Hành trình tìm lại âm thanh cho bệnh nhân điếc

Phương pháp cấy điện cực ốc tai như là phép màu trong y học đối với các bệnh nhân khiếm thính, giúp họ quay trở lại cuộc sống như người bình thường...

 

Suy giảm thính lực, hay điếc trước và sau ngôn ngữ ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng sống. Việc tìm ra giải phải phù hợp giúp người bệnh tìm lại âm thanh, hòa nhập cộng đồng có ý nghĩa nhân văn cao cả.

Biến cố trong cuộc đời

Gặp Ths.Bs Hoàng Thị Phương (sinh năm 1988), Trung tâm Thính học và Tiền đình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (BV108) lúc nào cũng niềm nở, cười nói nhẹ nhàng với bệnh nhân (BN), ít ai biết chị Phương cách đây 7 năm cũng là người khiếm thính do lây quai bị từ BN của mình.

Bác sĩ Phương nhớ như in một ngày đầu tháng 3 năm 2016 - khi ấy chị là một bác sĩ trẻ, một bà mẹ trẻ của em bé mới 10 tháng tuổi, một cô gái hoạt bát, yêu ca hát. Thế nhưng, một tai nạn nghề nghiệp đã ập đến sau khi Phương khám nội soi tai mũi họng cho 1 BN quai bị chị bị nhiễm bệnh ngay sau đó một vài ngày, và suy giảm thính lực rất nhanh.

Ths.Bs Hoàng Thị Phương, Trung tâm Thính học và Tiền đình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

“Mất thính lực do quai bị không phải là một biến chứng thường gặp. Theo thống kê của một số nghiên cứu trên thế giới, tỷ lệ mất thính lực do quai bị là khoảng 1/1000. Đây là số liệu thống kê chung không đánh giá riêng ở một hay cả hai tai. Tuy nhiên đối với tôi, sau 3 ngày bị nhiễm bệnh tôi đã giảm thính lực từ tai phải sang trái rất nhanh, và vài ngày sau tôi hoàn toàn mất thính lực cả hai tai mặc dù đã được phát hiện, điều trị kịp thời bằng các phác đồ do hội chẩn nhiều chuyên khoa liên quan. Không chỉ mất thính lực hoàn toàn cả hai tai, tôi còn bị ù tai, chóng mặt và rối loạn tiền đình. Tôi không thể tự mình di chuyển ngay cả với quãng đường chỉ vài bước chân, mọi sinh hoạt luôn cần hỗ trợ của người thân”, chị Phương ngậm ngùi kể.

Để chấp nhận “điếc đột ngột” thật không dễ dàng đối với một cô gái trẻ đầy ước mơ và hoài bão với bao dự định trong nuôi dạy con cái và nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, vài ngày trước đó, bác sĩ Phương còn cảm thấy thật sự hạnh phúc và tràn đầy năng lượng khi đoạt giải Giọng ca nữ xuất sắc nhất trong Hội thi “Liên hoan văn nghệ quần chúng năm 2016” của BV108.

“Lúc bị điếc, tôi cảm thấy cánh cửa cuộc đời như khép lại, thật bế tắc, thật phũ phàng. Thời gian đầu, tình trạng bệnh lý của tôi vẫn không có gì tiến triển. Sau gần 2 tháng điều trị tôi mới có thể vin tường bước đi thật chậm nhờ hỗ trợ của người thân. Sau đó, tôi gửi con cho ông bà nội chăm sóc để gia đình ngoại và chồng đưa đi châm cứu ròng rã 3 tháng trời với hy vọng có cơ hội hồi phục thính lực. Trong quãng thời gian này, tôi đã tiếp xúc với những người bệnh khác, nhất là những trẻ em khiếm thính, những em bé vừa khiếm khuyết cả thính lực lẫn trí tuệ và thể chất. Dù tôi không thể nghe để hiểu rõ cuộc đời của họ nhưng mỗi khi bắt gặp ánh mắt lo lắng, bất lực hay những gương mặt mệt mỏi, đau đớn của rất nhiều hoàn cảnh éo le, tôi luôn thấu hiểu và đồng cảm sâu sắc.

