có nhiều người bệnh thuộc vùng sâu vùng xa, hoặc thuộc hộ khó khăn. TS.BS Vũ Đức Bình, Phó Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết: Người bệnh máu phải điều trị dài ngày, điều trị nhiều chu kỳ và thậm chí điều trị suốt đời. Riêng đối với người mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư máu còn gặp nhiều khó khăn khác đó là nỗi lo về sức khỏe, áp lực về tài chính, tinh thần.

TS.BS Vũ Đức Bình chia sẻ: “Ngày nay, thế giới và ngay tại Việt Nam cũng đã và đang áp dụng những phác đồ điều trị, những loại thuốc chữa trị ung thư thực sự hiệu quả. Người bệnh ung thư có thể lui bệnh, phục hồi, duy trì sức khoẻ ổn định một cách an toàn sau thời gian điều trị kéo dài, nhưng phụ thuộc rất nhiều vào việc họ học các kỹ năng quản lý và hiểu không chỉ căn bệnh, mà cả cơ thể và tâm lý của bản thân mình. Khi người bệnh, người nhà người bệnh hiểu sâu sắc về điều này, thì chắc chắn rằng, việc điều trị ung thư sẽ dễ dàng hơn, giảm đi rất nhiều gánh nặng tinh thần và tăng thêm cơ hội lui bệnh”.

 

"Chúng tôi muốn trao đến cho tất cả người bệnh một thông điệp thực tế: Ung thư không phải là kết thúc, chỉ là khởi đầu một hành trình sống mới. Hãy thêm một lần nữa yêu thương cuộc đời. Với sự lạc quan này, chúng tôi mong rằng sức khoẻ sẽ sớm trở lại với quý cô, bác, anh chị”.

TS.BS Vũ Đức Bình

“Câu chuyện Mùa Xuân” đã đem lại những điều tích cực mà người bệnh, người nhà người bệnh, cộng đồng và đội ngũ y bác sĩ điều trị đang cùng nhau lan toả trong những ngày đầu xuân mới. TS.BS Vũ Đức Bình hy vọng người bệnh luôn bình tĩnh, thực hành việc thư giãn tinh thần và luôn tuân thủ tốt điều trị để đạt được kết quả ổn định bệnh như mong đợi. Đây cũng là điều mà mỗi cán bộ, nhân viên y tế mong chờ nhất./.

Lưu Hường

 

Bình luận

    Chưa có bình luận