Nghiện game làm gia tăng nguy cơ mắc rối loạn nhân cách

Người nghiện game phần lớn có tiềm ẩn vấn đề về sức khỏe tâm thần, điển hình là trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn tăng động giảm chú ý...

 

Nghiện game không chỉ ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe tâm thần mà còn ảnh hưởng đến học tập và tương lai. Trong đó, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Tác động tiêu cực tới sức khỏe tâm thần, thể chất của trẻ

Theo TS.BS Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội), thực tế tại Bệnh viện này số trẻ đến khám liên quan đến nghiện game có xu hướng gia tăng. Cha mẹ đưa trẻ đến khám ban đầu có thể do thấy trẻ tiếp xúc nhiều với game, học tập sa sút, mất ngủ, bỏ bê mọi việc, bi quan, chán nản, suy nghĩ tiêu cực, dễ khóc, dễ cáu kỉnh… Sau khi thăm khám phát hiện trầm cảm, lo âu, thậm chí sử dụng chất kích thích… xuất hiện đồng thời với lạm dụng chơi game. “Người nghiện game phần lớn có tiềm ẩn vấn đề về sức khỏe tâm thần, điển hình là trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn tăng động giảm chú ý. Việc chẩn đoán thường rất phức tạp vì lạm dụng mạng xã hội có thể là nguyên nhân hoặc là hậu quả của nhiều bệnh lý tâm thần”, bác sĩ Hồng Thu nhấn mạnh.

Nghiện game không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần mà còn làm gia tăng mắc rối loạn nhân cách. (Ảnh minh họa: KT)TS.BS Trần Thị Hồng Thu cho biết, đối với hầu hết mọi người, chơi game, lướt facebook, xem tiktok… có thể không sao. Có người quan niệm cho con chơi game thư giãn một chút sẽ tốt cho việc học hành… Chính những hiểu biết hạn chế khiến bố mẹ lơ là trước các biểu hiện của con trẻ dẫn đến tình trạng trẻ không được thăm khám và điều trị kịp thời.

“Các con vẫn lạm dụng game và học giỏi, điều này có thật 100%. Nhưng thực ra, học tốt chỉ là phần vỏ bọc tạm thời để che mắt bố mẹ. Nếu không kịp thời kiểm soát, lạm dụng game chắc chắn sớm hay muộn sẽ dẫn đến hậu quả tiêu cực”, bác sĩ Hồng Thu lưu ý và cho biết thêm: Việc dồn quá nhiều thời gian vào mạng xã hội nói chung và thế giới game ảo nói riêng không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý trẻ mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của não bộ. Trong trường hợp chơi game quá nhiều, về thể chất sẽ dẫn tới mỏi mắt, đau đầu và mất thị lực tích lũy do nhìn chằm chằm vào màn hình quá lâu. Mất ngủ, thiếu hụt kỹ năng giao tiếp xã hội do thiếu tương tác trực tiếp với bạn bè và gia đình. Đau/suy thoái cơ và khớp do giữ nguyên một tư thế trong thời gian dài. Bệnh trĩ do ngồi quá lâu. Đặc biệt việc bỏ bê học hành, kết quả học tập đi xuống rõ rệt và gia tăng hành vi vi phạm pháp luật.

“Người nghiện game sẽ không có nhu cầu giao tiếp hay tương tác với mọi người, kể cả gia đình. Thay vào đó, người nghiện game cô lập bản thân và chìm đắm vào các mạng online. Về lâu dài, việc mất đi các mối quan hệ xã hội khiến người đó gặp khó khăn trong cuộc sống, luôn cảm thấy cô đơn và lạc lõng. Một số trẻ nghiện game online sẽ phát triển các dạng nhân cách bất thường. Nghiện game được xem là yếu tố thuận lợi gia tăng nguy cơ mắc rối loạn nhân cách chống đối xã hội, rối loạn nhân cách ranh giới,… Các rối loạn nhân cách chính là rào cản khiến trẻ không thể hòa nhập với cộng đồng và gặp khó khăn khi tìm kiếm việc làm, kết bạn và duy trì các mối quan hệ xã hội”, Bác sĩ Hồng Thu phân tích.

TS.BS Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương. (ảnh: KT)

“Một số trẻ nghiện game online sẽ phát triển các dạng nhân cách bất thường. Nghiện game được xem là yếu tố thuận lợi gia tăng nguy cơ mắc rối loạn nhân cách chống đối xã hội, rối loạn nhân cách ranh giới,… Các rối loạn nhân cách chính là rào cản khiến trẻ không thể hòa nhập với cộng đồng và gặp khó khăn khi tìm kiếm việc làm, kết bạn và duy trì các mối quan hệ xã hội”.

