Ngộ độc khí CO (Carbon monoxide) nếu không được cấp cứu và chữa trị kịp thời sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng.
Tổn thương nặng nề do ngộ độc khí CO
Bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh mới đây đã tiếp nhận cấp cứu 6 trường hợp bị ngộ độc khí CO từ máy phát điện. Trong đó có 2 trường hợp ngộ độc khí CO trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp rất nguy kịch.
Được biết, sau ảnh hưởng của cơn bão số 3, gây sự cố mất điện trên diện rộng, nhiều gia đình sử dụng máy phát điện để duy trì sinh hoạt. Một gia đình (trú tại phường Giếng Đáy, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) có 3 người (độ tuổi từ 12 đến 27), đều ngủ trong phòng kín qua đêm có máy phát điện, không may bị ngộ độc khí CO. Trong đó, một bệnh nhân nữ 24 tuổi và một bệnh nhi nam 12 tuổi nhập viện trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, toan chuyển hóa nặng, tiên lượng nguy kịch.
Qua khai thác thông tin bệnh lý, thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán các bệnh nhân bị ngộ độc khí CO do máy phát điện thải ra, tiến hành cấp cứu bằng các phương pháp hồi sức tích cực, xử trí đặt ống nội khí quản, thở máy... Một trường hợp bệnh nhân 27 tuổi ngộ độc khí CO nhẹ, tiếp xúc tốt, không có biểu hiện suy hô hấp. Các bệnh nhân này hiện tại đã được chuyển sang Bệnh viện Y học biển Việt Nam (tại Hải Phòng) để tiếp tục điều trị.
3 trường hợp khác là trẻ nhỏ trong gia đình (trú tại phường Hà Khẩu, TP Hạ Long) nhập viện với tình trạng choáng váng, đau đầu, khó thở, chóng mặt, được theo dõi điều trị ngộ độc khí CO do máy phát điện tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy. Hiện tại tình trạng sức khỏe của các trẻ ổn định.
Bác sĩ CKI Lê Thị Mai, Khoa Thần kinh - Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết, CO là chất khí không màu, không mùi, không gây kích ứng đường hô hấp. Do đó, rất khó nhận biết được sự có mặt của chúng trong không khí. Khi hít phải, khí CO nhanh chóng ngấm vào máu và làm mất oxy trong máu. Nạn nhân sẽ có triệu chứng đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn, đau ngực.
“Ngộ độc khí CO làm cho tế bào não bị tổn thương dẫn đến thoát dịch, phù nề não, bệnh nhân có thể bị mất ý thức, hôn mê sâu, sống thực vật cả đời, thậm chí tử vong nếu không cấp cứu, điều trị kịp thời. Nhiều trường hợp bệnh nhân ngạt khí CO dù được cứu sống nhưng để lại các di chứng nghiêm trọng như suy giảm trí nhớ, giảm tập trung, liệt cơ mặt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay chân cứng và run, liệt nửa người…”, BSCKI Lê Thị Mai cho hay.
Nguy cơ ngộ độc CO mà không phải do cháy nổ
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai: Trung tâm này cũng đã tiếp nhận nhiều ca ngộ độc khí CO mà nguyên nhân không phải chỉ do các vụ cháy nổ mà còn do chạy xe máy “rốt đa” ở trong phòng kín, do chạy máy phát điện để ở trong phòng có thông với phòng có người sinh hoạt, ngồi trong xe ô tô và bị ngộ độc do hít phải khí CO từ khói của xe, sử dụng bình đun nước nóng chạy bằng khí gas,... Khí CO được hình thành do sự đốt cháy không hoàn toàn các chất liệu có chứa carbon như: Xăng, dầu, khí đốt tự nhiên, gỗ hoặc than củi, nhựa, vải, rơm, rạ...
