Chớ chủ quan với bệnh cúm mùa

Thời gian gần đây, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận nhiều bệnh nhân cúm mùa nhập viện với các biến chứng nặng...

 

Thời tiết lạnh, đặc biệt giai đoạn chuyển mùa đông xuân là cơ hội thuận lợi lây lan bệnh cúm mùa. Những người có bệnh nền, người có hệ miễn dịch yếu, phụ nữ mang thai 3 tháng đầu cần đặc biệt chú ý đề phòng.

Gia tăng bệnh nhân mắc cúm nhập viện

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai bệnh cúm mùa (seasonal flu) đã có từ rất lâu ở hầu hết các nơi trên thế giới, thường gây ra bởi virus cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B, lây trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp. Thế giới đã ghi nhận nhiều đại dịch cúm với hàng trăm triệu người mắc và có thể tử vong cướp đi sinh mạng của hàng triệu người. Ngoài ra, cúm gia cầm A/H5N1 được ghi nhận với tỷ lệ tử vong rất cao, tuy nhiên cúm gia cầm ít lây truyền từ người sang người.

Thời gian gần đây, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận nhiều bệnh nhân (BN) cúm mùa nhập viện với các biến chứng nặng. Tính từ năm 2024 đến thời điểm hiện nay, Trung tâm này đã điều trị cho hàng ngàn BN cúm mùa, trong đó có nhiều trường hợp nặng và phải thở máy. Đáng nói, trong những ngày thời tiết liên tục trở lạnh, mưa, gió mùa gần đây thì bệnh cúm có chiều hướng gia tăng.

Bệnh nhân cúm mùa suy hô hấp phải thở máy đang điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai.Điển hình là BN nam T.V.L (78 tuổi, ở Từ Liêm, Hà Nội) được chuyển từ bệnh viện gần nhà đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới trong tình trạng sốt cao, khó thở mỗi lúc một tăng. Được biết, BN có tiền sử huyết áp cao, bệnh Alzheimer, test dương tính cúm A. Trước tình trạng BN bị suy hô hấp, các y bác sĩ đã phải mở nội khí quản, cho BN thở máy và điều trị tích cực. Ngoài ra, Trung tâm còn điều trị cho nhiều BN cúm có dấu hiệu trở nặng, trong đó đa phần là người cao tuổi, người có hệ miễn dịch yếu và một số trường hợp là phụ nữ mang thai.

Là người trực tiếp điều trị cho các BN, PGS.TS Đỗ Duy Cường cho biết: Không chỉ riêng những BN ở đây mà thời gian qua, nước ta đã ghi nhận nhiều BN mắc cúm mùa phải thở máy và đã có trường hợp tử vong. Trong đó, những BN nặng thường là người già, có bệnh nền, suy giảm miễn dịch.

PGS.TS Đỗ Duy Cường cho biết, thường những BN cúm mùa nhập viện với các biến chứng nặng là người có nhiều bệnh lý nền như tim mạch, hô hấp, nội tiết,  tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid, xơ vữa động mạch, viêm phổi nhiều năm, người đang dùng các thuốc ức chế miễn dịch,... Còn với người khỏe mạnh có hệ miễn dịch tốt thì các biểu hiện cúm thường nhẹ như là sổ mũi, ngạt mũi, hắt hơi, ho, đau người, sốt. Nếu họ được nghỉ ngơi, giữ ấm, ăn uống đầy đủ và uống thuốc cảm cúm thông thường thì thường tự khỏi và không phải nhập viện. Tuy nhiên, ở những người có hệ miễn dịch yếu mang bệnh nền, bệnh mạn tính hoặc người cao tuổi thì virus sẽ tấn công mạnh vào hệ hô hấp và gây ra những biến chứng như viêm phổi, bội nhiễm các vi khuẩn, viêm cơ tim, suy hô hấp nặng, suy đa tạng có thể phải thở máy, lọc máu, dẫn tới nguy cơ tử vong cao.

PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai"Ai cũng có thể nhiễm cúm mùa nhưng tỷ lệ nhập viện, tử vong có liên quan đến cúm mùa tăng cao ở nhóm BN cao tuổi có các bệnh lý nền mạn tính đi kèm, như tim mạch, hô hấp, đái tháo đường… Khi nhiễm cúm, khả năng nhồi máu cơ tim tăng gấp 6-10 lần, khả năng đột quỵ cũng tăng 3-10 lần, còn suy tim tăng 24%. Tuy nhiên chúng ta cũng cần phân biệt rõ triệu chứng cảm lạnh và bệnh cúm. Cảm lạnh (cold) là cơ thể bị nhiễm gió lạnh, mưa lạnh thường gây mệt mỏi qua loa vài ngày tự khỏi, còn cúm (flu) là một bệnh do tác nhân là virus cúm gây ra các triệu chứng đường hô hấp như ho, sốt, ngạt mũi, hắt hơi, khó thở,... và có thể gây biến chứng nguy hiểm cần phải điều trị. Thuốc kháng virus điều trị cúm là Oseltamivir (Tamiflu) giúp điều trị giảm nhanh triệu chứng. Tuy nhiên, người dân không nên dùng tùy tiện mà cần phải có chỉ định và theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa”, PGS Cường lưu ý thêm.

