HIV không chỉ là bệnh truyền nhiễm mà còn là vấn đề y tế công cộng của mỗi quốc gia và toàn cầu. Để chấm dứt HIV/AIDS vào năm 2030, cần sự vào cuộc của cộng đồng và hệ thống chính trị.
Số người nhiễm HIV ngày càng trẻ hóa
Theo Ths Bùi Hoàng Đức, Phó trưởng phòng Phòng Giám sát và Xét nghiệm, Cục Phòng chống HIV/AIDS, mặc dù từ năm 2007 đến nay số ca nhiễm HIV mới có xu hướng giảm, tuy nhiên trong 9 tháng năm 2023, số ca phát hiện mới ghi nhận trên 10.000 người, trong đó số tử vong báo cáo trong 9 tháng năm 2023 là 1.126 người. Số phát hiện HIV mới năm nay tập trung ở các tỉnh phía Nam, trong đó ở khu vực ĐBSCL, Đông Nam bộ và TP.HCM chiếm 60%.
“Trong mấy năm gần đây, những tỉnh được ghi nhận là bình yên và ít được nhắc đến trên bản đồ dịch tễ học về HIV/AIDS như Bình Liêu lại ghi nhận những ca mắc mới tăng từ 2020 - 2022. Và tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long cũng như vậy. Một trong những điểm đáng lo ngại nữa là hiện nay tỷ lệ nam giới trong số người nhiễm HIV gia tăng và trẻ hóa. Cụ thể, nam giới chiếm đến 80% tổng số mắc mới từ năm 2020 đến hiện tại. Và người nhiễm HIV ở nhóm tuổi 16 - 29 tăng từ 37,2% năm 2019 lên gần 50% năm 2022.
Các chuyên gia cũng lo ngại khi đường lây truyền HIV đã có sự thay đổi. Nếu như trước đây ghi nhận lây truyền chủ yếu qua đường tiêm chích ma túy, thì hiện nay đường lây truyền qua quan hệ tình dục là chủ yếu. Đặc biệt, ở nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới) có xu hướng tăng rõ rệt và trẻ hóa. Cụ thể, năm 2011 ghi nhận tỷ lệ này là 4% ở một vài tỉnh trọng điểm, thì hiện tại đã ghi nhận tăng lên trên 10% liên tục từ năm 2017 đến nay”, ông Bùi Hoàng Đức nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, hiện nay, tình hình dịch tễ ở nước ta có sự thay đổi đáng kể, nguy cơ gia tăng tỷ lệ nhiễm HIV qua đường quan hệ tình dục. Đặc biệt là hành vi nguy cơ của nhóm nguy cơ cao ngày càng phức tạp như sử dụng ma túy tổng hợp, sử dụng chemsex (sử dụng chất khi quan hệ tình dục), quan hệ tình dục tập thể… Cục Phòng chống HIV/AIDS đang tập trung theo dõi 3 nhóm nguy cơ cao (nghiện chích ma túy, mại dâm và MSM). Bên cạnh đó, kỳ thị, phân biệt đối xử cũng là vấn đề ưu tiên trong việc truyền thông hiện nay. Đây cũng là rào cản khiến người nhiễm HIV chưa được tiếp cận y tế để chăm sóc và điều trị.
“Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”
PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) bày tỏ: Chủ đề Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 được chọn là: “Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030” mang nhiều ý nghĩa. Cộng đồng ở đây bao gồm các bộ, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội, đặc biệt là các nhóm cộng đồng đích gồm người nhiễm HIV và có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV như: Nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ, người sử dụng ma túy, người mại dâm, bạn tình của các nhóm trên.
“Cần có những cách làm sáng tạo vì sự hiểu biết của chúng ta về HIV/AIDS đã có nhiều thay đổi, tình hình dịch HIV cũng đã có những thay đổi, cách tiếp cận cũng như can thiệp liên quan đến dự phòng, điều trị HIV/AIDS cũng đã thay đổi. Chúng ta có nhiều công cụ có hiệu quả hơn để can thiệp cũng như kiểm soát đại dịch này. Chủ đề này cũng muốn khẳng định lại quyết tâm của Việt Nam sẽ kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030”, bà Thu Hương bày tỏ.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Phó Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm: HIV không chỉ là một bệnh truyền nhiễm mà còn là vấn đề y tế công cộng của mỗi quốc gia và toàn cầu. Năm nay đánh dấu mốc tròn 40 năm thế giới tìm ra virus HIV. Việt Nam đã trải qua 33 năm ứng phó với đại dịch HIV với gần 250.000 người nhiễm HIV. Biết bao thăng trầm, cảm xúc bởi khủng hoảng do HIV gây ra đã tác động không nhỏ đến kinh tế-xã hội và sự phát triển của đất nước.
