Ngộ độc thực phẩm do nhiễm độc tố tụ cầu là một trong những ngộ độc nguy hiểm đến tính mạng nếu không được phát hiện và bù dịch đúng cách.
Lo ngại ngộ độc do thức ăn nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng
Cuối tháng 9/2024, nhiều học sinh Trường Tiểu học và THCS xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn nhập viện do có biểu hiện bất thường như đau đầu, sốt, buồn nôn, nôn, đau bụng, đi ngoài phân lỏng… Ông Trần Văn Tuyến, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn cho biết, sau quá trình nuôi cấy mẫu bệnh phẩm của các ca ốm, sốt bất thường tại trường Tiểu học và THCS xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn, kết quả xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn cho thấy, các mẫu dương tính với vi khuẩn tụ cầu vàng.
Sau khi xác định nguyên nhân ban đầu, Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn đã có cuộc họp đánh giá về các ca bệnh. Lãnh đạo Sở Y tế đề nghị Trung tâm y tế thành phố tiếp tục phối hợp với CDC Bắc Kạn tổ chức điều tra dịch tễ; tăng cường nhân lực trực y tế, bảo đảm hóa chất vật tư y tế. Tiếp tục cử các bác sĩ giám sát tại các trạm y tế, đặc biệt tập trung cho Trạm Y tế Nông Thượng. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông về phòng dịch bệnh, hướng dẫn người dân, giáo viên và học sinh phòng bệnh bằng cách thường xuyên tổ chức vệ sinh cá nhân, lau chùi bàn ghế trường học, hạn chế tiếp xúc đông người; hướng dẫn trẻ thực hiện rửa tay bằng xà phòng nhiều lần hằng ngày và thực hiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…
Trong những năm gần đây, nước ta đã xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm mà nguyên nhân do thức ăn có nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng khiến cộng đồng hết sức lo ngại. Cách đây không lâu, vào đầu tháng 5/2023, 76 học sinh Trường mầm non Thuận Sơn, xã Thuận Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An bị ngộ độc do sữa chua nhiễm vi khuẩn Staphylococcus aureus (tên khoa học của tụ cầu vàng). Trước đó, tháng 3/2023, 72 học sinh Trường tiểu học Kim Giang (Hà Nội) ngộ độc, nhập viện do vi khuẩn tụ cầu vàng có trong món thịt gà của suất ăn tại trường. Và nhiều vụ khiến học sinh ngộ độc liên quan đến thực phẩm nhiễm khuẩn tụ cầu vàng khi đi dã ngoại và liên hoan…
Các chuyên gia cho biết, tụ cầu vàng (tên khoa học là Staphylococcus aureus) là một loại vi khuẩn có độc tính cao, có thể kháng nhiều loại kháng sinh nếu người bệnh không tuân thủ điều trị của bác sĩ. Đây là loại vi khuẩn gây nên nhiều bệnh cấp tính, khó điều trị nếu không được trị liệu kịp thời.
“Staphylococcus (tụ cầu) thường sống ở da người, đường hô hấp, đường tiêu hóa. Có khoảng 40-50% người có mang S.aureus (tụ cầu vàng) ở trong khoang mũi. Ngoài ra, còn thấy chúng ở quần áo, giường chiếu, đồ vật. Khi bị ngộ độc thức ăn là do độc tố của chúng có sẵn trong thực phẩm. Khi tụ cầu tiết ra coagulase sẽ làm thương tổn tạo ra mụn nhọt, làm đông sợi huyết. Từ ổ nhiễm chúng có thể xâm nhập vào các nơi khác qua đường bạch huyết, máu và có thể gây viêm phổi, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm thận, viêm tủy xương”.
Thạc sĩ Ngô Xuân Dũng, nguyên giảng viên Bộ môn Quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm, Khoa Công nghệ thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
|
Tụ cầu là vi khuẩn phổ biến trong không khí, đất, nước, trên niêm mạc mũi, trong khoang miệng và họng của người cũng như động vật, trên da và các mụn mủ, ở vú bò sữa bị viêm. Điều đáng cảnh báo là thực phẩm nhiễm tụ cầu không thể được nhận biết bằng cảm quan.
Theo bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai: Nhiễm trùng nhiễm độc thực phẩm là một trong những vấn đề hay gặp phải mà tác nhân hàng đầu là vi khuẩn tụ cầu vàng. Tụ cầu vàng có thể gây bệnh theo nhiều cơ chế khác nhau, trong đó cơ chế gây bệnh hay gặp nhất là do ăn phải thực phẩm bị nhiễm độc tố tụ cầu vàng. Độc tố của vi khuẩn này có thể xuất phát từ mụn nhọt của người chế biến thực phẩm. Sau khi gãi, nặn mụn nếu người chế biến không rửa tay, tụ cầu vàng sẽ bám vào thực phẩm. Khi thực phẩm bị ô nhiễm, vi khuẩn tụ cầu vàng sẽ phát triển tiết ra độc tố, khiến người sử dụng thực phẩm có thể bị sốt, tiêu chảy, đau đầu...