TS.BS Trần Thị Hồng Thu

9 dấu hiệu chứng tỏ nghiện game

TS.BS Trần Thị Hồng Thu chia sẻ: Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ đã xác định 9 dấu hiệu chứng tỏ nghiện game và cần được theo dõi. Khi các triệu chứng trở nên không thể kiểm soát, tốt nhất nên gặp chuyên gia.

9 dấu hiệu đó là: Chơi game không ngừng nghỉ. Một khi đã hoàn thành một trò chơi thì sẽ nghĩ ngay đến trò chơi khác. Dành phần lớn thời gian trong ngày để chơi game; Khi không được chơi game nữa, thường xuất hiện các triệu chứng khó chịu, bứt rứt, lo lắng, bồn chồn hay buồn chán; Có thể buông bỏ mọi việc để chơi game, bất kể việc quan trọng đến đâu; Tự hứa rằng sẽ không chơi game nữa nhưng lại vẫn cứ chơi tiếp; Mất đi các sở thích trước đây; Tiếp tục chơi cho dù biết rõ tác hại, ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân (ví dụ như mỏi mắt, đau lưng, đói,…); Nói dối gia đình về quỹ thời gian chơi game của mình; Sử dụng game như một cách thoát khỏi tâm trạng xấu như cảm giác bất lực, mặc cảm và lo lắng; Gây nguy hiểm cho người khác hoặc mất đi các mối quan hệ, thậm chí mất việc làm và cơ hội nghề nghiệp vì bị ảnh hưởng từ những hành vi có trong game.

Chỉ cần xuất hiện 1 vài dấu hiệu trong những dấu hiệu này trong khoảng thời gian tiếp xúc với game là 12 tháng, thì chẩn đoán xác định là mắc bệnh nghiện game, cần điều trị chuyên khoa.

Tháng 6/2019, WHO đã chính thức bổ sung chứng nghiện game là một bệnh lý trong danh sách cập nhật phân loại bệnh quốc tế (ICD). Theo WHO, nghiện game là một bệnh về tâm thần. Theo thống kê của WHO, có tới 70-80% trẻ em từ 10 đến 15 tuổi thích game online, trong đó tỷ lệ trẻ bị nghiện chiếm khoảng 10-15%. Với các thể loại game chiếm hơn 70% game bạo lực, 9% cờ bạc, 14% giải trí.

Làm thế nào để các bậc phụ huynh có cách ứng xử tốt nhất khi phát hiện trẻ nghiện MXH?. Theo TS.BS Trần Thị Hồng Thu các bậc phụ huynh không chỉ đóng vai trò làm cha làm mẹ mà nên sát cánh như một người bạn với con, nhất là với những bé nghiện game để cùng với các bác sĩ có thể đưa ra các phương pháp tốt nhất. Bởi khi đã đam mê game rồi, thời gian dành cho game ngày một tăng lên, rất khó duy trì được kết quả học tập tốt. Mải chơi game không biết điểm dừng, sớm hay muộn thì tương lai vẫn là ngõ cụt. Nghiện game ở người học kém hay học giỏi, kết cục là không mấy khác nhau. Vì vậy, không có cách nào khác bố mẹ phải coi đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.

“Mất tập trung, suy giảm trí nhớ, mất ngủ, trầm cảm, lo lắng và một số triệu chứng về thể chất như đau đầu, mệt mỏi, suy nhược. Các triệu chứng này có thể thuyên giảm bằng cách thuốc theo đơn bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Bên cạnh đó, phương pháp trị liệu không dùng thuốc Cognitive Behaviour Therapy (CBT) tức là liệu pháp hành vi nhận thức để cai game là phương pháp khá chuyên dụng trong chuyên khoa tâm thần, dùng để điều trị các bệnh liên quan tới trầm cảm, lo âu, nghiện, rối loạn hoảng sợ. Quá trình trị liệu có nhiều giai đoạn và tập trung chủ yếu nhằm giải thích, giúp đỡ người bệnh (ở đây là nghiện game) hiểu rõ hơn về game, qua đó tự tiếp nhận và giải quyết các vấn đề trong cuộc sống của bản thân. Phương pháp này giúp các đối tượng nghiện game từ từ nhận biết vấn đề mình gặp phải để tự tương đầu và dần kiểm soát hành vi của mình, từ từ thoát khỏi "cơn nghiện", trở về với cuộc sống bình thường”, TS.BS Trần Thị Hồng Thu nhắn nhủ./.

Hương Giang

 

Bình luận

    Chưa có bình luận