Ekip phẫu thuật cấy điện cực ốc tai cho BS Phương tại BV TWQĐ 108.

Ekip phẫu thuật cùng chuyên gia vui mừng sau ca phẫu thuật cấy ĐCOT cho bác sĩ Phương thành công.

Những lúc ấy, tôi chỉ cầu mong có một phép màu nào đó, dù rất nhỏ có thể giúp đôi tai mình và của mọi người hồi sinh trở lại để có thể bù đắp những tổn thương, vất vả, thiệt thòi, hụt hẫng đang hiện hữu xung quanh. Và chính thời điểm ấy, Ban lãnh đạo BV108 cho phép Khoa Tai Mũi Họng phối hợp với chuyên gia nước ngoài triển khai kỹ thuật cấy điện cực ốc tai (cấy ĐCOT) - đây là biện pháp tối ưu nhất giúp cho những trường hợp khiếm thính tái hòa nhập cộng đồng. Và tôi may mắn là BN đầu tiên được áp dụng thành công tại BV108 vào tháng 9/2016”, chị Phương chia sẻ.

Phép màu với bệnh nhân khiếm thính

Mất thính lực, điếc còn ảnh hưởng tới giọng nói, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng sống, khả năng giao tiếp xã hội, năng suất lao động. Đặc biệt, mất thính lực ở trẻ nhỏ là trở ngại vô cùng lớn trong học tập, nhận thức, trí tuệ. Từ đó, trẻ rất dễ bị cô lập, khó hòa nhập và trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Cấy ĐCOT là phẫu thuật đặt một thiết bị có khả năng biến những âm thanh thành các tín hiệu điện thông qua các điện cực đặt bên trong ốc tai, từ đó các tín hiệu này được chuyển đến các tế bào của hạch xoắn rồi theo dây thần kinh thính giác đến vỏ não. Không giống như máy trợ thính chỉ giúp khuếch đại âm thanh, ĐCOT có khả năng bỏ qua những tổn thương ở các bộ phận tai trong và truyền tín hiệu âm thanh đến não bộ.

BS Phương tư vấn cho bệnh nhân.“Vẫn biết là sau phẫu thuật BN cần phải học nghe, học nói vì mất tín hiệu âm thanh thì giọng nói cũng bị ảnh hưởng. Vẫn biết trước kia, mình nghe bằng âm thanh sinh học, thì giờ mình nghe bằng âm thanh điện học và cần đủ thời gian thì ĐCOT mới phát huy rõ hiệu quả. Tuy nhiên, sau khi ê-kip thông báo ca cấy ĐCOT của tôi thành công mỹ mãn, các thầy, các y bác sĩ, gia đình và người thân đều mừng rỡ trào nước mắt. Vào ngày bật máy sau phẫu thuật 1 tháng, mọi người ghé vào tai tôi nói những lời chúc mừng, động viên... nhưng tôi vẫn chưa thể nghe rõ lời. Mà tất cả những âm thanh đó như một thứ tạp âm. Tôi được gia đình và đồng nghiệp quan tâm, hỗ trợ hết sức nên sớm quay trở lại công việc và đời sống mà không bị rơi vào trạng thái căng thẳng về tâm lý.

Cảm kích với những tình cảm trân quý đó, tôi nhận thấy mình càng phải nỗ lực phục hồi chức năng nghe hơn nữa. Hằng ngày tôi chăm chỉ luyện nói, tập đọc văn bản, luyện giao tiếp âm thanh, đã giúp tôi dần dần nghe nói trở lại. Sau 1 năm tai phải hồi phục thính lực trở lại, tôi lại quyết định cấy ĐCOT tai trái. Và tất nhiên, tôi lại tiếp tục hành trình luyện tập để đuổi kịp tai cấy trước”, BS Phương xúc động nói.

