Phòng tránh dịch bệnh mùa mưa lũ

Mưa lũ là nỗi lo lắng về sức khỏe vì môi trường ô nhiễm. Việc phòng tránh dịch bệnh truyền nhiễm đúng cách, kịp thời là hết sức quan trọng.

 

Mưa lũ không những gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản mà còn là nỗi lo lắng về môi trường sinh hoạt. Việc phòng tránh dịch bệnh truyền nhiễm đúng cách, kịp thời là hết sức quan trọng.

Gia tăng các bệnh da liễu

Sau trận mưa lớn gây sạt lở nghiêm trọng và ngập lụt tại một số bản, huyện của một số vùng phía Bắc như Sơn La, Hà Nội, Quảng Ninh… không những gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản mà còn là nỗi lo lắng về sức khỏe vì môi trường ô nhiễm.

Để phòng, chống dịch bệnh sau lũ, đảm bảo sức khoẻ cho nhiều hộ dân vùng ngập lụt, chính quyền cấp xã, huyện và các cấp, các ngành đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, tuyên truyền, vận động nhân dân và xử lý ô nhiễm ngay sau khi nước rút. Như tổ chức dọn dẹp bùn lầy, vệ sinh môi trường, phối hợp với trung tâm y tế huyện thực hiện phun tiêu độc khử trùng, không để phát sinh các bệnh dịch sau lũ. Ngoài ra còn hướng dẫn cho bà con nhiều biện pháp phòng, chống các loại dịch bệnh thường gặp khi mưa lũ xảy ra như bệnh ngoài da, đau mắt đỏ, cảm cúm, tiêu chảy…

Người dân vùng lũ được thăm khám, tư vấn sức khoẻ. (Ảnh: Lê Hạnh)Theo TS.BS Phạm Thị Minh Phương, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương: Mưa lớn kéo dài gần 2 tuần qua tại các tỉnh thành miền Bắc tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ, trong đó các vấn đề về da được cho là khá nghiêm trọng. Bởi khi thời tiết thay đổi, mưa gió nhiều, độ ẩm không khí cao, ngập lụt kéo dài… khiến người dân dễ mắc các bệnh về da do nhiễm khuẩn, nhiễm nấm. Trong đó, những bệnh da do nấm hay gặp nhất là nấm kẽ bàn chân, nấm móng chân.

“Do người dân lội nước nhiều, khiến làn da bị mềm là tác nhân dễ nhiễm nấm, đặc biệt ở vùng kẽ, bẹn, bàn chân, móng chân... Khi da ẩm, không còn độ đàn hồi như trước nên dễ bị các vi khuẩn xâm nhập, gây ra các bệnh viêm nhiễm ngoài da như mụn nhọt, viêm nang lông. Việc tiếp xúc nhiều với nước trên bề mặt đường phố và nước mưa có thể chứa nhiều tác nhân gây dị ứng, kích ứng khiến bàn chân bị viêm da tiếp xúc kích ứng, viêm da tiếp xúc dị ứng”, TS.BS Phạm Thị Minh Phương phân tích và dẫn chứng gần đây, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Da liễu Trung ương tăng khoảng 30% so với mùa khô. Trong đó khá nhiều trường hợp nấm bàn chân, nấm móng chân, nấm bẹn và viêm da do nhiễm trùng.

TS.BS Phạm Thị Minh Phương thăm khám cho người bệnh tại Bệnh viện Da liễu Trung ương.TS.BS Phạm Thị Minh Phương lưu ý, hiện nay vẫn còn tình trạng bệnh nhân có thói quen tự mua thuốc điều trị, hoặc sử dụng thuốc theo mách bảo của bạn bè mà không hiểu rằng thực tế có nhiều nhiều bệnh lý về da, mỗi loại bệnh có thuốc bôi và uống khác nhau. Chưa kể, nhiều người điều trị sai do đắp lá, ngâm lá, dùng thuốc không rõ nguồn gốc khiến bệnh không khỏi mà còn dẫn đến biến chứng.

“Người bệnh không nghĩ việc ngâm lá, đắp lá sẽ gây kích ứng, dẫn đến da khô, nứt nẻ, thậm chí sưng đỏ phù nề, lở loét chảy dịch. Nếu không được điều trị bệnh sẽ tiến triển nặng, gây ngứa ngáy, viêm loét, nhiễm trùng. Do vậy, khi gặp vấn đề về da, người dân nên khám đúng chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán, xử trí sớm”, TS.BS Minh Phương khuyến cáo.

