“Dù ngành ghép tạng của Việt Nam có những cột mốc đáng ghi nhận nhưng đằng sau đấy còn rất nhiều nỗi niềm trăn trở, đặc biệt là vấn đề khan hiếm nguồn tạng”, PGS.TS.BS Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia nhấn mạnh vấn đề này khi trao đổi với PV Báo TNVN.
Năm 2024 đánh dấu những bước phát triển vượt bậc của ngành ghép tạng cả về kỹ thuật và số lượng người đăng ký hiến tạng, số ca được ghép. PGS.TS.BS có thể đánh giá về những thành tựu đạt được trong lĩnh vực này?
Có thể nói ngành ghép tạng Việt Nam năm 2024 có những cột mốc rất đáng ghi nhận. Việt Nam là nước Đông Nam Á duy nhất trong danh sách quốc gia thực hiện hơn 1.000 ca hiến ghép tạng mỗi năm kể từ 2022. Có những ca ghép khó đã đạt kết quả mỹ mãn như ca ghép tụy, phổi, tim, gan, thận ở BV Việt Đức, BV108, BV Phổi TƯ, BV Chợ Rẫy... Đáng chú ý, số lượng ca chết não hiến mô, tạng năm 2024 là 41 ca, góp phần tăng số tạng hiến từ người chết não đạt trên 12% (tăng gấp đôi so với 2023).
Là một lãnh đạo chuyên khoa đầu ngành, trước những kết quả rất đáng tự hào của Việt Nam trên bản đồ ghép tạng thế giới, cá nhân ông có cảm xúc như thế nào?
Cũng giống như mọi người, tôi rất vui mừng khi chúng ta có 2 niềm tự hào trong ngành ghép tạng: Thứ nhất chúng ta đã ghép được tất cả các tạng với trình độ không thua kém các nước khác; Thứ 2, chúng ta đã đạt được số lượng ghép tạng đứng đầu Đông Nam Á. Con số ấn tượng về tạng hiến từ người chết não này phản ánh sự thay đổi trong nhận thức của cộng đồng về ý nghĩa nhân văn của việc hiến tạng sau khi qua đời.
Đây là thành quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ từ các cơ quan y tế, tổ chức vận động hiến tạng và đội ngũ y bác sĩ, những người đã làm việc ngày đêm để biến giấc mơ hồi sinh sự sống thành hiện thực. Tuy nhiên, đằng sau đấy còn rất nhiều nỗi niềm trăn trở khi ngành ghép tạng nước ta vẫn đối mặt với một vấn đề lớn: Thiếu nguồn tạng hiến.
Theo thống kê, 94% số ca ghép tạng hiện nay là từ người cho sống, nguồn hiến từ người chết não chỉ chiếm 4%. Con số này thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ 40-90% ở các nước phát triển. Tỷ lệ hiến tạng ở Việt Nam chỉ đạt 0,15%, (nghĩa là 10 triệu người mới có 1,5 người chết hiến tạng). Con số này thấp hơn 300 lần so với Tây Ban Nha và thấp hơn 40 lần so với Thái Lan.
Tôi muốn nhắc lại 1 kỷ niệm rất buồn khi đến thăm BN 15 tuổi trong chuyến công tác Sài Gòn năm 2024. Cháu bé bị suy tim, giãn cơ tim có chỉ định ghép nhưng cứ mòn mỏi chờ cơ hội. Cách đây 1 tháng, tôi nhận được tin cháu bé đã phải từ giã cuộc đời vì vẫn không có người hiến tạng.
Và rất nhiều chuyện đau lòng khác mà chỉ anh em chúng tôi mới biết được. Ví dụ, khi nhận tin có tạng hiến, theo quy định, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia khởi động điều phối, liên hệ với BN theo danh sách chờ ghép quốc gia để kịp thời gian “vàng” ghép cho BN đã định. Nhưng gọi người thứ 119 mới tìm được BN phù hợp ghép; Tại sao lại thứ 119. Vì nhiều lý do, trong đó lý do buồn nhất là gọi đến họ thì đã chết vì không thể chờ, hoặc không thể ghép vì bệnh đã nặng hơn. Đấy là những nỗi buồn của ngành ghép tạng Việt Nam.
Theo ông, tại sao nguồn ghép từ người cho chết não khan hiếm?
Có rất nhiều nguyên nhân, và chúng ta phải tìm biện pháp. Thứ nhất là do luật. Chúng tôi mong muốn năm 2025 Luật hiến ghép mô tạng sẽ được sửa đổi để phù hợp với thực tế. Bởi luật này đã có hơn 20 năm và chưa từng thay đổi.
Thứ hai, các cơ sở y tế, các BV phải quan tâm đến vấn đề này, bởi nước ta có gần 2.000 BV. Bộ Y tế cũng rất nóng lòng và sẵn sàng ủng hộ vấn đề này.
Thứ ba, người dân phải ủng hộ. Bằng việc làm cụ thể là hãy đăng ký hiến mô tạng, hãy quan tâm ủng hộ việc hiến mô tạng thì sẽ thành công.
Chúng tôi muốn luật pháp tạo điều kiện để các cở sở y tế quan tâm đến vấn đề này. Như thế sẽ giúp được nhiều người bệnh, giúp cho hệ thống y tế phát triển và giúp được cho tất cả người dân có cơ hội biến mong muốn của họ thành hiện thực. Bởi thực tế có những bệnh nhi nhỏ tuổi không thể nhận tim của người lớn, đành chấp nhận chờ đợi.
Ngoài sự phát triển về trình độ, kỹ thuật ghép tạng thì công tác tổ chức, điều phối, vận chuyển cũng như sự phối hợp nhịp nhàng, khẩn trương giữa các bệnh viện và những yếu tố đảm bảo cho sự thành công của những ca ghép tạng xuyên Việt. PGS.TS chia sẻ về những điều mà ông tâm đắc trong hoạt động này?
Trong công tác điều phối chúng tôi đã làm được rất nhiều việc nhưng vẫn còn rất nhiều việc chưa thể thực hiện. Đây cũng là điều tôi trăn trở mà mỗi khi dự hội thảo, hội nghị ở bất kỳ BV nào tôi vẫn cần nhắc lại. Rằng: Nếu 1 BV muốn triển khai 1 chương trình ghép tạng, và muốn ghép từ nguồn hiến sống thì BV đó sẽ làm được. Nhưng nếu muốn ghép tạng từ nguồn hiến chết thì BV đó phải cần đến cộng đồng, cần các BV mạng lưới, phải có cách tổ chức của cả hệ thống. Bởi lẽ 1 BV có thể không đủ khả năng để ghép tất cả các tạng; hoặc có đủ khả năng thì cũng không đáp ứng đủ tạng phù hợp cho số BN đang chờ để ghép. Nếu 1 BN hiến 5-7 tạng mà không có sự ghép nối, tổ chức điều phối không chu đáo thì số tạng đó chưa chắc tới được người cần.
Chính bởi lẽ đó, Trung tâm Điều phối quốc gia ra đời. Nhưng đòi hỏi công tác điều phối phải hài hòa, minh bạch, công bằng, đúng luật pháp, đặt người bệnh lên trên hết, trước hết. Nếu không sẽ mất niềm tin.
Việc mở rộng mạng lưới đến các cơ sở như ông đề cập được tiến hành đến đâu?
Trên toàn quốc gần 100 BV nhưng mới tập trung vào 13 tỉnh thành (trong đó phía Bắc là 11) mà đã thấy hiệu quả rất rõ: số mô tạng hiến gấp đôi năm 2023. Tôi đã nói rất nhiều ở các hội thảo gần đây rằng tại sao chỉ có 13 tỉnh thành hiến mô tạng. Trong khi đó những tỉnh thành khác lại không có BN hiến mô tạng. Vậy thì chẳng lẽ người dân ở vùng đấy không tốt bụng, không ủng hộ việc hiến mô tạng, hay họ không quan tâm đến hiến mô tạng, hay vì lý do khác. Không phải! Là bởi chính các BV chưa phát triển mạng lưới hiến mô tạng, chưa đưa ra được quy trình chuẩn trong việc phát hiện, quản lý những người chết não.
Việc hiến giác mạc ở Nình Bình, Nam Định đã rất thành công khi nhờ sự vận động của giáo sứ, linh mục. Vậy tới đây chúng ta có hướng tới việc nhờ tới người có ảnh hưởng, các tôn giáo để nguồn tạng hiến được nâng lên?
