Bệnh sán dây lợn đã xuất hiện trên 55 tỉnh, thành nhưng gần đây, vụ việc hàng loạt các cháu nhỏ ở Thuận Thành, Bắc Ninh được phát hiện dương tính với ấu trùng sán lợn khiến nhiều người lo ngại nguy cơ tiềm ẩn mắc căn bệnh này.
Sán lợn lây lan như thế nào?
Vụ việc đồng loạt trẻ ở Bắc Ninh được đưa đến Hà Nội xét nghiệm sán lợn và có kết quả dương tính đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng. Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế cho rằng đây không phải là một bệnh cấp tính và không nghiêm trọng như báo chí phản ánh.
Theo Ths.Bs Đặng Thị Thúy, phụ trách khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, sán lợn là một loại ký sinh trùng có chu trình phát triển tự nhiên mà vật chủ chính là con lợn và một số vật nuôi. Khi lợn nhiễm sán thải phân có chứa đốt sán hoặc trứng sán ra môi trường (đất, nước, thực phẩm…) khiến người bị nhiễm sán do ăn phải thực phẩm bẩn hoặc thức ăn chưa nấu chín có nhiễm đốt sán hoặc ấu trùng sán dây lợn. Khi thâm nhập vào cơ thể người, ấu trùng sán lợn phát triển thành sán trưởng thành trong đường ruột và người sẽ tiếp tục thải đốt sán, trứng sán qua phân. Ấu trùng sán lợn vào đường tiêu hóa có thể chui qua thành ruột và chu du trong hệ tuần hoàn, sau đó di chuyển gây bệnh tại một số các cơ quan như não, mắt, cơ... Tùy vị trí tổn thương và lượng ấu trùng sán di chuyển thì nó có biểu hiện bệnh khác nhau. Chẳng hạn, tại não thì có biểu hiện liên quan đến hệ thần kinh trung ương như động kinh, co giật hay ảnh hưởng đến trí nhớ, đau đầu, liệt…; Tại mắt, thì có thể ảnh hưởng đến thị lực, nhìn mờ, để lâu có thể dẫn đến mù; Còn trên cơ thì các ấu trùng sán giống như trong sán lợn gạo với rất nhiều nốt sán trên da.
Bác sĩ Thúy cho biết, bệnh giun sán có biểu hiện lâm sàng khá thầm lặng, không phải BN nào cũng có biểu hiện hay biến chứng tại các cơ quan như não, gan, cơ, mắt. Nếu nhiễm sán lâu ngày không được tẩy trong đường ruột, hậu quả đầu tiên ảnh hưởng đến việc hấp thu dinh dưỡng và ảnh hưởng tới phát triển thể chất (chẳng hạn trẻ nhỏ ăn vào vẫn còi cọc, thiếu máu, chậm lớn...).
“Như vậy, người chỉ là vật chủ ngẫu nhiên của loài sán này. Đây không phải là bệnh cấp tính mà nó có quá trình. Khi phát hiện ấu trùng sán di chuyển đến các cơ quan, nếu không được điều trị, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe từ mức độ nhẹ đến mức độ nặng, tùy số lượng nang sán”, bác sĩ Thúy cho hay.
Các chuyên gia y tế cũng chỉ ra rằng, việc mắc bệnh sán lợn liên quan đến tập quán ăn uống, môi trường. Người bị nhiễm sán lợn khi ăn phải nang sán có trong thịt chưa nấu chín kỹ, thịt sống, rau sống, thịt tái… Vụ việc xảy ra ở Bắc Ninh không phải bệnh dịch, không phải ngộ độc thực phẩm và không phải bệnh cấp tính, mà là bệnh thường gặp ở các nước nhiệt đới. Nhiễm sán dây lợn là bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi.