Nhiễm trùng do thực phẩm liên quan đến độc tố tụ cầu vàng thường có triệu chứng sốt, tiêu chảy và dần dần sẽ ổn định sau khoảng 3 ngày nếu bù nước điện giải đúng cách. Nhưng những trường hợp già yếu, đề kháng kém và có sẵn bệnh nền có thể diễn biến bệnh phức tạp hơn, khiến người bệnh có thể sốt, mất nước. Mất nước làm cho người bệnh mệt lả, rối loạn các chức năng liên quan đến tuần hoàn, làm cho máu giảm khả năng thanh lọc các chất độc, dẫn đến suy thận khiến tình trạng bội nhiễm thêm.
Điều đáng lưu ý là độc tố ruột bền với nhiệt, khó bị phá hủy bởi nhiệt độ. Bản thân vi khuẩn tụ cầu phát triển trên thực phẩm sinh ngoại độc tố ruột (enterotoxin), gây ngộ độc thức ăn thì có thể bị bất hoạt bởi nhiệt độ sôi, nhưng độc tố ruột này của tụ cầu vàng rất bền với nhiệt. “Đun sôi 30 phút độc tố cũng không bị phá hủy, mà phải đun sôi thực phẩm liền trong 2 giờ mới phá hủy hoàn toàn độc tố enterotoxin do tụ cầu sinh ra”, bác sĩ Thái cảnh báo.
Do vậy, bác sĩ Thái khuyến cáo: khi phát hiện sốt và tiêu chảy nghi ngờ do độc tố tụ cầu vàng nên cho người bệnh bù nước điện giải càng sớm càng tốt, trong đó ưu tiên hàng đầu là nước Oresol. Nếu trường hợp buồn nôn, nôn khó uống Oresol thì tạm thời có thể truyền dịch bổ sung nước điện giải cho cơ thể. “Trẻ bị mất nước có thể do thiếu hụt các chất điện giải trong cơ thể mà không được phát hiện và bù nước kịp thời có thể rơi vào tình trạng sốc, rối loạn về tuần hoàn, ảnh hưởng đến các cơ quan đích trong cơ thể như tim, phổi, thận... thậm chí nguy hiểm đến tính mạng”, bác sĩ Thái lưu ý.
“Người bệnh có nhiễm trùng toàn thân nghi ngờ do tụ cầu vàng thì phải cấy máu phát hiện mầm bệnh để có phác đồ điều trị kịp thời, hiệu quả. Còn trường hợp nhiễm trùng nhiễm độc thực phẩm có sốt, nôn, tiêu chảy, đau quặn bụng thì phải nghi ngờ tác nhân độc tố của tụ cầu vàng liên quan đến bệnh tụ cầu vàng của người chế biến thực phẩm, thì cần nhanh chóng bù nước điện giải, đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời”.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai
|
Nguy hiểm khi độc tố gây bệnh trong cơ thể
Phân tích về cơ chế gây bệnh, bác sĩ Thái nhấn mạnh, độc tố tụ cầu vàng nhiễm qua thực phẩm thì đã nguy hại, nhưng trên thực tế, bản thân vi khuẩn tụ cầu gây bệnh trực tiếp trong cơ thể thì còn ác hiểm gấp nhiều lần so với nhiễm trùng nhiễm độc thực phẩm khi vi khuẩn gây nhiễm trùng máu, nhiễm trùng toàn thân và ăn vào các bộ phận, các cơ quan khác nhau trong cơ thể.
Để chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm do tụ cầu, trước tiên cần tránh dùng các loại thịt gia súc, gia cầm bị nhiễm bệnh. Với những người chế biến thực phẩm cần nhận thức về nguy cơ nhiễm trùng nhiễm độc thực phẩm và không được chủ quan. Nếu có nhọt ở nách, ở trán, ở gáy… thì phải rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch để có thể loại bỏ được vi khuẩn và độc tố tụ cầu bám dính trên bàn tay. Khi chế biến thực phẩm nên sử dụng các loại găng tay, tránh trực tiếp dùng bàn tay có nguy cơ tiềm ẩn đưa độc tố tụ cầu từ môi trường vào trong thực phẩm.
“Tụ cầu vàng là một trong những căn nguyên gây nhiễm trùng toàn thân, được đề cập và quan tâm đến nhiều nhất vì bệnh cảnh lâm sàng nó gây nên rất nặng nề. Nó có thể tấn công vào phổi gây viêm phổi, áp xe phổi; ăn vào thận gây áp xe thận, ăn vào tim gây viêm màng trong tim, viêm nội tâm mạc... Khi đến các bộ phận trong cơ thể vi khuẩn có thể nằm sâu bên trong, ẩn kín ở đó, khiến cho đôi khi việc sử dụng kháng sinh không hiệu quả, đồng thời đặc tính của vi khuẩn tụ cầu vàng là hay đề kháng kháng sinh. Với người bệnh nhiễm trùng trong bệnh viện, chúng tôi thường phải sử dụng các kháng sinh bao vây tụ cầu vàng kháng thuốc kháng sinh”, bác sĩ Thái cho hay./.