Để phòng bệnh ngoài da, người dân ở vùng lũ lụt cần chú ý vệ sinh môi trường sạch sẽ, sử dụng phương tiện bảo hộ cơ thể như đi ủng, đeo găng tay cao su khi tiếp xúc với các nguồn nước bẩn để tránh nguy cơ gây bệnh. Nếu phải lội nước mưa thì về nhà phải làm sạch bằng nước sát khuẩn cơ thể, thấm khô kẽ chân tay, giày dép phơi khô hãy sử dụng lại.

Lưu ý phòng bệnh đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường do vi khuẩn hoặc virus gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt bên kia. Đây là bệnh rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch, đặc biệt ở địa bàn lũ lụt, ô nhiễm nguồn nước, thiếu nước sinh hoạt.

ThS.BS Lê Việt Cường thăm khám cho người bệnh.Theo ThS.BS Lê Việt Cường, Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Hữu Nghị: Đau mắt đỏ do Adeno virus gây ra thường diễn biến theo 2 giai đoạn và cần ít nhất ngoài 2 tuần để khỏi hoàn toàn. Ở giai đoạn cấp, bệnh nhân thấy mắt đỏ lên, có nhiều gỉ mắt và cộm vướng nhiều. Trong giai đoạn này bệnh nhân sẽ cảm thấy rất khó chịu. Sau 2 tuần bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mạn. Ở giai đoạn mạn, bệnh nhân có biểu hiện nhìn mờ do biến chứng trong giác mạc. Trường hợp nhẹ có thể viêm giác mạc biểu mô, nặng hơn thì viêm giác mạc nhu mô. Lúc này sẽ mất thêm thời gian để điều trị.

“Khi đã được chẩn đoán là bệnh đau mắt đỏ do Adeno virus, cần đặc biệt lưu ý ngăn ngừa bệnh lây lan qua tiếp xúc trực tiếp, hoặc gián tiếp qua đường dịch tiết. Bởi, khi bệnh nhân đau mắt đỏ, dịch tiết từ trong mắt ra chứa rất nhiều virus. Bệnh nhân đưa tay lên mắt sau đó chạm vào các vật dụng xung quanh, người lành chạm vào những nơi có chứa virus rồi đưa tay lên mắt và bị nhiễm bệnh. Do vậy, nếu trong gia đình có người bị đau mắt đỏ do Adeno virus, lưu ý không dùng chung khăn mặt hay các vật dụng cá nhân; Khi định đưa tay lên mắt cần phải vệ sinh tay bằng xà phòng hoặc cồn; Rửa tay sau khi tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi nhiễm bệnh”, ThS.BS Lê Việt Cường lưu ý thêm: Hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.

Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, người dân nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; Vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường. Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời.

Phòng tránh bệnh lây truyền qua tiêu hóa và hô hấp

Cục Y tế dự phòng cũng lưu ý việc phòng chống bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa. Trong đó các bệnh thường gặp như tiêu chảy do vi khuẩn E. coli, tả, lỵ, thương hàn, bệnh viêm gan A. Bệnh xuất hiện do sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh, thực phẩm bị ô nhiễm.

Việc phòng bệnh cần đảm bảo xử lý nước ăn uống, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân. Thực hiện nguyên tắc "ăn chín, uống chín", đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đảm bảo đủ nuớc sạch cho ăn uống, sinh hoạt. Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Đồng thời xử lý tốt nguồn phân, chất thải, rác thải và xác động vật chết. Uống hoặc tiêm vaccine phòng bệnh khi có chỉ định đối với các bệnh đã có vaccine.

Còn với các bệnh liên quan đến đường hô hấp thường gặp như cảm lạnh, cúm, viêm họng, viêm đường hô hấp thì cần chú ý giữ ấm cơ thể khi thời tiết lạnh, nhất là ở trẻ em và người già. Và hạn chế tiếp xúc với người có biểu hiện bị cúm, viêm đường hô hấp cũng như chú ý đảm bảo đủ dinh dưỡng. Người bệnh cần chẩn đoán và điều trị kịp thời để hạn chế biến chứng và tử vong./.

Nhằm phòng tránh các dịch, bệnh nguy hiểm sau mùa mưa bão, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng; Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt. Bảo đảm nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó; Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ; Kịp thời phát hiện và dập tắt bệnh dịch truyền nhiễm như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm, đặc biệt cần đề phòng dịch tả, lỵ, thương hàn…

Hương Giang

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận