Vậy làm cách nào để không phải đợi tới dịp này hàng năm, người dân mới được nhớ tới trách nhiệm với bản thân mỗi khi tự mua và dùng thuốc? Đây cũng là trăn trở của TS. BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam khi trao đổi với PV VOV Giao thông.
PV: Trước hết xin ông cho biết những hậu quả nghiêm trọng của việc kháng thuốc mà bệnh nhân phải đối mặt, nếu vẫn duy trì thói quen sử dụng thuốc chưa đúng cách hiện nay của một bộ phận người dân?
TS. BS Trương Hồng Sơn: Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới thì hiện nay mỗi năm có hàng triệu người tử vong do kháng thuốc, cụ thể là khoảng 1,4 triệu trẻ em và phải chi hàng tỷ đô la cho vấn đề này.
Nếu tính số người tử vong trên toàn cầu thì khoảng 700.000 người tử vong, trong đấy khoảng một phần ba, tức khoảng 230.000 người chết vì lao đa kháng thuốc. Đặc biệt con số này có thể tăng lên gấp 10 lần vào năm 2050 nếu không có hành động cụ thể.
Hiện nay Việt Nam đang nằm trong quốc gia có thu nhập thấp và chi tiêu về y tế là một trong những chi tiêu lớn, và trong đấy khoảng một phần ba là chi cho mua thuốc kháng sinh. Hiện trên thị trường có rất nhiều loại kháng sinh khác nhau. Kháng sinh là một trong những thuốc sử dụng khá thường xuyên, khoảng 50% trong tổng số các kê đơn ở bệnh viện liên quan đến kháng sinh.
Kháng kháng sinh làm giảm tính thấm của thuốc, thay đổi các đích tác động của thuốc hoặc là nó có thể ảnh hưởng đến vấn đề về thay đổi trao đổi chất.”
PV: Được biết Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về phòng chống kháng thuốc giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhằm kéo giảm tình trạng kháng thuốc. Theo ông để chiến lược này thực sự hiệu quả, cần có những hành động cụ thể nào?
TS. BS Trương Hồng Sơn: Để làm được vấn đề này thì có rất nhiều hoạt động cần làm.
Thứ nhất, đối với quan điểm của người dân thì hiện nay vẫn đang lạm dụng kháng sinh khá nhiều so với các quốc gia, chẳng hạn người dân sẽ nghĩ rằng kháng sinh cũng như một thuốc thông thường, ra hiệu thuốc có thể mua rất đơn giản.
Thứ hai, vấn đề phổ biến tuyên truyền, giáo dục về sử dụng thuốc an toàn cần phải đẩy mạnh lên.
Thứ ba, việc giám sát chặt chẽ chất lượng thuốc. Bởi vì hiện nay trên thị trường những thuốc kém và thuốc giả khá nhiều. Chúng ta cũng thấy nghiên cứu về kháng thuốc hiện nay chúng ta vẫn chưa có nhiều. Vì vậy cũng phải đẩy mạnh các nghiên cứu về vi khuẩn đa kháng thuốc.
Điểm cuối cùng là biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng.”
PV: Vấn đề kháng thuốc không riêng của Việt Nam mà của cả thế giới, bởi một đất nước chịu ảnh hưởng tiêu cực có thể kéo cả hệ thống y tế thế giới chịu tác động theo. Ông có thể chia sẻ về kinh nghiệm thế giới đã áp dụng thành công trong công tác ngăn ngừa tình trạng kháng thuốc?
TS. BS Trương Hồng Sơn: Không riêng Việt Nam mà rất nhiều quốc gia cũng phải đối diện với vấn đề này. Hiện chưa đến 50% các quốc gia đã triển khai chính sách cơ bản về sử dụng thuốc.
Thứ nhất, ở các nước người ta tập trung vào xây dựng hệ thống giám sát để báo cáo trường hợp kháng thuốc. Cái này rất quan trọng, bởi khi chúng ta nhìn được tình hình thì có thể có giải pháp.
Thứ hai, quản lý việc bán thuốc kháng sinh. Hiện nay chính sách chúng ta đã có đủ nhưng thực thi chưa đầy đủ. Ở các nước thì không có chuyện tự ra đấy mà mua kháng sinh được. Bởi vì nếu không bán theo đơn thì nhà thuốc ngay lập tức bị xử lý và xử lý lần hai, ba là người ta sẽ bị thu giấy phép.
Cái ý thứ ba mà các nước hiện nay áp dụng là người ta có luật để kiểm soát tất cả những khía cạnh sản xuất, cấp phép và phân phối thuốc kháng sinh sử dụng cho động vật, nếu người ta lách luật thì người ta nhập về cho động vật nhưng cuối cùng sử dụng cho người. Hoặc là vấn đề tồn dư trên động vật cũng có thể gây ra tình trạng kháng thuốc.
Và thứ tư ở các nước người ta sẽ áp dụng hệ thống toàn diện để đảm bảo tuân thủ các quy định quản lý dư lượng thuốc kháng sinh vào môi trường, tức là bất cứ kháng sinh sử dụng ở đâu, nhưng nếu sử dụng ở trong môi trường, ví dụ chăn nuôi, thức ăn động vật hoặc trong môi trường thông thường này thì tất cả những cái đấy đều gây ảnh hưởng đến vấn đề kháng kháng sinh.”
PV: Xin cảm ơn ông.
Xuân Tú thực hiện/VOVgiaothong.vn