BS Phương luôn trăn trở là làm thế nào bằng những hiểu biết và trải nghiệm của mình để ngày càng giúp được nhiều BN suy giảm thính lực được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.Từ một người không thể nghe thấy bất cứ âm thanh nào từ môi trường cho dù âm thanh đó có cường độ lớn tới cỡ nào, nhờ cấy ĐCOT đã giúp bác sĩ trẻ được làm mẹ như bao bà mẹ khác, được quay trở lại tiếp tục làm việc với chuyên ngành Tai Mũi Họng và Thính học. Điều khiến BS Phương luôn trăn trở là làm thế nào bằng những hiểu biết và trải nghiệm của mình để ngày càng giúp được nhiều BN suy giảm thính lực được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Đơn cử, với trường hợp điếc tiếp nhận mức độ nặng sâu, không có điều kiện cấy ĐCOT, nhưng chỉ cần được đeo máy trợ thính, nghe thấy âm thanh thì cũng có thể giúp họ sang đường được an toàn. Bác sĩ Phương mong muốn tiếp tục nghiên cứu chuyên ngành Thính học để có thể giúp những đứa trẻ - thế hệ mầm non tương lai của đất nước không rơi vào nghịch cảnh gánh nặng bệnh tật. Bởi tại Việt Nam, theo thống kê của Tổng cục Dân số thì trung bình mỗi năm có khoảng 5.000 trẻ khiếm thính, trong đó hơn 50% là do di truyền (đây là một tỷ lệ rất cao). Tuy nhiên, số trẻ được phát hiện và can thiệp chỉ khoảng 10%...

Có thể nói phương pháp cấy ĐCOT như là phép màu trong y học đối với các BN khiếm thính. Bác sĩ Hoàng Thị Phương kể lại những mốc thời gian trong hành trình tìm lại âm thanh của mình mà nghẹn ngào ngấn lệ. Chị bộc bạch: “Để có ngày hôm nay là cả một hành trình với những trải nghiệm mà với tôi thật không hề dễ dàng. Tôi tự tin rằng mình đã tái hòa nhập cộng đồng thành công, có đủ tình yêu, năng lượng để trợ giúp cho những người bệnh khiếm thính, để họ có thể quay trở lại cuộc sống, hòa nhập cộng đồng như bao người bình thường khác./.

4 yếu tố chính để phẫu thuật cấy điện cực ốc tai thành công

“Từ tháng 9/2016 đến nay, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã phẫu thuật thành công cho hơn 60 bệnh nhân ở các độ tuổi khác nhau, do nhiều nguyên nhân gây nghe kém. Các BN này sau phẫu thuật thành công đều đã và đang trên hành trình tái hòa nhập cộng đồng. Để đánh giá sự thành công của phẫu thuật cấy ĐCOT phụ thuộc vào 4 yếu tố chính: Phẫu thuật viên, nhà thính học, chuyên viên phục hồi chức năng, gia đình.

Để thể hiện rõ khả năng phục hồi về thính lực cần thời gian dài ít nhất là 2 năm. Trong đó, chuyên gia thính học là người đồng hành, hỗ trợ sát sao để cùng BN đánh giá và điều chỉnh các thông số sau khi bật máy ĐCOT, giúp họ có thể nghe thấy âm thanh. Mặc dù bước đầu là thời gian để não làm quen với âm thanh điện tử sẽ gặp muôn vàn khó khăn, nhưng khi BN biết bác sĩ Phương từng là BN khiếm thính đã được hồi sinh nhờ cấy ĐCOT họ sẽ vững tâm hơn trong quá trình tìm lại âm thanh đầy gian nan”.

Ths.Bs Nguyễn Minh Ngọc, Phó Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật và Điều trị theo yêu cầu, BV108

Lưu Hường

 

Bình luận

    Chưa có bình luận