Bảo vệ sức khỏe người dân sau bão lũ

Khắc phục hậu quả, đảm bảo an toàn sức khỏe người dân sau bão lũ là vấn đề mà ngành y tế đặc biệt quan tâm.

 

Khắc phục hậu quả, đảm bảo an toàn sức khỏe người dân sau bão lũ là vấn đề mà ngành y tế đặc biệt quan tâm.

Ngành y tế sẵn sàng, hết lòng phục vụ người bệnh

Mưa lụt, sạt lở sau bão số 3 đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người, tài sản, công trình công cộng và dân sinh. Nhiều cơ sở khám, chữa bệnh bị ảnh hưởng và hư hại, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hoà Bình…

Trong bối cảnh đó, các bệnh viện (BV), trung tâm y tế, trạm y tế… vẫn kiên cường đứng vững, bảo đảm công tác khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân, thực hiện đúng theo chỉ đạo của Chính phủ và văn bản phòng chống bão, lụt của Bộ Y tế.

Với tinh thần tương thân thương ái, giúp đỡ đồng bào bị gặp hoạn nạn, thương tổn nghiêm trọng do bão lũ, các bệnh viện lớn như Việt Đức, Bạch Mai, Đại học Y Hà Nội, Sở Y tế TP.HCM, Sở Y tế Bình Định… đã cử các bác sĩ đầu ngành, mang theo cả thuốc men và những đơn vị máu, tiền bạc… trực tiếp đến hỗ trợ các BV cấp cứu, trị bệnh cứu người tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão số 3.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần đề phòng các bệnh thường gặp sau mưa lũ như: tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa... (Ảnh minh họa: L.H)Bộ Y tế đề nghị các BV trực thuộc Bộ Y tế, BV thuộc các Trường Đại học Y, dược và BV tại các tỉnh, TP khác có điều kiện về chuyên môn, không bị ảnh hưởng bão, lụt sẵn sàng chi viện, thành lập đoàn công tác để tăng cường nhân lực điều trị và phòng chống dịch bệnh cho các BV tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 trong trường hợp cần thiết; hỗ trợ, kết nối hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa, tiếp nhận người bệnh...

"Đối với các BV, cơ sở y tế tại các vùng bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 tiếp tục phát huy tinh thần “Lương y phải như từ mẫu” của người thầy thuốc, sẵn sàng, hết lòng phục vụ người bệnh; trường hợp vượt quá khả năng thì chuyển cơ sở khác hoặc đề nghị hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa. Lưu ý không thu viện phí các khoản không được BHYT thanh toán đối với các nạn nhân theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tổng hợp chi phí điều trị và báo cáo Sở Y tế. Phối hợp tiếp nhận, phân phối, sử dụng các khoản hỗ trợ của tổ chức, cá nhân, theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, rà soát cơ sở vật chất, thiết bị, thuốc, vật tư… và chủ động đề xuất khắc phục, bổ sung kịp thời để bảo đảm công tác khám, chữa bệnh thường quy”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.

“Sở Y tế các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 tăng cường giám sát thực tế, chỉ đạo sát sao, nắm chắc tình hình của các cơ sở y tế tại địa phương và hỗ trợ ngay nếu cần thiết để khắc phục nhanh nhất các thiệt hại, đưa hoạt động khám, chữa bệnh trở lại bình thường. CDC phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện công tác đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường, sẵn sàng đối phó với kịch bản dịch bệnh gia tăng sau bão lụt”.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn

