Tại buổi truyền thông về các rối loạn học tập ở trẻ em do Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia - Bệnh viện Bạch Mai, tổ chức chiều 20/11, bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến, Phòng tâm thần Nhi - Thanh thiếu niên, Viện Sức khỏe tâm thần cho biết, rối loạn học tập là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến thành tích học tập kém. Đây là một rối loạn phát triển, khởi phát trong giai đoạn giáo dục bình thường.
Các rối loạn học tập ở trẻ được mô tả là không đạt được kết quả tốt trong các lĩnh vực học tập. Các rối loạn học tập bao gồm rối loạn đọc, rối loạn viết, rối loạn tính toán. Rối loạn đọc là khó khăn trong việc đọc, đánh vần, nói và nghe; Rối loạn viết là khó khăn trong việc viết; Rối loạn tính toán là khó khăn trong lĩnh vực lý luận toán học và tính toán. Tuy nhiên, đến nay rối loạn học tập của trẻ em vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều người vẫn quan niệm, trẻ chậm đọc hay viết là vấn đề bình thường, đến độ tuổi nào đó sẽ hết. Nhưng gần đây, trong số nhiều bệnh nhân tới khám tại Viện do gặp các vấn đề về kỹ năng, các bác sĩ đã ghi nhận một số trường hợp đã mắc rối loạn học tập.
Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến, rối loạn đọc phổ biến nhất, chiếm 80% những người được xác định có khuyết tật học tập, với tỷ lệ khoảng 10-36% trẻ tuổi đi học, 3-12% dân số, thường ở trẻ trai. Còn rối loạn tính toán thường xảy ra ở 5-8% trẻ. Ngoài ra, 53% trẻ em bị khuyết tật đọc cũng bị khuyết tật toán học, trong khi 46% trẻ em bị khuyết tật toán học cũng bị khuyết tật về đọc.Rối loạn đọc cũng có khả năng di truyền cao. Tuy nhiên, hiện chưa có thuốc nào được phê duyệt để điều trị rối loạn này. Phương pháp điều trị là sử dụng các biện pháp liệu pháp nhận thức - hành vi; tâm lý động; nhận thức phân tích; nghệ thuật; kịch; âm nhạc; liệu pháp gia đình - hệ thống…
Tiến triển của rối loạn học tập có thể kéo dài, ngoài lứa tuổi trẻ em có thể kéo dài đến tuổi vị thành niên, có người đến tuổi trưởng thành. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh sẽ nặng hơn và có thêm các rối loạn khác. Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh nên quan tâm và theo sát con khi con bắt đầu đi học để sớm phát hiện những bất thường của trẻ (nếu có) và đưa trẻ tới cơ sở y tế chuyên môn để thăm khám và điều trị kịp thời. Tùy vào từng loại rối loạn, sẽ có phương pháp điều trị cụ thể.
Tiêu chuẩn để chẩn đoán
Theo các bác sĩ, khi trẻ gặp khó khăn trong việc học và sử dụng các kỹ năng học tập, hiện diện của ít nhất 1 trong các triệu chứng sau ít nhất 6 tháng, mặc dù đã can thiệp, cụ thể: Đọc từ không chính xác hoặc chậm và tốn nhiều công sức (ví dụ: đọc to các từ đơn một); Khó hiểu ý nghĩa của những gì đọc (ví dụ: có thể đọc chính xác văn bản nhưng không hiểu trình tự); Khó khăn về chính tả (ví dụ: có thể thêm, bớt các nguyên âm hoặc phụ âm); Khó khăn với cách diễn đạt bằng văn bản (ví dụ: mắc nhiều lỗi ngữ pháp); Khó khăn trong việc nắm vững ý nghĩa số, các dữ kiện về số hoặc phép tính (ví dụ: hiểu kém về các con số); Khó khăn với lập luận toán học (ví dụ: gặp khó khăn nghiêm trọng trong việc áp dụng các khái niệm).
|
L.H