“Nếu như không có sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, sự lãnh đạo của Đảng, Chính quyền các cấp, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, của nhân dân và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế thì bây giờ Việt Nam đã có gần 1,2 triệu người nhiễm HIV và 320.000 người tử vong do AIDS”, Bộ trưởng Hồng Lan nhấn mạnh.
“Chúng ta đã được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, kết quả phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam đang là điểm sáng trên bản đồ phòng, chống HIV/AIDS thế giới. Chúng ta hãy cùng nhau cam kết, chung tay hành động ngay và luôn, mỗi hành động của chúng ta, dù nhỏ nhất cũng có thể góp phần kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030”.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan
|
Hàng loạt các Chỉ thị của Ban Bí thư, Luật Phòng, chống HIV/AIDS và các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, tạo hành lang, pháp lý cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS được thuận lợi, dễ dàng thực hiện. Bộ Y tế đã cùng các bộ, ngành và các địa phương trên cả nước tiếp tục triển khai mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo hướng tiếp cận toàn diện:
Cung cấp dịch vụ từ dự phòng, xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS. Mở rộng độ bao phủ các dịch vụ HIV có chất lượng. Huy động nguồn tài chính trong nước cho phòng, chống HIV/AIDS đặc biệt là Quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho các dịch vụ về điều trị HIV/AIDS. Nhiều mô hình, sáng kiến về cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS được nghiên cứu, áp dụng và triển khai phù hợp với bối cảnh dịch HIV có nhiều thay đổi ở Việt Nam.
Bà Ramla Khalidi, Quyền Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho biết, chủ đề “Hãy để cộng đồng dẫn dắt” nhấn mạnh vai trò vô cùng quan trọng của cộng đồng những người sống với HIV, người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV và chịu ảnh hưởng bởi HIV. Thông qua việc trao quyền và huy động sự tham gia mạnh mẽ của các cộng đồng và để cộng đồng có thể thoải mái chia sẻ những nhu cầu, khó khăn cũng như đề xuất giải pháp và cùng tham gia hành động, chúng ta sẽ đạt được những bước tiến lớn hơn và nhanh hơn nữa trong việc thực hiện mục tiêu chung về không để người dân nào bị bỏ lại phía sau trong đáp ứng với HIV.
“Nhờ duy trì liên tục vai trò lãnh đạo, cam kết và các hành động mạnh mẽ trong phòng, chống HIV, Việt Nam đã thành công trong việc đẩy mạnh hơn nữa việc đưa vào thí điểm và triển khai mở rộng các sáng kiến mới lấy con người làm trung tâm, nhằm cải thiện hơn nữa tiếp cận đến các dịch vụ phòng, chống HIV. Có thể kể đến đề án cấp phát thuốc methadone nhiều ngày, sáng kiến phân phát test để tự xét nghiệm HIV qua trang web, cấp phát thuốc ARV nhiều ngày và tốc độ mở rộng rất ấn tượng độ bao phủ dịch vụ dự phòng HIV trước phơi nhiễm (PrEP).
Việc nhanh chóng triển khai các sáng kiến này đồng thời tiếp tục mở rộng các dịch vụ có tác động lớn trong phòng, chống dịch đã mang lại những kết quả to lớn trong việc đưa người có HIV vào điều trị và giữ cho những người đang điều trị HIV có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế để họ không làm lây truyền HIV sang người khác, và giảm số người nhiễm mới HIV. Việt Nam đã không thể đạt được những thành quả này nếu thiếu cam kết chính trị và vai trò lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ trong phòng chống HIV”, bà Ramla Khalidi nhấn mạnh.
“Chúng ta sẽ cần nỗ lực nhiều hơn nữa, từ tất cả các bên liên quan, cũng như cần đảm bảo đủ nguồn lực về con người và tài chính để đẩy nhanh tiến độ phòng, chống HIV và đạt được các mục tiêu đề ra đến năm 2025. Như vậy, Việt Nam mới có thể tiếp tục đi đúng hướng trong việc thực hiện mục tiêu về chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”.
Bà Ramla Khalidi, Quyền Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam
|
Lưu Hường