Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về ghép tạng

Năm 2024, Việt Nam ghi nhận 41 ca chết não gia đình đồng ý hiến tặng mô, tạng. Đây được coi là con số kỷ lục về ca hiến tạng tại Việt Nam.

 

“Năm 2024 là năm chuyên ngành ghép tạng Việt Nam đã ghi dấu ấn mạnh mẽ khi được vinh danh là một trong những sự kiện tiêu biểu của y học Việt Nam” - Đây là vấn đề GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Hội nghị Tổng kết mạng lưới hiến mô, tạng năm 2024 và định hướng phát triển năm 2025 do Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia tổ chức ngày 7/1/2025.

GS.TS Trần Văn Thuấn cho biết: Sau hơn 30 năm triển khai kỹ thuật thực hiện ghép tạng, với ca ghép thận đầu tiên vào tháng 6/1992, tính đến hết năm 2024, Việt Nam đã thực hiện được 9.516 ca trên cả nước với sự tham gia của 27 bệnh viện, trung tâm. Đáng nói, 3 năm trở lại đây, mỗi năm nước ta đã thực hiện thành công trên dưới 1.000 ca ghép tạng. Cột mốc này đã đưa ngành ghép tạng Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị.“Một trong những dấu ấn nổi bật là chúng ta đã thực hiện thành công ca phẫu thuật ghép tim - gan đồng thời đầu tiên tại Việt Nam và thực hiện ca ghép khí quản từ người cho chết não, một kỹ thuật khó, hiếm gặp không chỉ tại Việt Nam mà còn trên thế giới. Bên cạnh đó, chúng ta đã thực hiện thành công 3 ca ghép phổi chỉ riêng trong năm 2024, nâng tổng số ca ghép phổi lên 12 ca kể từ khi ca đầu tiên được thực hiện vào năm 2017”, GS.TS Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.

Thống kê cho thấy, những năm gần đây, trung bình mỗi năm chỉ có 10 - 12 ca hiến tạng sau chết. Nhưng năm 2024, Việt Nam ghi nhận 41 ca chết não gia đình đồng ý hiến tặng mô, tạng tập trung ở 13 tỉnh thành. Đây được coi là con số kỷ lục về ca hiến tạng tại Việt Nam.

Dù số lượng người đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết đã tăng nhiều lần so với những năm trước đó, tuy nhiên số tạng hiến từ người chết vẫn còn thấp, và thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ ở các nước phát triển. Và con số này chỉ đáp ứng 13% tổng số ca ghép tạng, còn lại là nguồn tạng ghép từ hiến sống.

“Số lượng người đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết đã cao gấp nhiều lần tổng số người đăng ký những năm trước đó. Con số 41 ca hiến tạng sau chết cũng nhắc nhớ chúng ta không thể quên được tấm lòng nhân ái của một gia đình khi con trai họ không may bị tai nạn giao thông và qua đời vào đầu tháng 4/2024, gia đình đồng ý hiến tạng đã ghép thành công cho 7 người. Chúng ta cũng khắc ghi tấm lòng của gia đình điều dưỡng Lê Thị Thùy Linh công tác tại Bệnh viện E mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến chết não, gia đình đã đồng ý hiến tặng mô, tạng đem lại sự sống mới cho 4 người bệnh khác. Và còn rất nhiều, rất nhiều những tấm gương sáng khác... Và tôi tin rằng, với sự hoạt động năng nổ, tích cực và vô cùng hiệu quả của Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam cùng các chi hội trực thuộc, con số này sẽ tiếp tục gia tăng”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn chia sẻ.

PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia phát biểu tại Hội nghị.Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, để đạt được số “kỷ lục” về ca hiến tạng này, bên cạnh công tác truyền thông, còn phản ánh sự thay đổi trong nhận thức của cộng đồng về ý nghĩa nhân văn của việc hiến tạng sau khi qua đời. Đây cũng là thành quả của những nỗ lực, ủng hộ không ngừng nghỉ của Đảng và Nhà nước và sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ Y tế.

Sau khi Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan có thư phát động đăng ký hiến tăng mô, tạng trong ngành y tế (ngày 17/5/2024), nhiều bệnh viện trên cả nước đã tổ chức Lễ phát động đăng ký hiến tặng, mô tạng tại bệnh viện. Bên cạnh đó, Bộ Y tế còn chỉ đạo Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia tập trung đào tạo các bệnh viện để phát hiện, tư vấn cho người nhà bệnh nhân chết não tiềm năng hiến tạng.

Bên cạnh những thành công đạt được, vẫn còn những tồn tại, khó khăn. Đó là vẫn chưa có cơ chế, chính sách cho các hoạt động tư vấn hiến mô tạng từ người chết não, chết tim… Vì thế, cả nước hiện mới chỉ có số ít bệnh viện thành lập được tổ tư vấn, vận động hiến tạng. Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, lãnh đạo các bệnh viện cần quyết liệt, tạo điều kiện, hỗ trợ phát triển mảng tư vấn, vận động hiến tặng mô, tạng. Đây là điều quan trọng và cần thiết thúc đẩy nguồn hiến mô, tạng trong thời gian tới.

“Thời gian tới, tôi đề nghị các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế, đặc biệt là Vụ Bảo hiểm y tế, Cục Quản lý Khám chữa bệnh và Vụ kế hoạch tài chính tập trung nghiên cứu, vận dụng đề xuất các chính sách chi trả, cũng như cơ cấu giá hợp lý, để đảm bảo tính bền vững và thúc đẩy công tác ghép tạng tại Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị./.

Hương Giang

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận