Mề đay (hay mày đay) không được chẩn đoán và điều trị dễ trở thành mãn tính. Mỗi khi bệnh tái phát, nếu không chữa trị đúng cách dễ gây ra các biến chứng.
Bệnh phổ biến thường gặp
Theo ThS.BS Nguyễn Thị Phượng, Phụ trách khoa Da liễu, Bệnh viện Tuệ Tĩnh (Hà Nội): Mề đay là một trong những bệnh da liễu phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Theo nghiên cứu, có đến 20% dân số bị mề đay ở một thời điểm nào đó trong đời với các triệu chứng như nổi ban đỏ, sẩn phù, ngứa, đôi khi nóng rát tại tổn thương; Bệnh có thể xuất hiện ở tay, chân, lưng, ngực, bụng, mặt... Nhữngtổn thương này có khi xuất hiện nhanh và biến mất trong vòng 24 giờ mà không để lại vết thâm rát trên da. Nhưng có trường hợp bị sẩn phù, ngứa kéo dài, hay tái phát không những gây ngứa ngáy mà khiến người bệnh mệt mỏi, khó chịu…
Mề đay được gây ra do sự thoái hóa của các tế bào chứa histamine (tế bào mast) trong lớp trung bì nông. Khi cơ thể phản ứng với chất gây dị ứng như hóa mỹ phẩm, thời tiết, môi trường lạnh, do phản vệ, do ăn uống, lông thú, bụi trong nhà, mệt mỏi, stress… lúc này, cơ thể giải phóng một loại protein gọi là histamine và các chất trung gian khiến các mạch máu nhỏ giãn nở và dịch từ mạch máu sẽ thoát ra gây tích tụ trong da (còn gọi là phù mạch), gây viêm (nóng, sốt) và phát ban đỏ. Nếu chất lỏng tích tụ dưới da sẽ hình thành các vết sưng phù nhỏ.
Theo bác sĩ Phượng: Mề đay có thể là cấp tính hoặc mãn tính. Với mề đay cấp bệnh thường xuất hiện đột ngột, các nốt sẩn có thể tập trung ở một số vùng da hoặc lan rộng toàn thân và diễn biến trong thời gian dưới 6 tuần. Trong đó, khoảng10% trường hợp mề đay cấp tính gây phù mạch. Đây là tình trạng sưng sâu bên trong da, ở niêm mạc da khiến da chuyển sang màu đỏ và căng phồng, gây ngứa, đau. Nếu được điều trị đúng cách, phù mạch sẽ cải thiện sau 72 giờ. Thế nhưng, nhiều người chủ quan không điều trị, để tình trạng tổn thương kéo dài và chuyển sang giai đoạn mãn tính.
“Khi người bệnh bị những đợt nổi mề đay cấp tính nhưng không được điều trị sẽ đối diện nguy cơ phù mao mạch dị ứng như sưng phù mặt, mi mắt, môi, lưỡi hoặc cổ họng (các mô lỏng). Nguy hiểm nhất là sưng họng gây bít tắt đường thở và có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp để giải phóng đường thở”, ThS.BS Nguyễn Thị Phượng cảnh báo.
Mề đay mãn tính thường kéo dài trong vòng ít nhất 6 tuần liên tiếp, xuất hiện triệu chứng ít nhất 2 ngày/tuần, với biểu hiện phát ban đặc trưng nổi sẩn ngứa có màu hồng, đỏ hay trắng nhạt trên da. Người bệnh bị ngứa, nóng rát, khó chịu.
Mề đay mãn tính ngoài gây tổn thương trên da còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần và chất lượng cuộc sống. Đáng nói, bệnh mề đay mãn tính thường kéo dài dai dẳng và tái phát liên tục làm thay đổi màu sắc da (gọi là mề đay sắc tố), ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày, giấc ngủ, ngoại hình khiến người bệnh tự ti khi giao tiếp.
