Trước nhiều nguy cơ tiềm ẩn gây ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, cần nhiều biện pháp đáp ứng công tác quản lý về ATTP.
Nguy cơ tiềm ẩn từ thực phẩm không an toàn
Theo TS. Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong thời gian qua, tuy tình trạng ngộ độc thực phẩm (NĐTP) vẫn xảy ra nhưng đang có xu hướng giảm dần. Trong năm 2024, nhìn chung số vụ NĐTP hiện thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023. Việc đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) tại bếp ăn tập thể, bếp ăn trường học vẫn được các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng tích cực triển khai. Tuy nhiên, vừa qua đã ghi nhận một số vụ NĐTP xảy ra tại cửa hàng, quán ăn và một số các cơ sở, cá nhân kinh doanh thực phẩm, nhất là trong khu vực gần trường học.
Đáng nói, trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận một số vụ ngộ độc do độc tố tự nhiên trong nấm độc, nhộng ve sầu nhiễm nấm, cà độc dược. Đây là những động thực vật có sẵn chất độc (chất hữu cơ) là sản phẩm của quá trình chuyển hóa, có khả năng tồn tại cả sau khi chế biến có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người ăn. “Các chất độc này thường gây ngộ độc cấp tính, thời gian ủ bệnh trung bình 2 - 4 giờ sau khi ăn thực phẩm có độc. Biểu hiện lâm sàng NĐTP chủ yếu là các triệu chứng của hội chứng thần kinh (buồn nôn, nôn, rối loạn cảm giác, vận động, đau đầu…) kèm các triệu chứng của hội chứng tiêu hoá (đau bụng, tiêu chảy)… Tình trạng ngộ độc phụ thuộc vào loại chất độc, liều lượng ăn, thể trạng của mỗi người, có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời”, TS. Nguyễn Hùng Long cho hay.
Các mối nguy sinh học, hóa học trong thực phẩm được đánh giá là có gây ra ngộ độc cấp tính như vi sinh vật gây bệnh, độc tố tự nhiên, dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc thú y, phụ gia thực phẩm dùng quá liều lượng… hoặc tích lũy trong cơ thể gây ra ngộ độc mãn tính. Các mối nguy có thể xuất phát từ quá trình sản xuất, nuôi trồng (như hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc thú y, các chất ô nhiễm từ môi trường, quá trình bảo quản (như độc tố vi nấm, vi sinh vật…), đến quá trình lưu thông, phân phối và cả trong quá trình chế biến, sử dụng.
Theo TS.BS Nguyễn Thị Phúc - nhóm An ninh Y tế và các tình trạng Y tế Công cộng khẩn cấp, Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam: Trên thế giới, chỉ tính riêng năm 2010, có khoảng 600 triệu ca bệnh và 420.000 ca tử vong do 31 mối nguy thực phẩm gây ra. Trong đó, số tác nhân truyền nhiễm gây ra tiêu chảy chiếm phần lớn các ca bệnh (550 triệu) và ca tử vong (230.000).
TS Phúc đã chỉ ra 31 mối nguy hiểm từ thực phẩm như: Novo virus, Enteropathogenic E.coli (EPEC), Enterotoxigenic E. coli (ETEC)… Trở ngại lớn trong việc giải quyết thỏa đáng các mối quan ngại về ATTP là thiếu dữ liệu chính xác về toàn bộ mức độ và chi phí của các bệnh do thực phẩm gây ra, trong khi đó các dữ liệu này rất cần thiết để nhà hoạch định chính sách đặt ra các ưu tiên về sức khỏe công cộng và phân bổ nguồn lực.
Kiểm soát những mối nguy từ thực phẩm
Tiến sĩ Lars Niemann, Viện Đánh giá nguy cơ Liên bang Đức cho biết: Hóa chất bảo vệ thực vật có các nhóm chính là chất diệt cỏ, chất diệt nấm, chất diệt côn trùng. Theo đó, hóa chất bảo vệ thực vật được cho là có độc với các loài không phải mục tiêu, bao gồm cả con người và có thể gây ra tác động bất lợi đến môi trường và đa dạng sinh học. Chính vì vậy, hóa chất bảo vệ thực vật phải được quản lý nghiêm ngặt và đánh giá kỹ lưỡng về độc tính.
Ông nhấn mạnh: Thai nhi, trẻ mới biết đi, trẻ em, thanh thiếu niên, người lớn, phụ nữ mang thai, người già, người bệnh, người có nguy cơ đặc biệt,… là những đối tượng cần bảo vệ khỏi hóa chất bảo vệ thực vật.
PGS.TS Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia, cho biết trong những năm gần đây, hệ thống kiểm nghiệm thực phẩm tại Việt Nam được chú trọng đầu tư từ nhiều nguồn kinh phí đã làm thay đổi đáng kể diện mạo của ngành kiểm nghiệm thực phẩm. Tuy nhiên, từ tình hình thực tế các sự cố ATTP gần đây cho thấy vẫn còn những mối nguy hiện diện trong các sản phẩm thực phẩm tiêu thụ hằng ngày. Do đó, ngoài việc đầu tư phát triển về các kỹ thuật kiểm nghiệm hiện đại, chuyên sâu, các phòng kiểm nghiệm cần chú trọng đẩy mạnh hoạt động đánh giá nguy cơ nhằm cung cấp các bằng chứng khoa học hỗ trợ công tác quản lý ATTP.
Tháng 7 vừa qua, Bộ Y tế đã phê duyệt Quyết định số 1936/QĐ-BYT về việc thành lập Trung tâm đánh giá nguy cơ về ATTP thuộc Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia. Đây là Trung tâm đánh giá nguy cơ đầu tiên thuộc Bộ Y tế của Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ đánh giá nguy cơ ATTP giúp cung cấp các bằng chứng khoa học cho cơ quan quản lý từ đó đề xuất các giải pháp quản lý nguy cơ và truyền thông nguy cơ hiệu quả, góp phần cải thiện hệ thống ATTP của quốc gia giúp giảm thiểu NĐTP, các bệnh do thực phẩm gây ra, thúc đẩy sự phát triển thương mai thực phẩm trong và ngoài nước.
|
Tại Hội nghị khoa học quốc tế về Kiểm nghiệm thực phẩm năm 2024 do Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm (Bộ Y tế) diễn ra từ ngày 24-25/10 với chủ đề chính là “Kiểm soát an toàn thực phẩm dựa trên đánh giá nguy cơ” Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh những năm gần đây, thực phẩm phong phú về chủng loại và đa dạng về mẫu mã lưu thông rộng rãi trên thị trường. Một số sản phẩm thực phẩm tiềm ẩn nguy cơ gây NĐTP, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
“Cơ quan quản lý nhà nước đã đưa ra nhiều biện pháp tích cực nhằm tuyên truyền, nâng cao ý thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm đồng thời chủ động phối hợp trong xây dựng quy định, chính sách pháp luật và đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý các cơ sở vi phạm quy định của pháp luật về ATTP. Kiểm nghiệm thực phẩm đưa ra kết quả chính xác sẽ đáp ứng kịp thời yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý về ATTP”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh./.
Hương Giang