Ngộ độc sau khi sử dụng thuốc lá điện tử nếu không được điều trị kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Cảnh giác thuốc lá điện tử trà trộn ma túy
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tại Trung tâm chống độc đã ghi nhận nhiều trường hợp nhập viện do ngộ độc sau khi sử dụng thuốc lá điện tử (TLĐT) có chứa ma tuý. Đáng báo động, tại các thành phố lớn đã xảy ra nhiều vụ học sinh cấp 2, cấp 3 phải nhập viện cấp cứu vì TLĐT và dùng thực phẩm trà trộn ma túy. Điển hình là trường hợp 1 nam BN 20 tuổi nhập viện ngày 26/6/2024 trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, tổn thương đa cơ quan, có tổn thương não, tim, nhiễm toan chuyển hóa nặng, suy thận.
Theo BS Trung Nguyên, BN này thường có thói quen đi ngủ muộn vào lúc 2h sáng. Khoảng 4h sáng, gia đình thấy tiếng động, lúc đấy mới phát hiện BN đang co giật, bất tỉnh, liền đưa đến Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Tại đây các kết quả xét nghiệm phát hiện có cần sa tổng hợp MDMB-Butinaca và MDMB-3en-Butinaca. Đây không phải lần đầu, mà trước đó (năm 2023) BN đã nhập viện điều trị ngộ độc vì tiền sử hút TLĐT.
Theo số liệu của Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, năm 2022 và 2023, Trung tâm đã tiếp nhận gần 130 ca nhập viện do ngộ độc sau khi sử dụng TLĐT. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tại đây tiếp nhận khoảng 100 ca. Trong đó, xét nghiệm nhiều mẫu TLĐT của BN cho kết quả dương tính với ma túy.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Phụ trách quản lý điều hành Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, tình hình sử dụng TLĐT gia tăng nhanh chóng. Đáng lo ngại là tình hình sử dụng TLĐT trong học sinh từ 13-15 tuổi ở nước ta đang gia tăng nhanh, từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023. Xu hướng này cũng đang tăng nhanh ở người trưởng thành. Ông Khoa nhấn mạnh, tác hại của TLĐT và thuốc lá nung nóng (TLNN) đã được đề cập và truyền thông rộng rãi rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có 25 căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá như đột quỵ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và ung thư phổi… Trong đó, có những ca bệnh điển hình đã được các cơ quan thông tấn báo chí đưa tin.
Số liệu báo cáo của gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chỉ tính riêng năm 2023 đã có 1.224 ca nhập viện do sử dụng TLĐT, TLNN. Trong đó có 81 người bị ngộ độc ngay từ lần sử dụng đầu tiên. Các sản phẩm TLĐT, TLNN là sản phẩm gây nghiện vì làm người sử dụng lệ thuốc chất gây nghiện là nicotine. Không có một sản phẩm thuốc lá nào là sản phẩm an toàn cho sức khỏe. Do vậy, việc cấm sử dụng thuốc lá mới cũng góp phần hạn chế sự gia tăng sử dụng các sản phẩm này, là cơ sở để xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm, ngăn ngừa và phát hiện kịp thời việc sử dụng ma túy, đặc biệt là trong giới trẻ. “Chúng ta sẽ không thể kiểm soát được ma túy ở trẻ em nếu chúng ta mở đường cho TLĐT. Ngành công nghiệp thuốc lá đang nhắm tới giới trẻ là khách hàng tiềm năng, lâu dài của họ. Nếu chậm trễ trong việc cấm, chờ đến khi ra Luật thì e rằng khi đó con em mình đã sử dụng TLĐT”, ông Khoa nói.
Tầm quan trọng của quản lý tiêu thụ TLĐT
Bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, theo số liệu từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam xấp xỉ 380.000 ca/năm, chiếm 73% tổng số ca tử vong và làm giảm đáng kể tuổi thọ trung bình của người dân. “Các bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam. Cứ 10 người chết thì có gần 8 người chết do các bệnh không lây nhiễm. Nếu loại trừ được các yếu tố nguy cơ như hút thuốc, dinh dưỡng không hợp lý, ít hoạt động thể lực và sử dụng rượu bia sẽ phòng được ít nhất 80% các bệnh tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường và trên 40% các bệnh ung thư. Chính vì vậy, việc thay đổi lối sống, thay đổi các hành vi nguy cơ để bảo vệ sức khỏe ngay từ bây giờ chính là bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và xã hội”, bà Thủy khuyến cáo.
Ths.BS Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, với sự phát triển của công nghệ cho thấy hiện nay trên thị trường xuất hiện các nhóm sản phẩm thuốc lá mới rất đa dạng mẫu mã như TLĐT có nicotine và không chứa nicotine, TLNN và nhóm sản phẩm hỗn hợp cũng được coi là một loại TLNN có cả sợi thuốc lá và dung dịch nicotine, TLĐT sử dụng một lần và sử dụng nhiều lần. Các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hiện nay không được phép nhập khẩu, quảng cáo và bán ở Việt Nam. Tuy nhiên, các sản phẩm lậu được bán khá tràn lan. Việc duy trì tình trạng như hiện nay sẽ dẫn tới tình trạng sử dụng tiếp tục tăng nhanh trong giới trẻ.
“Sẽ có những có những trường hợp BN tử vong mà chúng ta không biết nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Bởi việc phát hiện ngộ độc do TLĐT rất dễ nhầm lẫn với các bệnh khác như mạch vành, tai nạn giao thông, tai biến mạch não…”.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên
|
Theo TS.BS Trung Nguyên, phần lớn người dân và thanh thiếu niên quan niệm TLĐT, không có nicotine gây nghiện. Điều này hoàn toàn sai lầm. Trong TLĐT có 3 nhóm nguy cơ gây hại cho sức khỏe là nicotine, hương liệu nhân tạo và ma túy. TS.BS Trung Nguyên phân tích, với BN ngộ độc TLĐT, các bác sĩ phải kiểm tra rất kỹ, bởi hậu quả do TLĐT gây ra rất lớn. Đó là các vấn đề về tổn thương phổi, sa sút suy giảm chức năng tâm thần, mất trí nhớ, rối loạn…
Đại diện WHO tại Việt Nam, Ths.BS Nguyễn Tuấn Lâm cho rằng việc cấm sử dụng thuốc lá mới cũng góp phần hạn chế sự gia tăng sử dụng các sản phẩm này, cơ sở để xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm, ngăn ngừa và phát hiện kịp thời việc sử dụng ma túy, đặc biệt là trong giới trẻ. Điều này hết sức quan trọng bởi việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới phổ biến trong cộng đồng sẽ là lý do đề các tập đoàn thuốc lá trên thế giới đề xuất cho phép sản xuất, nhập khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng./.
Hương Giang