“Công tác hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện chính sách BHYT, góp phần nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh BHYT”, đó là một trong những điểm sáng mà bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) chia sẻ với PV Báo TNVN về những thành tựu nổi bật của BHYT trong công cuộc khám chữa bệnh năm 2024.
Trước tiên xin Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế Trần Thị Trang đánh giá về những thành tựu nổi bật về BHYT trong công tác chăm sóc sức khỏe toàn dân năm 2024?
Công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Trong đó, bảo hiểm y tế (BHYT) là 1 trong 2 trụ cột an sinh xã hội quan trọng luôn được quan tâm xây dựng và hoàn thiện. Chúng tôi rất tự hào ngành y tế đã đạt được nhiều thành tích nổi bật, và một trong những điểm sáng đó là công tác hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện chính sách BHYT, góp phần nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh (KCB) BHYT. Thống kê cho thấy, năm 2024, cả nước có khoảng hơn 94 triệu người dân tham gia BHYT với khoảng trên 180 triệu lượt KCB.
Cụ thể, năm 2024, Bộ Y tế đã trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật về BHYT, các văn bản chỉ đạo điều hành nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, đồng bộ với các luật có liên quan và giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện BHYT, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT.
Đáng chú ý là Luật số sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT mới được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2024. So với Luật hiện hành, Luật sửa đổi có 8 nhóm điểm mới cơ bản, đãthể hiện rõ tinh thần cải cách hành chính, thủ tục KCB, giảm hồ sơ giấy tờ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phân cấp, phân quyền tối đa, tạo thuận lợi cho người dân, cơ quan, tổ chức, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT.
Ví dụ, quy định tỷ lệ thanh toán theo mức hưởng BHYT khi thực hiện thông cấp KCB BHYT theo hướng không phân biệt địa giới hành chính theo tỉnh, giữ ổn định tỷ lệ mức hưởng BHYT theo quy định của luật hiện hành và mở rộng với một số trường hợp. Theo đó, người tham gia BHYT được hưởng 100% mức hưởng khi KCB tại cơ sở KCB BHYT cấp ban đầu trong toàn quốc.
Với những điểm mới tại Luật sửa đổi sẽ giải quyết được căn cơ những tồn tại, vướng mắc mang tính cấp bách sau 15 năm thực hiện Luật BHYT, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, bảo đảm an sinh xã hội, quyền, lợi ích của người tham gia BHYT.
Bên cạnh công tác xây dựng hoàn thiện thể chế, Bộ Y tế cũng đã tích cực triển khai và đạt được nhiều thành tựu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng KCB BHYT, như: Chính thức triển khai chuyển đổi Chuẩn và định dạng dữ liệu đầu ra mới thay thế Chuẩn dữ liệu cũ để kết nối, liên thông các cơ sở KCB trong toàn quốc với cơ quan BHXH.
Có thể nói, việc triển khai giấy chuyển tuyến BHYT điện tử và giấy hẹn khám lại điện tử đã giúp công khai, minh bạch trong công tác chuyển tuyến, đơn giản hoá thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi, tiện ích cho người bệnh, cơ sở KCB khi tiếp nhận, làm các thủ tục chuyển tuyến, tái khám, hạn chế các hành vi gian lận, giả mạo trong công tác chuyển tuyến và tái khám.
Sự thay đổi mang tính bước ngoặt này có tác động như thế nào đến người tham gia BHYT?
Những quy định mới trong chính sách BHYT sẽ tác động rất lớn tới quyền lợi của người tham gia BHYT, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân khi đi KCB BHYT. Đặc biệt, quy định của Luật và được cụ thể tại Thông tư của Bộ trưởng Bộ Y tế về trường hợp người dân mắc một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo bệnh cần sử dụng kỹ thuật cao được lên thẳng cơ sở KCB cấp chuyên sâu, cấp cơ bản để KCB mà không cần sử dụng giấy chuyển cơ sở KCB và được hưởng đầy đủ quyền lợi sẽ là một bước đột phá trong việc cải cách hành chính, giảm thủ tục trong KCB tạo thuận lợi rất nhiều cho người tham gia BHYT. Bên cạnh đó, nhiều quy định khi đi khám bệnh, chữa bệnh thông cấp giữa các cơ sở KCB trong cả nước của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và sẽ được cụ thể trong Nghị định hướng dẫn sẽ giúp bảo đảm quyền lợi người bệnh BHYT, trong đó có quy định người tham gia BHYT khi tự đi KCB ngoại trú tại một số cơ sở KCB cấp cơ bản, cấp chuyên sâu mà trước ngày 1/1/2025 được xác định là cơ sở KCB tuyến tỉnh hoặc tương đương tuyến tỉnh thì từ 1/7/2026 sẽ được thanh toán 50% mức hưởng. Các quy định này giúp tăng quyền lợi của người tham gia BHYT, góp phần từng bước giảm tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của người tham gia BHYT.
