Người dân Việt Nam vẫn chưa đạt lượng tiêu thụ i-ốt hằng ngày

Người dân Việt Nam hiện nay vẫn chưa đạt lượng tiêu thụ i-ốt hằng ngày so với khuyến nghị...

 

I-ốt là một nguyên tố vi lượng cần thiết, đặc biệt trong việc bổ sung vào bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, người dân Việt Nam hiện vẫn chưa đạt đủ lượng i-ốt tiêu thụ hằng ngày so với khuyến nghị.

Để phản đối quy định bắt buộc sử dụng muối i-ốt trong chế biến thực phẩm, thời gian qua, một số cá nhân, doanh nghiệp đã lên tiếng cho rằng sử dụng muối i-ốt trên diện rộng sẽ dẫn đến nguy cơ cường giáp hoặc bệnh lý khác cho người người thừa i-ốt. Tuy nhiên, Bộ Y tế cho rằng, lập luận này thiếu cơ sở khoa học.

Thiếu i-ốt hoặc i-ốt cao gây ra các bệnh về tuyến giáp cũng được xếp vào hậu quả của thiếu i-ốt, đây là đánh giá xếp loại của WHO. Trên vùng thiếu i-ốt nặng sẽ gây ra tăng tỷ lệ cường giáp trên những nhân tuyến giáp tự miễn và trên những người bị cường giáp dưới lâm sàng khi thực hiện bổ sung i-ốt.

Thiếu i-ốt nặng sẽ gây ra tăng tỷ lệ cường giáp trên những nhân giáp tự miễn (ảnh minh họa)Theo WHO, sau 5-10 năm bổ sung i-ốt thường xuyên, thì tỷ lệ mắc cường giáp sẽ suy giảm, tương ứng với những vùng không bị thiếu i-ốt. Cường giáp là bệnh tự miễn, điều trị nội khoa bằng thuốc kháng giáp trạng tổng hợp là chủ yếu. Nếu điều trị nội khoa thất bại hoặc yếu tố miễn dịch vẫn còn cao sau thời gian dài điều trị nội khoa thì nên lựa chọn phẫu thuật hoặc điều trị xạ.

Số liệu điều tra trên quy mô toàn quốc năm 2014-2015, tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8 - 10 tuổi đã tăng lên 8,3%. Kết quả này cho thấy, Việt Nam thiếu i-ốt không chỉ ở miền núi mà còn ở cả các khu vực duyên hải.

Từ số liệu “Đánh giá tình trạng vi chất dinh dưỡng tại cộng đồng ở Việt Nam năm 2019-2020” của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, giá trị trung vị i-ốt niệu các nhóm đối tượng nghiên cứu đều không đạt mức khuyến cáo của WHO. Đặc biệt, tỷ lệ hộ dân được bao phủ muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh chỉ đạt 27%, cách rất xa mức chuẩn theo WHO (năm 2013) là 90%.

Tại buổi làm việc với doanh nghiệp mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, đại diện một số Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế, các tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp, một số đơn vị có liên quan và một số chuyên gia đã đưa ra những minh chứng cụ thể theo nghiên cứu khoa học của nhiều nước trên thế giới về việc cần thiết và bắt buộc bổ sung vi chất dinh dưỡng vì sức khỏe người dân.

Dẫn chứng Báo cáo 2021 của Mạng Lưới Toàn cầu về Phòng Chống các rối loạn do thiếu i-ốt, Việt Nam hiện vẫn đang nằm trong nhóm 26 nước còn lại trên thế giới bị thiếu i-ốt. Hộ gia đình sử dụng muối i-ốt đủ tiêu chuẩn chỉ chiếm 27%, trong khi khuyến cáo của WHO là phải trên 90%. Như vậy chỉ số trung vị i-ốt niệu và chỉ số hộ gia đình sử dụng muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh đều đạt ở mức nguy cơ cận dưới và không đạt so với khuyến cáo của WHO.

“Với kết quả này, khẳng định quần thể người dân Việt Nam chưa đạt đủ lượng i-ốt tiêu thụ hằng ngày so với khuyến nghị. Đây là căn cứ để dự thảo sửa đổi Nghị định 09 không thay đổi Khoản 1 Điều 6; cần tiếp tục thực hiện muối dùng để ăn trực tiếp và dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt”, Thứ trưởng Tuyên nhấn mạnh./.

Lưu Hường

 

Bình luận

    Chưa có bình luận