Đảm bảo sức khỏe và môi trường sau bão lũ

Theo Cục Quản lý Môi trường y tế sau khi có bão, lũ xảy ra cần hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị y tế cơ sở và người dân thực hiện các biện pháp xử lý môi trường; thu gom, xử lý chất thải y tế, xử lý xác súc vật chết; xử lý các giếng khoan, giếng đào, bể nước bị ngập lụt theo hướng dẫn của Bộ Y tế; Liên tục cung cấp thông tin bằng hình ảnh và các video hướng dẫn người dân cách vệ sinh cá nhân trong và sau mùa bão lũ; cách xử lý nước sạch dùng trong sinh hoạt, xử lý nước sạch sau mưa bão, xử lý nước giếng đào và giếng khoan sau bão lụtmột cách hợp lý để bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Trong công văn gửi các địa phương về việc tăng cường công tác bảo đảm ATTP, khắc phục hậu quả cơn bão số 3, Cục An toàn thực phẩm cảnh báo, bão lụt và các thay đổi bất thường về thời tiết là những điều kiện thuận lợi cho thực phẩm dễ bị ô nhiễm vi sinh vật, dễ bị ôi thiu, mốc, hỏng, sinh độc tố có thể gây ngộ độc thực phẩm. Sau bão lụt, thường xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm như tả, lỵ, thương hàn cũng như các bệnh tiêu chảy do virus,… Ngoài ra, nguồn nước sử dụng để ăn uống, chế biến thực phẩm có thể bị ô nhiễm do bị ngập úng, ngập lụt. Đặc biệt, các vùng trồng trọt, chăn nuôi bị ngập lụt dẫn đến rau, củ, quả dập nát, hư hỏng, nhiễm bẩn; động vật gia súc, gia cầm bị nhiễm bệnh, từ đó có thể dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm khi sử dụng. Vì vậy, người dân thực hiện triệt để việc ăn chín, uống chín; không sử dụng các thực phẩm bị ngập nước, nảy mầm, nấm mốc, thịt gia súc gia cầm bị chết; rửa tay sạch bằng xà phòng và nước (hoặc chất tẩy pha loãng) sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi tiếp xúc với thực phẩm sống và trước khi ăn;...

Nhằm đảm bảo an toàn đối với thực phẩm hỗ trợ người dân vùng bão, lũ, Bộ Y tế khuyến cáo: Ưu tiên quyên góp, ủng hộ lương thực, thực phẩm bao gói sẵn, có hạn sử dụng, bảo quản dài ngày như: lương khô, các thực phẩm đóng hộp, bao gói kín như thịt, cá, rau củ quả đóng hộp, mỳ ăn liền, xúc xích tiệt trùng, nước uống đóng chai, đóng bình… của các cơ sở chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm, có ghi nhãn và hạn sử dụng đầy đủ theo quy định; Ủng hộ vitamin, men tiêu hóa hỗ trợ sức khỏe cho các đối tượng trẻ em, người già trong vùng bão, lũ.

Khi tự chế biến thực phẩm, bao gói hút chân không để hỗ trợ cho người dân vùng bão, lũ cần lưu ý: Lựa chọn các thực phẩm phù hợp với đóng gói hút chân không như: thịt khô, cá khô, bỏng ngô, bỏng gạo, các loại bánh có lá bọc được chế biến đun kỹ (nhiều giờ) như bánh chưng, bánh tét, sau khi vớt bánh cần để nơi sạch sẽ, ép ráo nước, để nguội trước khi đóng gói hút chân không; Đảm bảo các yêu cầu vệ sinh, sử dụng nước sạch để chế biến thực phẩm; khi đóng gói và hút chân không nên để mảnh giấy ghi ngày sản xuất bên trong màng gói để người vận chuyển và người sử dụng biết và bố trí thời gian cấp phát, sử dụng phù hợp. Nên hỗ trợ những loại thực phẩm tự chế biến, bao gói hút chân không cho những khu vực mà thời gian vận chuyển ngắn để đảm bảo người dân có thể tiếp cận được với thực phẩm hỗ trợ trong thời gian sớm nhất kể từ khi chế biến.

“Sau lũ trách nhiệm của ngành y tế rất cao, phải hướng dẫn bà con làm tốt công tác vệ sinh môi trường, ATTP, đảm bảo nguồn nước sạch và phòng chống dịch bệnh sau lũ như các bệnh về da, nấm, rối loạn tiêu hóa, đau mắt hoặc bệnh gan… Bộ Y tế đã, đang và sẽ đồng hành với các tỉnh thành phố để luôn đảm bảo tốt nhất công tác chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân”.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên

Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện tổ chức giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra trong và sau mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất như: tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết, đặc biệt là cần đề phòng các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn... Bộ Y tế đề nghị ngành y tế các tỉnh, thành cũng cần khẩn trương cung ứng đủ thuốc phục vụ việc phòng, chống dịch bệnh, chẩn đoán và điều trị bệnh sau bão lũ.TS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, sau cuộc họp ngày 12/9 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì tại 2 tỉnh Yên Bái và Lào Cai, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo đơn vị chức năng xuất cấp cho mỗi tỉnh 2 tấn CloramB, sau đó cấp tiếp 100.000 viên Aquatabs để ngay lập tức có nguồn nước sinh hoạt tối thiểu cho người dân./.

Lưu Hường

 

Bình luận

    Chưa có bình luận