Còn với Thông tư 37, 39 mới ban hành sẽ mở ra cơ hội gì cho người dân và người bệnh, thưa Vụ trưởng?
Hai trong số các văn bản về BHYT được ban hành trong năm 2024 đó là Thông tư số 37/2024/TT-BYT quy định nguyên tắc, tiêu chí xây dựng, cập nhật, ghi thông tin, cấu trúc danh mục và hướng dẫn thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT và Thông tư số 39/2024/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2016/TT-BYT ban hành danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT.
Thông tư 37 giúp các cơ sở KCB được sử dụng toàn bộ các thuốc trong danh mục, phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, không phân biệt hạng bệnh viện hay cấp chuyên môn kỹ thuật.
Đây chính là điểm đột phá về mặt thể chế và cơ chế trong xây dựng danh mục thuốc, giúp người bệnh tiếp cận kịp thời với các thuốc có chất lượng, hợp lý, an toàn, hiệu quả và đa dạng trong KCB BHYT. Đồng thời, khuyến khích cơ sở KCB phát triển chuyên môn, kỹ thuật; thu hút nhân lực và khuyến khích phát triển năng lực của cán bộ y tế, đặc biệt tạo điều kiện phát triển cho y tế cơ sở do bảo đảm tính công bằng trong tiếp cận và chi trả BHYT đối với thuốc. Góp phần giảm tải cho các cơ sở KCB tuyến trên. Từ đó các thầy thuốc sẽ có thêm “vũ khí” trong việc kê đơn, giúp việc điều trị tại tuyến cơ sở, tuyến ban đầu được hiệu quả.
Về Thông tư số 39 đã sửa đổi, bổ sung các nội dung về điều kiện, tỷ lệ thanh toán đối với các dịch vụ kỹ thuật y tế để khắc phục các khó khăn, vướng mắc, phù hợp với tình hình phát triển khoa học kỹ thuật y tế, sự thay đổi của cơ cấu bệnh tật, nhu cầu KCB của nhân dân và khả năng cân đối quỹ. Đặc biệt phù hợp với việc quy định về cấp chuyên môn kỹ thuật KCB của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023. Bên cạnh đó, quy định Thông tư đã bổ sung quy định về hướng dẫn thanh toán chi phí KCB BHYT góp phần bảo đảm đầy đủ tính pháp lý trong quá trình tổ chức thực hiện và thanh toán chi phí KCB BHYT cho người tham gia BHYT.
Có thể nói chính sách BHYT là trụ cột trong hệ thống chính sách an sinh xã hội được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, tuy nhiên đến nay vẫn còn một số người chưa có thẻ BHYT. Để tiến tới bao phủ BHYT toàn dân một cách bền vững thì chúng ta cần những giải pháp nào để thực hiện mục tiêu này?
Quy định tham gia BHYT hiện nay là quy định bắt buộc tham gia, tuy nhiên, hiện nay còn khoảng 6% dân số chưa tham gia BHYT. Để tiếp tục tăng cường tỷ lệ bao phủ BHYT, góp phần đạt mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đã bổ sung một số nhóm đối tượng tham gia BHYT, đặc biệt là các nhóm đối tượng được ngân sách Nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng như: người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các xã được xác định không còn thuộc vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, nhân viên y tế thôn bản, nạn nhân buôn bán người, người được tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú theo quy định của Luật Di sản văn hóa, nạn nhân theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người… Bên cạnh đó, việc bổ sung quyền lợi BHYT, đơn giản hóa thủ tục KCB BHYT, bảo đảm quyền lợi nguời bệnh, nâng cao chất lượng KCB sẽ là các giải phải bền vững để tiếp tục thu hút, khuyến khích người dân tham gia BHYT nhằm đạt mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân mà các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội đã đề ra.
Trân trọng cảm ơn Vụ trưởng!
Hương Giang thực hiện