“Ở đây chúng tôi thường xuyên tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân không chỉ sán lợn mà còn các bệnh về giun sán khác như sán lá gan, sán chó…, giun đũa chó mèo, giun móc, giun tóc, giun kim… Điều đáng nói, có những bệnh nhân đi chữa khắp nơi mà những biểu hiện cứ tái đi tái lại do không điều trị đúng nguyên nhân và bệnh thường bị bỏ quên do đến không đúng chuyên khoa”, bác sĩ Thúy lưu ý.
“Dương tính chưa chắc đã bị bệnh”
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), chu trình phát triển của sán lợn là sán trưởng thành nằm trong ruột người, rồi đẻ ra trứng và xuất hiện trong phân người. Nếu điều kiện vệ sinh kém, trứng sẽ nhiễm vào nguồn nước/rau, nếu rửa không sạch. Trứng từ đó vào cơ thể người nếu ăn rau sống, thức ăn nấu chưa chín, hoặc uống nước chưa đun sôi và tạo ra các ấu trùng. Ở lợn, ấu trùng có trong thịt (lợn gạo), còn ở người, ấu trùng tạo ra các nang có thể chạy vào não, cơ, mắt...
“Việc sàng lọc bằng xét nghiệm máu chỉ phát hiện kháng thể và kháng nguyên của ấu trùng sán lợn trong huyết thanh. Nếu kết quả xét nghiệm máu dương tính, chỉ khẳng định là có phơi nhiễm ấu trùng, mà nhiễm ấu trùng là do ăn uống phải nguồn nước, rau sống chứa trứng sán, chứ không phải do ăn thịt lợn chứa ấu trùng. Để khẳng định do ăn thịt lợn gạo mà bị bệnh sán (trưởng thành) thì phải lấy mẫu phân làm xét nghiệm xem có thấy đốt sán trưởng thành hay không, lúc đó mới khẳng định các cháu bị bệnh sán trưởng thành, chứ không phải bị bệnh do nhiễm ấu trùng”, PGS Cường khẳng định.
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, nếu bị bệnh sán trưởng thành (tìm thấy đốt sán trong phân) thì sẽ dùng thuốc tẩy sán praziquantel 15-20mg/kg cân nặng, uống liều duy nhất. Điều trị bệnh ấu trùng sán lợn (bị ở não, dưới da) tức là phải có triệu chứng, thì sẽ kéo dài hơn: Praziquantel 30mg/kg/ngày x 15 ngày x 2-3 đợt (mỗi đợt cách nhau 10-20 ngày). |
PGS Cường cũng cho biết thêm, từ trước đến nay xét nghiệm chẩn đoán sán lợn thường chỉ làm cho người có nguy cơ hoặc triệu chứng, như bệnh nhân bị động kinh không rõ nguyên nhân, hay bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa, rối loạn hấp thu, bệnh nhân nghi ngờ ấu trùng sán não, khi bị các nốt dưới da... thì phải làm nhiều xét nghiệm khác để khẳng định. Nếu chỉ dương tính mà không có triệu chứng thì không nguy hiểm cho sức khỏe cũng như cộng đồng, vì bản chất bệnh lưu hành lẻ tẻ.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho hay, không chỉ ở Bắc Ninh mà còn ở rất nhiều tỉnh, thành phố có người mắc sán, giun và ký sinh trùng đường ruột. Nhiều nước có khí hậu giống nước ta như Thái Lan, Indonesia… cũng có người mắc phải. Việc điều trị không khó khăn, thuốc điều trị không đắt. Đối với ấu trùng sán quá trình điều trị có thể sẽ kéo dài hơn.
Theo số liệu được báo cáo của các cơ sở điều trị đến nay, có ít nhất 55 tỉnh, thành có trường hợp bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn. Để chủ động phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện ăn chín uống sôi, chế biến hợp vệ sinh. Ấu trùng sán lợn sẽ chết khi được đun nấu kỹ. Người dân không nên sử dụng thịt lợn ốm để chế biến thực phẩm. Không ăn thịt lợn tái, chưa nấu chín, nem chua sống, (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn). Người có sán trưởng thành trong ruột nhất thiết phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi ra môi trường tự nhiên.
|
|