Với mong muốn đưa các kỹ thuật tiên tiến áp dụng trong điều trị các khối u não, bác sĩ Đồng Văn Hệ đã khai mở nhiều phương pháp mới, trong đó có kỹ thuật mổ não thức tỉnh tại BV Hữu Nghị Việt Đức.
Ưu điểm vượt trội của mổ não thức tỉnh
Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua là một cái Tết thật đặc biệt với vợ chồng chị N.T.H.A khi chồng chị được các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phẫu thuật thành công bằng phương pháp mổ thức tỉnh.
Chồng chị - anh Gill Manuel MachadoTeixeira phát hiện có khối u thần kinh đệm, nếu áp dụng phẫu thuật theo phương pháp gây mê hoàn toàn, người bệnh có thể gặp nguy cơ rối loạn ngôn ngữ, trầm cảm. Vì thế, PGS.TS.BS Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Chủ tịch Hội Phẫu thuật Thần kinh Việt Nam, đã lựa chọn phương pháp mổ thức tỉnh cho anh. Chỉ 1 tuần sau mổ, chồng chị hồi phục bình thường và được về nhà đón Tết đầm ấm cùng gia đình.
Mổ não thức tỉnh là phương pháp được thực hiện trên não khi người bệnh vẫn tỉnh táo và có nhận thức. Có nghĩa là trong khi bóc tách khối u cho bệnh nhân (BN), bác sĩ vừa trò chuyện, vừa hướng dẫn BN làm các động tác như giơ tay giơ chân, thậm chí yêu cầu BN đàn hát... Đây là ưu điểm vượt trội, là bước ngoặt trong phẫu thuật não, giúp loại bỏ được khối u nhiều nhất có thể ở vị trí khó mà vẫn bảo toàn được các chức năng ngôn ngữ và vận động sau mổ. BN nam SN 1964 ở Quảng Bình, là người đầu tiên được các bác sĩ Việt Nam lấy trọn khối u não bằng phương pháp thức tỉnh. Hiện, người đàn ông này khỏe mạnh, không có di chứng sau 5 năm.
BS Hệ cho biết trước đó, BN bị đau đầu, tê bì và yếu tay, đi khám phát hiện u não. Nếu không phẫu thuật, BN chịu di chứng đau đớn hoặc phải trải qua nhiều đại phẫu thuật mới có thể lấy trọn khối u. Trường hợp nếu cố gắng lấy hết khối u trong một lần, nguy cơ chạm vào dây thần kinh quan trọng hoặc di chứng, thậm chí đánh đổi tính mạng. Sau hội chẩn, bác sĩ đã quyết định mổ thức tỉnh để bảo vệ chức năng não, giúp BN làm việc và giao tiếp được sau mổ.
“Tổn thương ở trong não rất gần vùng chức năng hoặc ngay vùng chức năng. Mổ thức tỉnh nhằm tránh tổn thương vùng não chức năng nói hay vận động, giúp BN trở lại cuộc sống bình thường tốt hơn. Chính vì vậy, việc lựa chọn BN cũng rất quan trọng. BN cần can đảm, tỉnh táo để tương tác với bác sĩ trong quá trình phẫu thuật sẽ giúp bác sĩ theo dõi trực tiếp các chức năng và giảm tối đa các biến chứng cho BN. Chúng tôi phải hướng dẫn BN xem các clip để BN chuẩn bị vững vàng tâm lý và hiểu rõ những gì sẽ diễn ra và cần thực hiện những gì kíp mổ hướng dẫn BN làm theo. Việc phối hợp trò chuyện nhằm giúp bác sĩ xác định được dây thần kinh vận động, quan sát trực tiếp và xử lý lấy trọn vẹn khối u chính xác hơn, tránh được những tổn thương nghiêm trọng. Trong khi xung quanh có những tiếng động của dụng cụ dao kéo, máy móc, nếu BN hốt hoảng, sợ hãi, giãy giụa ca mổ sẽ không thể thành công”, bác sĩ Hệ chia sẻ.
Từ ca mổ não bằng phương pháp thức tỉnh thành công vào ngày 22/3/2019 cho BN người Quảng Bình nói trên, đến nay PGS.TS.BS Đồng Văn Hệ và các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức làm chủ và thực hiện hơn 40 trường hợp. Các BN đều phục hồi tốt, không có di chứng. Ông là một trong những bác sĩ đã có nhiều thành tựu trong triển khai các kỹ thuật điều trị các khối u não tại Việt Nam, mang lại cơ hội sống cho nhiều BN.
Mỗi khi tôi hỏi “điều gì khiến ông hài lòng nhất?” thì PGS.TS.BS Đồng Văn Hệ đều nói rằng: “Những điều khiến tôi hài lòng thì nhiều, ví dụ phẫu thuật nội soi, phẫu thuật ít xâm lấn, phẫu thuật não thức tỉnh. Tôi rất hài lòng khi các kỹ thuật mình triển khai tại Bệnh viện Việt Đức hầu hết là kỹ thuật mới được thực hiện đầu tiên tại Việt Nam và may mắn thành công”.
10 năm trăn trở đưa kỹ thuật về Việt Nam
Ít người biết rằng, để thực hiện thành công 1 ca mổ não thức tỉnh mất khoảng 3 giờ, bác sĩ Đồng Văn Hệ cùng ê-kíp đã mất 10 năm chuẩn bị.