“Do khí CO từ không khí nhanh chóng được hấp thu qua đường hô hấp vào máu, ở trong máu thì CO gắn chặt với hồng cầu làm mất khả năng vận chuyển ô xy của máu tới các cơ quan, khi tới các cơ quan thì CO ức chế, bóp nghẹt hoạt động của tế bào, gây chết tế bào và gây một loạt các phản ứng dây truyền phức tạp và tổn thương cấp tính cũng như di chứng về sau. Các cơ quan hay bị tổn thương và thường bị nặng, bị sớm nhất là não, tim, cơ và các cơ quan khác. Hậu quả của ngộ độc là não, tim và các cơ quan bị tổn thương, suy sụp, tử vong hoặc di chứng lâu dài”, bác sĩ Trung Nguyên nhấn mạnh.
“Theo những số liệu nghiên cứu khoa học cho thấy, 50% các bệnh nhân bị nhiễm độc khí CO dù là nhẹ, sau khi được điều trị vẫn sẽ bị các di chứng về sức khỏe tâm thần, thần kinh, sa sút trí tuệ, suy giảm trí nhớ sau này. 1/3 những người bị ngộ độc nặng ban đầu có tổn thương tim mạch sẽ tử vong trong vòng 8 năm sau do biến chứng loạn nhịp tim. Người sau 35 tuổi bị ngộ độc CO thường nguy cơ bị di chứng nhiều hơn. Việc điều trị sớm và tích cực sẽ giảm mức độ nặng, giảm nguy cơ tử vong và hạn chế di chứng”.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên
|
Hiện trong cuộc sống có các nguy cơ mới gây ngộ độc khí CO hoặc thiết bị thế hệ mới có thể sử dụng khí gas mà chúng ta còn chưa quen như xe nâng hàng, máy làm lại bề mặt sân trượt băng, bộ phận hấp phụ khí gây mê, rang hạt cà phê... Do vậy, các cơ quan chức năng cần có biện pháp quản lý, kiểm định để đảm bảo chất lượng và an toàn của các thiết bị máy móc và hóa chất này. Các thiết bị và hóa chất đó phải luôn có kèm theo các cảnh báo nguy cơ gây ngộ độc để người tiêu dùng biết và phòng tránh. Tất cả các nơi có thể phát sinh khí CO như các bếp cần phải có lắp các thiết bị theo dõi và báo động nồng độ khí CO, khí gas, kịp thời phát hiện và tránh các vụ ngộ độc hoặc cháy nổ đáng tiếc xảy ra. Bởi khi đốt các nhiên liệu chứa các-bon như củi, than củi, than tổ ong, xăng dầu,… ở trong không gian mở thoáng thì nhiên liệu cháy hết và cơ bản tạo ra khí CO2 ít ảnh hưởng sức khỏe, nhưng nếu đốt trong khu vực kín cửa, nhiên liệu cháy dở dang sinh ra khí CO lại là khí rất độc.
Bác sĩ Trung Nguyên khuyến cáo người dân sử dụng máy phát điện nên để ở phòng có luồng không khí lưu thông để khí thải thoát ra ngoài, không để trong phòng kín, hoặc máy phát nên để riêng biệt với khu phòng ở. Tuyệt đối không đốt các loại nhiên liệu như than tổ ong, củi, than hoa, khí gas,… để trong không gian kín. Nếu bắt buộc phải sử dụng thì không được sử dụng trong phòng kín, nên để mở cửa thoáng để có lưu thông khí đầy đủ. Khi phát hiện người bị ngạt khí CO với các dấu hiệu như buồn nôn, nhức đầu, yếu người, khó thở, tinh thần lơ mơ… cần mở rộng cửa để làm thoáng khí, trường hợp bệnh nhân thở yếu, bất tỉnh, hoặc không thấy nhịp tim thì cần tiến hành hô hấp nhân tạo hoặc ép tim (cấp cứu ngừng tuần hoàn) sau đó đưa tới cơ sở y tế gần nhất./.
Hà - Giang