Thành công về mở rộng PrEP điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV

Việc mở rộng PrEP điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV, góp phần chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam.

 

Quan hệ tình dục không an toàn tiếp tục là đường lây chính trong lây nhiễm HIV và tỷ lệ này ngày càng tăng. Việc mở rộng PrEP điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV, góp phần chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam.

Tình dục không an toàn tiếp tục là đường lây chính HIV

Tại Hội thảo sơ kết giữa kỳ Kế hoạch điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) giai đoạn 2021-2025 do Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức ngày 27/8/2024 tại Ninh Bình, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Tình hình dịch HIV tại Việt Nam những năm gần đây tiếp tục diễn biến phức tạp, với số người nhiễm HIV đang có xu hướng trẻ hóa. Tính đến tháng 6/2024, cả nước có 219.146 người nhiễm HIV còn sống đang quản lý. Từ đầu năm đến tháng 6/2024, cả nước xét nghiệm phát hiện mới 4.648 trường hợp nhiễm HIV. Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV có 84% nam giới, độ tuổi 15-29 chiếm 42,8% và 30-39 tuổi chiếm 29,7%.

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội thảo.“Dù tỷ lệ nhiễm HIV trong các nhóm nguy cơ cao giảm nhưng tỷ lệ này trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang có xu hướng tăng mạnh những năm gần đây. Nếu như vào năm 2019, tỷ lệ này là 65,1% thì đến năm 2020 tăng lên 75,8 và hiện tại là 74,2%. Trong đó đối tượng chủ yếu là MSM và đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn. Đây tiếp tục là đường lây chính trong lây nhiễm HIV”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh và cho biết: Từ năm 2016, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo mạnh mẽ PrEP là một lựa chọn dự phòng bổ sung quan trọng, là một phần của chiến lược dự phòng HIV toàn diện cho những người có nguy cơ cao nhiễm HIV.

“Những thành công, kinh nghiệm, thực hành tốt của Việt Nam đã được lựa chọn để báo cáo, chia sẻ với các quốc gia khác trên các diễn đàn quốc tế. Gần đây nhất, tại Hội nghị AIDS Toàn cầu lần thứ 24 được tổ chức tại Canada tháng 7/2022, Việt Nam đã được lựa chọn là quốc gia chia sẻ kinh nghiệm, bài học thành công về mở rộng PrEP, các mô hình dịch vụ khác nhau và các sáng kiến mới”.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương

Toàn cảnh Hội thảo.Thứ trưởng cho biết, ngay sau khuyến cáo của WHO về hiệu quả của PrEP, Việt Nam đã triển khai cung cấp dịch vụ PrEP thí điểm tại Hà Nội và TP.HCM. Sau thành công của mô hình thí điểm, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của các dự án PEPFAR, dự án Quỹ Toàn cầu, Bộ Y tế đã mở rộng cung cấp dịch vụ PrEP tại các tỉnh, thành phố. Trong giai đoạn 2020-2024, để mở rộng độ bao phủ dịch vụ PrEP, đặc biệt trong thời gian nhiều tỉnh, TP trên toàn quốc bị phong tỏa bởi dịch Covid-19, Bộ Y tế và Sở Y tế, CDC các tỉnh thành, các phòng khám PrEP, các nhóm hỗ trợ cộng đồng (CBO)… đã có rất nhiều sáng kiến mới để hỗ trợ khách hàng không bị gián đoạn dịch vụ điều trị PrEP.

TS.BS Đỗ Thị Nhàn - Trưởng phòng Điều trị HIV/AIDS, Cục phòng chống HIV/AIDS chia sẻ kinh nghiệm điều trị  dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP).Chia sẻ về kết quả điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) giai đoạn 2021-2025, TS.BS Đỗ Thị Nhàn - Trưởng phòng Điều trị HIV/AIDS, Cục phòng chống HIV/AIDS cho biết: “Các thử nghiệm lâm sàng đã chứng minh sử dụng PrEP có hiệu quả giảm nguy cơ nhiễm HIV qua đường tình dục lên tới 97% và qua tiêm chích đến 74% nếu tuân thủ điều trị tốt. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi quan hệ hình dục không an toàn hiện đang là đường lây truyền HIV chủ yếu tại Việt Nam”, TS.BS Đỗ Thị Nhàn chia sẻ.

“Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) là việc sử dụng thuốc ARV để dự phòng lây nhiễm HIV cho người chưa nhiễm HIV nhưng có hành vi nguy cơ nhiễm HIV cao. PrEP có hiệu quả giảm nguy cơ nhiễm HIV qua đường tình dục lên tới 97% và qua tiêm chích đến 74% nếu tuân thủ điều trị tốt. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi quan hệ hình dục không an toàn hiện đang là đường lây truyền HIV chủ yếu tại Việt Nam”.

TS.BS Đỗ Thị Nhàn

Giải pháp mở rộng cung cấp PrEP bền vững

Việt Nam là một trong các quốc gia có hệ thống văn bản chính sách thống nhất trong triển khai PrEP, từ Luật Phòng, chống HIV/AIDS sửa đổi năm 2020, Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật đến các văn bản hướng dẫn quốc gia triển khai PrEP được Bộ Y tế ban hành. Kể từ khi chương trình PrEP được thí điểm tại Việt Nam vào năm 2017, trở thành chương trình quốc gia vào năm 2019, đến nay có 35 tỉnh/thành phố trên cả nước đang cung cấp dịch vụ này. Các mô hình cung cấp dịch vụ PrEP đa dạng, gồm mô hình cố định tại cơ sở y tế, mô hình lưu động tại các địa bàn, khu vực phù hợp với nhu cầu của quần thể đích.

Đại diện Nhóm cộng đồng S đỏ (Cần Thơ) chia sẻ về Kết nối, chuyển gửi tới dịch vụ PrEP.Hiện nay, các mô hình triển khai PrEP trên toàn quốc rất đa dạng và sáng tạo nhằm cung cấp dịch vụ và các chính sách tài chính đặc thù… Ở Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ, Hà Nội… tỷ lệ khách hàng sử dụng PrEP mới tại các cơ sở y tế công, phòng khám tư nhân, các cơ sở y tế công cộng,… tăng lên rõ rệt.

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, vào cuối năm 2023, với sự hỗ trợ từ Quỹ cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ (PEPFAR) và Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam có trên 67.000 người có hành vi nguy cơ cao với trên 80% trong số họ thuộc nhóm MSM đã sử dụng dịch vụ PrEP. Tính đến hết quý II/2024, đã có hơn 112.000 lượt khách hàng sử dụng PrEP ít nhất 1 lần. Với kết quả này, Việt Nam trở thành nước dẫn đầu châu Á - Thái Bình Dương về số người điều trị PrEP (PrEP uptake), đồng thời PrEP được xác định là một can thiệp ưu tiên để hướng tới kết thúc AIDS vào 2030. Bài học thành công, kinh nghiệm, thực hành tốt về triển khai PrEP của Việt Nam đã được báo cáo, chia sẻ với các quốc gia khác trên các diễn đàn quốc tế.

Đại diện Phòng khám SHP Đại học Y Hà Nội giới thiệu sản phẩm điều trị PrEP tại gian hàng trưng bày ở Hội thảo. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Liên Hương cho biết Việt Nam vẫn còn những tồn tại, khó khăn cần phải khắc phục. Đó là cần nâng cao nhận thức về PrEP đối với các đối tượng đích hơn nữa, mở nhanh dịch vụ ở những tỉnh/TP có tỷ lệ lây nhiễm trong nhóm MSM cao, đặc biệt tại những tỉnh không có dự án hỗ trợ, thu hút được nhiều khách hàng có nguy cơ cao lây nhiễm HIV vào điều trị PrEP, kết nối tốt hơn nữa giữa các nhóm cộng đồng và cơ sở cung cấp dịch vụ PrEP, duy trì tỷ lệ điều trị cao, sàng lọc và đưa được nhiều khách hàng bị đồng nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, viêm gan virus B, C đến các chuyên khoa liên quan để được điều trị kịp thời.

Đại diện các gian hàng giới thiệu các sản phẩm liên quan đến HIV tại Hội thảo.PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh việc mở rộng điều trị PrEP trên phạm vi toàn quốc là nội dung ưu tiên để hướng tới hoàn thành chỉ tiêu đến 2025 là 70% người có hành vi nguy cơ cao ở Việt Nam (khoảng 72.000 người) được sử dụng PrEP. Cùng với điều trị ARV cho người nhiễm HIV một cách hiệu quả, PrEP là can thiệp hữu hiệu, góp phần hướng đến đạt được mục tiêu quốc gia kết thúc dịch AIDS vào năm 2030./.

Hương Giang

 

Bình luận

    Chưa có bình luận