“Mề đay mãn tính thường đáp ứng kém với các giải pháp điều trị. Dù bệnh không gây nguy hiểm ngay lập tức nhưng nếu không chăm sóc và điều trị đúng cách dễ gây ra các biến chứng như chàm hóa, tăng sắc tố da (sạm da) và làm tăng nguy cơ mắc thêm các bệnh dị ứng khác”, bác sĩ Phượng nhấn mạnh.
“Phù mạch là biểu hiện đau, sưng nề bàn tay, chân, môi, mắt, lưỡi, sinh dục, sưng nề thanh gây khó thở. Nguy hiểm nhất là sưng họng gây bít tắt đường thở và có thể dẫn đến tử vong nếu không cấp cứu kịp để giải phóng đường thở”.
ThS.BS Nguyễn Thị Phượng
|
Kết hợp Đông - Tây y trong điều trị mề đay
Bệnh mề đay có thể chẩn đoán thông qua triệu chứng lâm sàng và dựa vào các xét nghiệm đặc hiệu. Việc điều trị mề đay, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc histamine nhằm loại bỏ các tác nhân gây bệnh, tuy nhiên không phải lúc nào cũng dễ dàng. Với mề đay mãn tính, người bệnh được điều trị bằng thuốc kháng histamine hoặc kết hợp nhiều loại thuốc. Nếu thuốc kháng histamine không giúp người bệnh giảm các cơn ngứa, bác sĩ sẽ kê thêm thuốc steroid dạng uống hoặc tiêm với mề đay cấp tính. Trong trường hợp các thuốc trên không hiệu quả, có thể phải dùng đến thuốc sinh học để kiểm soát mề đay.
Với những trường hợp mề đay mãn tính thường là vô căn - tức là nhiều trường hợp không tìm được nguyên nhân gây bệnh nhưng người bệnh vẫn có biểu hiện bệnh, vẫn xuất hiện các sẩn phù rải rác toàn thân kèm theo ngứa. Có trường hợp chủ yếu ngứa vào ban đêm; có trường hợp gặp lạnh thì ngứa tăng, gặp nóng thì bệnh tăng...
“Nhiều trường hợp khi mắc mề đay mãn tính, đến Bệnh viện Tuệ Tĩnh khám, chúng tôi đã cho điều trị bằng các thuốc chống dị ứng nhưng chỉ làm giảm triệu chứng ngứa tạm thời, khi hết tác dụng của thuốc triệu chứng ngứa vẫn tái phát, các cơn ngứa liên tục xuất hiện khiến người bệnh cảm thấy vô cùng phiền toái, mệt mỏi, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như tâm lý.
Với những bệnh nhân này chúng tôi cho điều trị Đông y và Tây y kết hợp. Tây y có thể làm giảm các triệu chứng ngứa tạm thời cho người bệnh. Đông y tìm được gốc bệnh là do đâu. Bởi có những người bệnh mề đay do phong hàn, có những người do phong nhiệt hay do can thận hư, hay do huyết hư mà sinh ra bệnh. Chữa tận gốc giúp bệnh ổn định và hạn chế tình trạng tái phát”, ThS.BS Nguyễn Thị Phượng nêu quan điểm.
Mề đay có đặc điểm hay tái phát. Do vậy, để tránh tái phát bác sĩ Phượng khuyên người bệnh lưu ý tránh những dị nguyên. Với người nổi mề đay do lạnh, cần chú ý mặc ấm, hạn chế tối đa tiếp xúc với môi trường lạnh. Những người nổi mề đay do tiếp xúc cần lưu ý mỗi khi đến môi trường có hóa chất, bụi bẩn, phấn hoa, lông thú... cần đeo khẩu trang và mặc quần áo bảo hộ. Đặc biệt không tự ý sử dụng các loại thuốc Đông - Tây y mà không được hướng dẫn của các nhà chuyên môn. Khi có biểu hiện kéo dài hoặc phù môi, sưng mặt, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu./.
Lưu Hường