Có chứ. Ở các hội thảo, hội nghị, lễ vận động hiến mô tạng chúng tôi đều mời 2 vị đại diện 2 đơn vị tôn giáo lớn nhất Việt Nam là Phật giáo và Công giáo. Ở các nhà thờ, chùa chiền họ cũng triển khai cuộc vận động đăng ký hiến mô tạng. Sau mỗi lần vận động thì số người đăng ký tăng lên rõ rệt. Và hiệu quả nhất vẫn là Kim Sơn, Ninh Bình và Nam Định về hiến giác mạc. Tuy nhiên số người hiến mới dừng lại ở 13 tỉnh như tôi vừa nói. Và vì sao những tỉnh khác chưa có người hiến tạng? Đây cũng là nỗi buồn và cũng là động lực để chúng ta phải thay đổi, mong sao nguồn hiến tặng nhiều lên.
Chúng tôi rất hiểu chức năng của nhân viên y tế là khám bệnh, chữa bệnh, tư vấn, cứu người chứ không có nhiệm vụ tìm mô, tìm tạng để cứu người ở 1 BV xa xôi khác. Nhưng bây giờ, chúng tôi cần họ thay đổi nhận thức khi KCB, nhất là khám cho BN nặng.
Chính vì lẽ đó, chúng tôi đã tổ chức các khóa đào tạo, trước tiên là nhóm bác sĩ, điều dưỡng ở những khoa phòng cấp cứu 115. Ở đây họ tiếp cận rất nhiều BN nặng, nhưng họ chưa ý thức được việc hiến tạng mà chỉ quen cấp cứu bằng việc dùng thuốc, hồi sức. Việc thay đổi nhận thức rất quan trọng. Đây là mấu chốt của vấn đề.
Những mong ước lớn nhất của ông đối với chuyên ngành ghép tạng?
Trong năm tới tôi hy vọng các hoạt động sẽ tốt hơn, sẽ có sự tăng trưởng hơn năm trước đặc biệt là số lượng ghép từ nguồn cho chết não. Tôi nói 1 cách hài hước và lạc quan tếu là: Năm 2024 số người chết não hiến mô tạng gấp đôi 2023 thì năm sau sẽ gấp đôi 2024. Và nếu được như thế thì chỉ 3, 4 năm nữa số lượng người chết não hiến mô tạng sẽ gấp 20 lần cộng lại của 10 năm trước. Tức là sẽ có hơn 100 ca hiến mô tạng/năm. Đạt được con số đấy là chúng ta đã gần tiếp cận với Hàn Quốc rồi.
Nếu được sự ủng hộ của các BV, sự quyết liệt của lãnh đạo các cơ sở y tế cũng như sự ủng hộ của người dân thì chúng tôi nghĩ chắc chắn sẽ làm được. Và những tạng khó chúng ta sẽ ghép được nhiều hơn.
“Chúng ta tin rằng, với những nỗ lực không ngừng nghỉ từ các cơ quan, tổ chức và cá nhân, phong trào hiến tạng sẽ ngày càng được nhân rộng, góp phần lan tỏa thông điệp nhân văn "cho đi là còn mãi", giúp ngành ghép tạng của Việt Nam ngày càng phát triển”.
PGS.TS.BS Đồng Văn Hệ
|
Sự “lạc quan tếu” đó nếu thành hiện thực thì có thể đáp ứng bao nhiêu BN đang phải mong chờ từng giờ, từng phút được cứu sống?
Hiện nay, số lượng chờ ghép vẫn chưa được thống kê đầy đủ bởi có những BN ở tuyến dưới, ở vùng sâu vùng xa họ không đi khám bệnh, nhưng hiện mới chỉ đáp ứng được 10-15% số BN chờ ghép. Nếu năm 2025 số tạng hiến tăng gấp đôi thì cứu được 60 người. Năm tiếp theo sẽ cứu được 120 người... Vậy sự “lạc quan tếu” đó sẽ được tính bằng số BN được cứu sống. Đấy là chưa kể việc chúng ta tận dụng từng cái mô/tạng như gân, mạch máu... thì còn giá trị hơn rất nhiều.
Trân trọng cảm ơn ông!
Lưu Hường thực hiện