Đỗ thủ khoa bác sĩ nội trú khóa 17 (năm 1989 - 1990), được sự dìu dắt của những người thầy lớn trong chuyên ngành phẫu thuật thần kinh và các chuyên gia nước ngoài đã cho ông nhiều bài học kinh nghiệm sống còn từ người bệnh. Sau đó, bác sĩ Hệ sang Pháp học tập và biết đến phương pháp mổ não thức tỉnh. Kỹ thuật mổ này đã được triển khai trên thế giới từ rất lâu với các phương tiện kỹ thuật hiện đại, có ê-kíp phẫu thuật - gây mê được đào tạo bài bản và phối hợp rất nhịp nhàng để loại bỏ các khối u, dị dạng trong não, nhằm tránh các di chứng trong phẫu thuật. “Lúc đó, tôi nghĩ mình cần phải đưa phương pháp này về Việt Nam”, bác sĩ Hệ kể.
Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ, cách đây gần 20 năm, ông đã mời các chuyên gia ở châu Âu về Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức mổ thị phạm nhưng họ đều từ chối vì nguyên nhân khách quan và chủ quan. Ông đành gác lại ước mơ, quay về phương pháp mổ truyền thống: nội soi - tức là gây mê hoàn toàn. “Kỹ thuật mổ nội soi vẫn có hạn chế là không thể can thiệp vùng u khó. Mong muốn của tôi là giữ được toàn bộ chức năng của BN, để sau mổ, họ vẫn làm việc và giao tiếp được. Bởi nếu chẳng may gặp biến chứng liệt, câm, sẽ là gánh nặng cho chính BN và gia đình họ. Điều này khiến chúng tôi trăn trở, và chưa bao giờ từ bỏ ước mơ đó”, ông bộc bạch.
Ông cho biết: Cách đây mấy năm, khi dự Hội nghị phẫu thuật thần kinh châu Á, ông gặp vị giáo sư người Nhật trình bày bài giảng về mổ não thức tỉnh thì thấy rất hứng thú vì đúng kỹ thuật mình đã từng ấp ủ. Chúng tôi đã cử ê-kíp sang Nhật Bản để được đào tạo. Các chuyên gia của Nhật Bản cũng sang Việt Nam 3 lần. Lần đầu là kiểm tra các khâu chuẩn bị. Lần 2 kiểm tra lại một lần nữa và các chuyên gia mổ, chúng tôi phụ mổ. Lần 3 thì chúng tôi mổ và các chuyên gia đứng quan sát. “Khi thành công chúng tôi rất vui mừng, rất khó diễn tả thành lời vì mình đã trải qua thất bại và hành trình dài chuẩn bị rất tỉ mỉ từ con người, trang thiết bị, đào tạo, huấn luyện BN”, PGS.TS Đồng Văn Hệ chia sẻ.
Không riêng kỹ thuật mổ não thức tỉnh, bác sĩ Đồng Văn Hệ còn là người thực hiện các kỹ thuật tiên tiến khác, điều trị thành công nhiều trường hợp u não phức tạp, giúp người bệnh trở về với cuộc sống bình thường. Vị bác sĩ nổi tiếng trong phẫu thuật thần kinh luôn tri ân những người thầy lớn bằng việc cố gắng nâng cao trình độ, cập nhật những kiến thức tiên tiến để mong điều trị tốt nhất cho người bệnh.
"Tôi may mắn có những người thầy lớn như thầy Tôn Thất Bách, thầy Nguyễn Thường Xuân, thầy Dương Chạm Nguyên, thầy ở Pháp và Nhật cũng như các thầy ở Trường Đại học Y Hà Nội và các giáo sư người nước ngoài. Mỗi người thầy lại cho tôi rất nhiều bài học và hỗ trợ tôi trong những lúc sống còn của người bệnh. Có sự tư vấn, trợ giúp của các thầy khiến tôi tự tin lên rất nhiều”, PGS.TS Đồng Văn Hệ bày tỏ: “Phẫu thuật thần kinh là một lĩnh vực khó trong ngoại khoa với áp lực rất lớn. Mình làm việc ở bệnh viện tuyến cuối - nơi mà rất nhiều BN tin tưởng, đặt niềm hy vọng cuối cùng nên càng áp lực. Nhưng chúng tôi cũng may mắn khi có mối quan hệ quốc tế rất rộng. Nếu có ca bệnh khó thì đã có những giáo sư và những người thầy trợ giúp”.
Hơn 40 năm gắn bó với công việc khám chữa bệnh cứu người, giờ đây, với cương vị Chủ tịch Hội Phẫu thuật Thần kinh Việt Nam, PGS.TS Đồng Văn Hệ luôn tìm thấy niềm vui trong công việc. Ông ví phòng mổ của mình là nơi "tái sinh" những bộ não và nếu đã chọn thì luôn xem BN như người nhà để chữa trị. Bởi mỗi một ca bệnh là một bài học, một cơ hội trau dồi nghề nghiệp và y đức; và mỗi ngày được gặp thêm những con người mới dù họ làm nghề gì nên cuộc sống không vô vị./.
Hương Giang