Gánh nặng bệnh tật và sự cần thiết tăng thuế đối với thuốc lá

  • 28/11/2024 11:30:48
  • ​​​​​​​Lưu Hường
  • Sống khỏe
  • 0

'Tăng thuế là biện pháp hiệu quả nhất để giảm tiêu dùng thuốc lá..."

 

Việc tiêu thụ thuốc lá ở Việt Nam đã và đang gây ra những gánh nặng lớn về bệnh tật và tử vong, đe dọa sự phát triển kinh tế, xã hội. Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá ở Việt Nam là cần thiết.

Gánh nặng về kinh tế, xã hội do thuốc lá gây ra

Tại Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) tổ chức mới đây, ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TT&TT cho biết, các báo cáo kết quả giám sát, khảo sát của các ủy ban của Quốc hội, nghiên cứu cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá nung nóng (TLNN) tại Việt Nam ngày càng tăng, nhất là ở giới trẻ, học sinh, sinh viên. Đáng lưu ý, có tình trạng lợi dụng TLĐT, TLNN để lưu hành, sử dụng ma túy trái phép.

Ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TT&TT phát biểu.“Các báo cáo, nghiên cứu cũng chỉ ra những tác hại của việc sử dụng TLĐT, TLNN đến sức khỏe, kinh tế, an ninh trật tự, môi trường như: Tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm, rối loạn tâm thần, làm suy giảm sự trưởng thành não bộ, giảm khả năng học tập, năng suất lao động và ảnh hưởng đến sự phát triển của thanh thiếu niên; Tạo gánh nặng kinh tế đối với gia đình và xã hội”,… ông Hồ Hồng Hải cho hay.

Nhấn mạnh về tác hại to lớn do thuốc lá gây ra, Ths Phan Thị Hải - Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế cho biết: Sử dụng thuốc lá là một trong nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong sớm. Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận 85.500 ca tử vong do sử dụng thuốc lá và 18.800 ca tử vong do các bệnh gây ra bởi phơi nhiễm với khói thuốc thụ động. “Phần lớn những người chết vì bệnh liên quan đến thuốc lá là những người trong độ tuổi lao động, nghĩa là tử vong sớm. Sức khỏe kém và tử vong sớm do thuốc lá ảnh hưởng đến quy mô và chất lượng lao động của Việt Nam. Vấn đề này sẽ trở nên rõ rệt hơn trong 10-20 năm tới khi nhóm người hút thuốc lớn hiện nay bắt đầu trải nghiệm những tác động sức khỏe của việc sử dụng thuốc lá”, bà Hải cảnh báo.

Ths Phan Thị Hải - Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế.Bà Phan Thị Hải cho biết, theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế Y tế Việt Nam năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỷ đồng/năm (tương đương 1,14% GDP năm 2022). Con số này lớn hơn gấp 5 lần so với đóng góp của nguồn thu thuế thuốc lá cho ngân sách quốc gia. “Tăng thuế là biện pháp hiệu quả nhất để giảm tiêu dùng thuốc lá. Tuy nhiên thuế, giá thuốc lá của Việt Nam hiện đang ở mức thấp, tác động của chính sách thuế đế giảm tiêu dùng còn hạn chế”, bà Hải nói.

Phương án khuyến nghị của Bộ Y tế và WHO sẽ giúp giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam và nữ xuống dưới 36% và 1,0% tương ứng vào năm 2030, qua đó sẽ đạt được các mục tiêu Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá Việt Nam. Phương án này cũng sẽ làm tăng doanh thu thuế hàng thực, đã điều chỉnh theo lạm phát, hàng năm lên 169%, tương ứng với việc thu thêm 29,3 nghìn tỷ đồng mỗi năm thuế từ thuốc lá so với năm 2020.

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá ở Việt Nam

Việt Nam đã thực hiện điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá, tuy nhiên tác động của mức tăng thuế với giá thuốc lá và tỷ lệ sử dụng thuốc lá là không đáng kể do vậy không đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc. Ví dụ, từ năm 2008-2019, Việt Nam mới chỉ thực hiện 3 lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá nhưng mức tăng thuế mỗi lần thấp chỉ 5%, và khoảng cách thời gian giữa các lần tăng thuế khá dài. Có nghĩa là các lần tăng thuế này quá ít và chỉ có tác động giảm tiêu thụ vào năm tăng thuế sau đó tăng trở lại. Do vậy, cần xây dựng lộ trình tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá đảm bảo đến năm 2030 mức thuế đạt tỷ trọng trên giá bán lẻ theo khuyến nghị của WHO (70-75% trên giá bán lẻ).

Theo Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC): Các biện pháp về giá và thuế là những biện pháp quan trọng và hữu hiệu để giảm tiêu thụ thuốc lá trong các tầng lớp dân cư, đặc biệt là thanh thiếu niên.

Ths Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia phòng chống tác hại thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam.Theo Ths Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia phòng chống tác hại thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, thuế và giá thuốc lá ở Việt Nam hiện ở mức thấp so với các nước trên thế giới và mặt bằng chung của các nước trong khu vực.Đây là nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam vẫn ở mức cao, và là khoảng trống về chính sách thuế thuốc lá của Việt Nam so với quốc tế.

“Ngân hàng Thế giới và WHO đánh giá, chính sách giá và thuế là một trong những chính sách quan trọng nhất để kiểm soát tiêu dùng thuốc lá và có vai trò chiếm tới 50% trong việc giảm hút thuốc. WHO ước tính, khi tăng thuế để giá thuốc tăng 10% thì sẽ giảm tiêu dùng khoảng4% ở các nước phát triển và 5% ở các nước đang phát triển, giảm tiêu thụ tới 10% ở trẻ em và người nghèo. Giá thuốc lá cao cũng có tác dụng ngăn ngừa trẻ bắt đầu hút thuốc. WHO khuyến nghị Việt Nam áp dụng một hệ thống thuế tiêu thụ đặc biệt hỗn hợp với thuốc lá, bằng cách bổ sung thuế tuyệt đối trên mức thuế theo tỷ lệ hiện có”, Ths.BS Nguyễn Tuấn Lâm nói.

Theo báo cáo của WHO, giá thuốc lá ở Việt Nam đứng thứ 15, gần thấp nhất trong số 19 nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương. Tỷ lệ thuế thuốc lá tính theo giá bán lẻ hiện nay Việt Nam đang áp dụng tính thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo tỷ lệ là 75% và giá tính thuế là giá xuất xưởng. Tỷ lệ thuế thuốc lá tính theo giá bán lẻ (bao gồm tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng) chỉ chiếm 38,8% theo báo cáo của WHO năm 2023. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với mức trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình (59%) vàcòn cách xa khuyến cáo của WHO và Ngân hàng Thế giới về tỷ trọng thuế ở mức 75% giá bán lẻ thuốc lá. Chính vì thuế thấp nên giá thuốc lá ở Việt Nam cũng ở mức thấp.

Về mức thuế, để đảm bảo đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá theo Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá tới năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt, Bộ Y tế và WHO khuyến nghị cần bổ sung mức thuế tuyệt đối với sản phẩm thuốc lá ở mức ít nhất 5.000 đồng/bao vào năm 2026 và tăng dần đạt 15.000 đồng/bao vào năm 2030./.

Lưu Hường

 

Bình luận

    Chưa có bình luận