“Dù bệnh cúm mùa có thể tự khỏi sau một thời gian, nhưng ở các đối tượng nguy cơ cao như trẻ nhỏ dưới 5 tuổi (đặc biệt là dưới 2 tuổi), người cao tuổi, người có bệnh nền và hệ miễn dịch yếu, bệnh có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, viêm cơ tim, viêm não, suy đa tạng và thậm chí tử vong. Do vậy, nếu có các triệu chứng như ớn lạnh, sốt cao, mệt mỏi, đau cơ, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị theo chỉ định. Đồng thời, người dân cần có các giải pháp chủ động phòng bệnh để đảm bảo sức khoẻ”.

PGS.TS Đỗ Duy Cường

Nên tiêm vaccine để phòng chống cúm mùa

Bệnh cúm mùa có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng ngừa nhờ tiêm vaccine. Đây là giải pháp hữu hiệu để chủ động phòng bệnh khi bệnh hô hấp liên tục gia tăng. Vaccine cúm mùa sẽ giúp hệ miễn dịch của chúng ta chống đỡ được virus khi có dịch cúm và nếu mắc bệnh thì sẽ giảm nguy cơ tiến triển nặng. Cần lưu ý, virus cúm mỗi năm thay đổi thành nhiều chủng khác nhau, việc tiêm phòng vaccine cúm cần nhắc lại hàng năm chứ không phải tiêm 1 lần mà miễn dịch lâu dài.

Tổ chức Y tế thế giới và các hiệp hội về bệnh hô hấp, tim mạch... đưa ra khuyến cáo những đối tượng như người cao tuổi, người có hệ miễn dịch yếu, người mắc các bệnh nền, bệnh mạn tính, bệnh ung thư, phụ nữ chuẩn bị mang thai hoặc đang mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi... nên chủ động tiêm phòng cúm hàng năm để phòng bệnh.

Đối với phụ nữ mang thai 3 tháng đầu, nếu mắc cúm mùa cần phải được theo dõi chặt chẽ, vì virus cúm ảnh hưởng đến sự phát triển của bào thai có thể gây dị dạng thai. Vì vậy, phụ nữ trước khi mang thai cần chủ động tiêm phòng cúm, kể cả khi đã có thai vẫn có thể tiêm được vaccine cúm.

Theo Bộ Y tế, hiện nay, điều kiện thời tiết mùa đông - xuân với khí hậu ẩm thấp là môi trường thuận lợi cho virus phát triển và lây lan. Bên cạnh đó, nhu cầu đi lại, giao thương và các hoạt động lễ hội đầu năm tăng cao làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Vào mùa lạnh có thể gặp phải một số vấn đề sức khỏe thường gặp là: cảm lạnh, cúm, hen suyễn, viêm họng, viêm phối, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đột quỵ, ngộ độc khí than do sưởi ấm, đun nấu… Đối tượng có nguy cơ cao gồm người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai. Nhằm bảo vệ sức khoẻ người dân trước ảnh hưởng của rét đậm, rét hại Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương ký vừa ban hành Công văn số 557/BYT-MT của BYT gửi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố hướng dẫn thực hiện các biện pháp dự phòng, bảo vệ sức khoẻ trong mùa lạnh. Đồng thời, chỉ đạo cơ sở y tế các cấp trên địa bàn đảm bảo bố trí đầy đủ cơ số thuốc cấp cứu, đủ giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp; tổ chức khám, chữa bệnh cho người dân, bảo đảm phòng chống rét cho người bệnh và người nhà người bệnh trong quá trình khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.

PGS.TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo: Cảm cúm là bệnh do virus gây ra, nên không có thuốc đặc trị mà chủ yếu điều trị các triệu chứng và biến chứng liên quan đến hô hấp. Vì vậy, phòng bệnh là biện pháp quan trọng nhất. Trước hết, người dân cần lưu ý các biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu như tăng cường vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, giữ ấm cơ thể, vệ sinh mũi, họng, tay sạch sẽ. Ăn uống đầy đủ chất để tăng sức đề kháng, duy trì môi trường sống thông thoáng, sạch sẽ, và đặc biệt nên chủ động tiêm vaccine cúm mùa cùng các loại vaccine phòng bệnh khác.

“Người dân nên ăn uống đủ chất để đảm bảo năng lượng cho cơ thể chống rét. Trong bữa ăn hằng ngày cần bổ sung đầy đủ 4 nhóm chất cơ bản (tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất). Đối với người lao động nặng, người cao tuổi, trẻ em cần cung cấp lượng tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin nhiều hơn so với những mùa khác để chống rét, đặc biệt là bổ sung vitamin A, C để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Tránh ăn uống đồ lạnh, đồ ăn vừa lấy từ tủ lạnh ra vì dễ làm cơ thể nhiễm lạnh; Những người bị cao huyết áp, mắc các bệnh tim mạch, các bệnh hô hấp mạn tính, cơ xương khớp… đã được chẩn đoán thì phải chú ý tuân thủ nguyên tắc dùng thuốc, có chế độ vận động và dinh dưỡng hợp lý theo hướng dẫn của bác sĩ”, PGS.TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo./.

Hường - Dương

 

Bình luận

    Chưa có bình luận