Sởi là một bệnh truyền nhiễm, có khả năng lây lan thành dịch. Nhiều người tưởng rằng bệnh sởi chủ yếu là ở trẻ em và đã được khống chế nhờ vaccine nhưng trên thực tế người lớn cũng mắc bệnh sởi và có thể gặp những biến chứng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
Tại hội nghị trực tiếp và trực tuyến về công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm do Bộ Y tế tổ chức mới đây, đại diện Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, thời gian qua, tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến hết sức phức tạp. WHO đã đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc sởi và nguy cơ bùng phát dịch tại nhiều khu vực trên toàn thế giới.
Do tác động của đại dịch COVID-19 trong những năm trước đó đã ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng các vaccine cho trẻ em trên toàn thế giới, không đạt được mức độ bao phủ cần thiết để ngăn ngừa các đợt bùng phát dịch bệnh, nhất là bệnh sởi.
Tương tự tại Việt Nam số mắc sởi cũng tăng cao. TS Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: Từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận hơn 20.000 trường hợp nghi sởi, trong đó có gần 5.000 ca dương tính, 5 trường hợp tử vong liên quan đến sởi. Đáng chú ý, nhiều trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng đã mắc sởi. Một số địa phương có số nghi sởi và sởi dương tính cao là TP.HCM, Đồng Nai, Nghệ An, Đắk Lắk, Bình Dương, Hà Nội, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp.
Thời gian gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư. Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai ghi nhận nhiều bệnh nhân người lớn mắc sởi nhập viện... Đáng nói, đa phần bệnh nhân đều không nghĩ bị bệnh sởi nên điều trị sốt phát ban hay dị ứng. Điển hình là chị T.H.B (37 tuổi, ở Nam Định), sốt ở nhà 3 ngày kèm theo phát ban đỏ mọc từ mặt, cổ sau lan ra toàn thân, kèm đau rát họng, đau bụng, tiêu chảy, khó thở. Vào Bệnh viện Nam Định được chẩn đoán sốt phát ban/giảm bạch cầu, tăng men gan, viêm phổi, sau điều trị kháng sinh không đỡ chuyển BV Bạch Mai. Tại đây sau khi xét nghiệm bệnh nhân được chẩn đoán sởi có biến chứng viêm phổi. Hiện tại, sau 3 ngày điều trị bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.
Còn bệnh nhân V.T.T (21 tuổi) ở Hà Nội, trước khi vào viện 3 ngày, bệnh nhân xuất hiện sốt, nổi ban toàn thân, kèm theo ho, chảy nước mắt, nước mũi. Bệnh nhân đi khám được chẩn đoán là dị ứng, sau khi được xét nghiệm sởi dương tính thì được chuyển về Trung tâm Bệnh Nhiệt đới.
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai: Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính và nguy hiểm, lây qua đường hô hấp do virus họ paramyxoviridae gây nên. Thời gian gần đây, thời tiết ở miền Bắc chuyển mùa nên Trung tâm tiếp nhận nhiều bệnh nhân người lớn mắc sởi nhập viện. Virus sởi rất dễ lây truyền theo đường không khí hoặc giọt bắn, đặc biệt với trẻ em chưa được tiêm phòng hoặc người lớn có sức đề kháng kém.
“Sởi ở người lớn hay trẻ em đều có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm đường phổi, viêm kết mạc, viêm giác mạc, bội nhiễm gây viêm tai giữa, viêm ruột và các loại nhiễm trùng khác ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Có không ít người lớn chủ quan cho rằng bệnh sởi chỉ có ở trẻ em, nên không đi khám và điều trị. Với phụ nữ có thai, bệnh sởi cũng ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và thai nhi, đặc biệt trong 3 tháng đầu mang thai. Các nhân viên y tế cần chú ý đến các đặc điểm của bệnh sởi để xét nghiệm chẩn đoán, điều trị kịp thời, tránh bỏ sót và gây nguy cơ lây lan trong cộng đồng”, PGS.TS Đỗ Duy Cường cho biết sởi cũng giống một số bệnh truyền nhiễm khác như bạch hầu, ho gà, uốn ván... có thể phòng ngừa bằng biện pháp tiêm chủng. Vaccine sởi hiện nay dành cho người lớn là vaccine 3 trong 1 MMR (sởi-quai bị-rubella) sẽ giúp phòng bệnh và ngăn ngừa các biến chứng. Bên cạnh đó, cần giữ vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân, nâng cao sức khỏe để tăng sức đề kháng và đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh./.
Thùy Dương - Hương Giang