Không để bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết

TS Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh: Để phòng chống SXH thì việc loại bỏ và xử lý các ổ chứa loăng quăng/bọ gậy trong nhà, xung quanh nhà là biện pháp bền vững nhất.

 

Thời tiết nắng nóng kèm theo mưa là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của muỗi và bọ gậy truyền bệnh sốt xuất huyết. Việc phòng tránh để không bùng phát dịch bệnh là việc rất quan trọng.

Số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến đầu tháng 6/2024, cả nước ghi nhận 22.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) dengue, trong đó có 3 ca tử vong. Tại TP.HCM, chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 6/2024 đã ghi nhận 130 ca nhiễm, tăng số ca mắc tích lũy tính từ đầu năm đến ngày 9/6 tổng cộng là 3.677 ca.

Riêng tại Hà Nội, Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội cho thấy, liên tiếp trong 3 tuần qua, số ca mắc SXH trên địa bàn Hà Nội đều gia tăng. Từ ngày 21/6 đến ngày 28/6, toàn thành phố ghi nhận 84 ca mắc SXH tại 20 quận huyện, trong đó phần lớn bệnh nhân tại huyện Đan Phượng. Ngoài ra, thời điểm trên ghi nhận thêm 2 ổ dịch SXH tại phường Trung Liệt (quận Đống Đa) và xã Phương Đình (huyện Đan Phượng). Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận khoảng 940 ca mắc SXH, tăng 1,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Số ca mắc SXH có dấu hiệu gia tăng. (Ảnh minh họa: KT)Dù các chuyên gia đã nói rất nhiều về SXH dengue là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền từ người sang người qua vật chủ trung gian truyền bệnh là muỗi vằn Aedes aegypti, và có thể bùng phát thành dịch. Và khẩu hiệu luôn đúng là “không có loăng quăng/bọ gậy sẽ không có SXH”, nhưng tại sao con số mắc theo thống kê là không hề nhỏ và vẫn tăng?

Phân tích về số ca mắc SXH hiện nay, TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương nhận định, số ca mắc SXH năm nay sẽ khó thuyên giảm so với năm 2023, bởi thời tiết năm nay mưa nắng thất thường, nhiều hình thái thời tiết cực đoan xuất hiện. Hằng năm, dịch SXH tại Việt Nam thường tăng cao trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 11. Tuy nhiên, vào những khoảng thời gian còn lại trong năm, trên toàn quốc vẫn ghi nhận các ca mắc SXH mới, trong đó có ca bệnh nặng, nguy kịch.

TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương.“Việt Nam là nước nhiệt đới với khí hậu nóng ẩm và nằm trong khu vực lưu hành cao các bệnh do muỗi truyền. Qua điều tra dịch tễ từ các năm chúng tôi nhận thấy, những năm có hiện tượng El Nino thì thời tiết thường cực đoan, nhiệt độ nóng hơn bình thường, làm cho vòng đời của muỗi rút ngắn lại. Như vậy sẽ tăng mật độ của muỗi, tăng khả năng tiếp xúc giữa muỗi và con người. Ngoài ra, thời tiết cực đoan cũng làm cho nắng mưa thất thường, do đó sẽ xuất hiện nhiều dụng cụ chứa nước tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH sinh sản phát triển mạnh và gia tăng các bệnh truyền nhiễm do muỗi đốt, trong đó có SXH”, TS Dũng phân tích, đồng thời cảnh báo người dân nên bỏ suy nghĩ rằng SXH diễn biến theo chu kỳ bởi nó không còn phù hợp với tình hình hiện nay nữa. Nếu người dân cứ giữ nguyên nếp nghĩ dịch SXH diễn ra theo chu kỳ 3-4 năm thì sẽ rất chủ quan trong công tác phòng chống dịch. Điển hình, năm 2022 và 2023 đều là những năm có tỷ lệ mắc SXH cao trong lịch sử ở Hà Nội.

“Chúng tôi ví SXH là “bệnh đô thị”, bởi mật độ dân cư càng đông đúc thì mật độ muỗi càng cao, đô thị càng phát triển thì SXH càng mở rộng. Do vậy người dân không được chủ quan, và hy vọng rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ lưu ý đến vấn đề này”.

TS Nguyễn Văn Dũng

Tăng cường phòng, chống dịch

Thống kê những ca SXH nặng đều là những BN bị biến chứng từ BV tuyến dưới chuyển lên tuyến trên, hoặc do BV tuyến dưới không thạo xử lý tình huống SXH, đến khi BN bị nặng mới chuyển tuyến thì BN đã trong tình trạng nặng như sốc, xuất huyết nội tạng... khi đó việc điều trị rất khó khăn. Trong khi vaccine ngừa SXH do Takeda sản xuất (vaccine Qdenga) mới được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam từ ngày 15/5 và dự kiến “vũ khí” chống dịch SXH này sẽ có mặt tại một số trung tâm tiêm chủng trong nước bắt đầu từ tháng 9 năm nay.

Vì vậy TS Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh: “Để phòng chống SXH thì việc loại bỏ và xử lý các ổ chứa loăng quăng/bọ gậy trong nhà, xung quanh nhà là biện pháp bền vững nhất. Và trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn phải dựa vào dân là chủ yếu. Đó là lý do người ta thường nhấn mạnh rằng phòng chống SXH là phải dựa vào dân, người dân vẫn là số 1”.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội và quận Long Biên kiểm tra công tác phòng dịch sốt xuất huyết tại phường Phúc Lợi. (ảnh: KT)CDC Hà Nội nhận định, hiện nay thời tiết nắng nóng, mưa nhiều là điều kiện rất thuận lợi cho sự phát triển của muỗi và bọ gậy truyền bệnh. Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cũng khuyến cáo, tình hình dịch bệnh SXH năm nay sẽ có những diễn biến phức tạp là do điều kiện khí hậu, cùng với nhiều nơi người dân có thói quen xả rác bừa bãi, tích trữ nước mưa, nước sinh hoạt, tạo ra môi trường để muỗi truyền bệnh phát triển. Vì vậy việc loại bỏ môi trường sinh sôi, phát triển của muỗi là biện pháp phòng bệnh căn cơ, lâu dài, hiệu quả và tiết kiệm nhất. Người dân không được chủ quan, cần tập trung tăng cường phòng chống dịch, đồng thời yêu cầu các địa phương tập trung công tác tuyên truyền đến từng người dân, hộ gia đình.

“Nếu người mắc SXH có các dấu hiệu cảnh báo như: Sốt cao, đau bụng vùng gan, nôn hoặc chảy máu chân răng, rong kinh hoặc có biểu hiện chân tay lạnh, tụt huyết áp... cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà, chủ quan dẫn đến nguy cơ bệnh nặng, tử vong”.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Thái

Bộ Y tế kêu gọi người dân mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt bọ gậy/loăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: Kiểm tra, phát hiện và diệt loăng quăng/bọ gậy trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy; Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...; Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng; Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt; Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt loăng quăng/bọ gậy và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch; Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà./.

Gia Bách - Hương Giang

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận