Lo ngại bệnh sởi bùng phát diện rộng

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, nếu không được tiêm phòng và phòng tránh rất dễ lây lan và bùng phát diện rộng.

 

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, nếu không được tiêm phòng và phòng tránh rất dễ lây lan và bùng phát diện rộng.

Bệnh sởi tăng nhanh khu vực phía Nam

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), đầu năm 2024, TP không ghi nhận ca sởi dương tính nào. Nhưng từ ngày 23/5 đến 11/8, tất cả bệnh viện trên địa bàn ghi nhận 597 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó 346 ca xét nghiệm xác định. 153 ca bệnh địa chỉ ở TP.HCM, chiếm 50%, còn lại là tại các tỉnh đến khám và điều trị. Trong khi đó, từ năm 2021 đến 2023, toàn TP chỉ ghi nhận 1 ca bệnh sởi.

HCDC nhấn mạnh, 153 ca sởi xuất hiện ở 57 phường, xã của 16 quận, huyện, trong đó có 9 quận, huyện có từ 2 ca bệnh trở lên. Như vậy hiện có 9 quận, huyện đủ điều kiện công bố dịch.Bên cạnh đó, trong số 115 trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên dương tính với sởi đủ điều kiện tiêm vaccine mũi 1 (9 tháng tuổi trở lên) thì có 73% là do chưa được tiêm chủng mũi nào, còn lại 12% không rõ tiền sử tiêm chủng.

Nhiều trẻ nhỏ chưa đến độ tuổi tiêm chủng vaccine sởi nhưng bị lây sởi từ trẻ khác. (Ảnh: Kim Dung)Bà Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc HCDC cho biết, nhiều quận, huyện ở TP.HCM không đạt tỷ lệ tiêm chủng, tỷ lệ bao phủ vaccine sởi. Tỷ lệ tiêm chủng mũi vaccine sởi 1 năm 2023 chỉ đạt 89,2% trên quy mô toàn TP, chưa có quận nào đạt trên 95%.Với tỷ lệ tiêm chủng vaccine sởi mũi 2, từ năm 2019 đến năm 2022 đều chưa đạt trên 95%. Có quận huyện 4 năm liên tiếp không đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 95% gồm: Quận 5, 8, 11, 2, huyện Củ Chi, TP.Thủ Đức... Do vậy không ngăn chặn được sự tấn công của dịch sởi. HCDC đã yêu cầu các địa phương phải lập danh sách trẻ sống trên địa bàn để tiêm vaccine đầy đủ, vì nhiều trẻ không có trong danh sách trẻ được quản lý, dẫn đến dễ bỏ sót.

Sở Y tế TP.HCM cho biết, các bệnh viện tại TP.HCM ghi nhận 3 ca trẻ tử vong do sởi. Cụ thể, ca thứ nhất là bé gái 3 tuổi, có bệnh nền là suy giảm miễn dịch thể giảm kháng thể, chậm phát triển tâm vận, suy dinh dưỡng. Trường hợp thứ 2 là bé gái 4 tháng tuổi, mắc hội chứng Cushing, tăng tuyến thượng thận. Hai trường hợp này đều chưa được tiêm vaccine. Trẻ thứ ba là bé trai 7 tuổi, bị bệnh bạch cầu cấp dòng lympho đã ghép tủy, suy tim và suy thận mạn, đã tiêm chủng 2 mũi vaccine sởi. Cả 3 trẻ này đều mắc những bệnh lý mạn tính, dẫn đến biến chứng nặng khi mắc bệnh sởi và đã tử vong dù được tích cực điều trị.

Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, tính đến hết ngày 12/8/2024, Sở Y tế tỉnh Bình Dương ghi nhận 24 ca mắc bệnh sởi và nghi sởi, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2023. Điều đáng lo ngại là tỷ lệ tiêm chủng sởi trong 6 tháng đầu năm 2024 chỉ đạt 49,3%, giảm mạnh so với mức 92,7% của năm 2023.

Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Dương, địa phương ghi nhận số ca mắc bệnh sởi tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước, gây lo ngại về nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên diện rộng.

PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, các bệnh viện không được coi nhẹ dịch sởi, cần triển khai ngay giải pháp phòng chống, không để lây lan, đặc biệt trong bệnh viện. Các quận, huyện phải chủ động rà soát danh sách trẻ chưa tiêm vaccine, tổ chức tiêm cho trẻ để tăng miễn dịch cộng đồng. Trước đó, Sở Y tế TP.HCM đã kiến nghị UBND TP công bố dịch sởi trong bối cảnh số ca bệnh sởi tăng nhanh và đã có 3 trẻ mắc bệnh sởi tử vong trong năm 2024.

Trẻ bị sởi nhập viện Bệnh viện Nhi Đồng. 1 (Ảnh: Kim Dung)Phòng tránh biến chứng nguy hiểm

Theo ThS.BS Đỗ Thị Thúy Hậu, Điều dưỡng trưởng Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, sởi là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây nên. Bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp, do dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh theo không khí phát tán ra xung quanh khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện… “Sởi thường phát ban vào ngày thứ 4 - ngày thứ 6 và mọc theo thứ tự từ đầu, mặt, cổ (vào ngày thứ nhất), đến ngực, lưng, cánh tay (ngày thứ 2), tiếp đến là ở bụng, mông, đùi, chân (ngày thứ 3). Khi ban mọc đến chân, thường trẻ đã hết sốt và ban bắt đầu bay dần”, Ths.Bs Đỗ Thị Thúy Hậu cho biết thêm: Trẻ mắc sởi có thể bị các biến chứng như biến chứng đường hô hấp: viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi; biến chứng thần kinh như viêm não, viêm màng não; biến chứng đường tiêu hóa như viêm ruột; biến chứng về thị giác như viêm loét giác mạc, có thể gây mù lòa…

Sởi thường gặp ở trẻ nhỏ, người có miễn dịch kém, dễ dẫn tới biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể gây tử vong nếu không được phát hiện và kịp thời điều trị sớm. Do đó cha mẹ cần nắm rõ các triệu chứng của trẻ khi mắc sởi, đó là sốt, chảy nước mắt, mũi, ho khan, khàn tiếng, có hạt Koplik trong miệng; mắt có rử, sưng nề mí mắt… Khi trẻ có các dấu hiệu như sốt cao liên tục trên 39-40 độ C, khó thở, thở nhanh, quấy khóc, vật vã, rối loạn ý thức; phát ban toàn thân mà vẫn sốt thì cần nhanh chóng đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, để phòng tránh bệnh sởi cho trẻ, cha mẹ cần tiêm vaccine phòng sởi đầy đủ theo hướng dẫn; Vệ sinh mắt, mũi, miệng và tắm hàng ngày cho trẻ; Cho trẻ uống nhiều nước, nước hoa quả ép; Khẩu phần của trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng, nhất là những thực phẩm giàu đạm và vitamin A; Cách ly trẻ mắc sởi, tránh tập trung đông người khi có dịch./.

“Trẻ mắc sởi nên đến các cơ sở y tế để được bác sĩ khám và đánh giá mức độ bệnh. Nếu trẻ đủ điều kiện chăm sóc tại nhà, cha mẹ cần chú ý: Cách ly trẻ để tránh lây nhiễm sang người lành; Cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi sốt trên 38,5 độ theo chỉ định của bác sĩ; Người chăm sóc trẻ cần đeo khẩu trang, rửa tay sạch trước và sau mỗi lần tiếp xúc với trẻ bị sởi; Vệ sinh thân thể cho trẻ hằng ngày, Với trẻ còn bú mẹ, cần tiếp tục cho trẻ bú và kết hợp với chế độ ăn bổ sung hợp lý (nếu trẻ dưới 8 tháng tuổi); Cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, nấu chín và khi ăn nên chia thành nhiều bữa. Ngoài ra, cha mẹ lưu ý nên tắm cho trẻ bằng nước ấm ở nơi kín gió, tránh để lạnh, không tắm lâu, không chà xát mạnh vào da trẻ…”.

Ths.BS Đỗ Thị Thuý Hậu

 

Nhóm PV

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận