Dự kiến 490.600 liều vaccine '5 trong 1' đủ sử dụng từ 1 đến 2 tháng tới

PGS.TS Dương Thị Hồng cho biết, 490.600 liều vaccine '5 trong 1" do Chính phủ Australia viện trợ đủ sử để dụng từ 1-2 tháng tới.

 

Chiều 15/12, thông tin với báo chí tại cuộc họp báo của Bộ Y tế, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, Bộ Y tế đã thông báo kế hoạch tiếp nhận và tiêm chủng 490.600 liều vaccine DPT-VGB-Hib (SII) do Chính phủ Australia viện trợ. Tối ngày 15/12/2023, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sẽ nhận số vaccine này tại sân bay Nội Bài và thực hiện kế hoạch phân bổ cho 63 tỉnh, thành phố tổ chức tiêm chủng vaccine 5 trong 1 từ tháng 12/2023. Dự kiến số vaccine này đủ sử dụng từ 1-2 tháng tới.

Theo bà Hồng, căn cứ nhu cầu theo đề xuất và thực tiễn triển khai của 63 tỉnh/thành phố, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch phân bổ vaccine theo nhu cầu và hướng dẫn các địa phương triển khai theo thứ tự ưu tiên.

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. (Ảnh: Bộ Y tế)Thứ nhất, ưu tiên vaccine được phân bổ để tiêm chủng trẻ chưa được tiêm mũi 1 vaccine 5 trong 1. Ưu tiên trước cho trẻ có nhóm tuổi nhỏ nhất từ 2 tháng tuổi trước rồi mới đến những trẻ có tháng tuổi lớn hơn bao gồm cả những trẻ trên 12 tháng tuổi.

Thứ hai, là tiêm trả mũi 2, mũi 3 cho những trẻ chưa đuợc tiêm đủ 3 mũi vaccine 5 trong 1 bao gồm cả trẻ trên 12 tháng tuổi.

“Với số lượng vaccine được Chính phủ Australia hỗ trợ, các địa phương sẽ triển khai theo thứ tự ưu tiên nêu trên và Chương trình Tiêm chủng mở rộng sẽ cấp vaccine phù hợp với số đối tượng trẻ tại các tỉnh/thành phố. Vaccine sẽ được cung ứng tới 63 tỉnh/thành phố đặc biệt cho các tỉnh miền múi, vùng sâu vùng xa”, PGS.TS Dương Thị Hồng nhấn mạnh.

Chương trình Tiêm chủng mở rộng do Nhà nước chi trả toàn bộ được triển khai trên toàn quốc. Tới nay đã có 10 loại bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm được sử dụng vaccine miễn phí cho trẻ em và phụ nữ có thai bao gồm vaccine phòng bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib, bại liệt, sởi, rubella và viêm não Nhật Bản.

Ngoài nguồn mua theo hình thức hoạt động của Dự án, vaccine được hỗ trợ tư Tổ chức GAVI và các tổ chức nước ngoài khác viện trợ... Trong những năm gần đây, sự hỗ trợ nguồn lực từ GAVI và các tổ chức quốc tế có sự chuyển dịch cách thức hỗ trợ do Việt Nam nằm ngoài danh sách các nước có thu nhập thấp, kinh tế kém phát triển, một số loại vaccine viện trợ cần phải đối ứng sau khi tiếp nhận. Đây là nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu vaccine trong TCMR thời gian qua.

Để giải quyết căn cơ, lâu dài, năm 2024, Bộ Y tế đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu sửa đổi Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng, trong đó cho phép bố trí ngân sách trung ương để đảm bảo kinh phí mua vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng. Theo đó, dự kiến hoàn thành trong tháng 1/2024.

Đồng thời, hoàn thành việc mua sắm các vaccine đặt hàng trong nước (10 loại) trong tháng 12/2023 theo số lượng tỉnh, thành phố đề xuất nhu cầu đến tháng 6/2024, để đảm bảo hoạt động cung ứng vaccine năm 2024 trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Nếu được giao ngân sách sớm hơn, Bộ Y tế sẽ sớm tiến hành đặt hàng hoặc đấu thầu mua sắm vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng theo đúng quy định của pháp luật./.

Hương Giang

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận