Thực hư đặt túi ngực gây ung thư?

Gần đây, thông tin mắc ung thư liên quan đến sản phẩm đặt túi ngực khiến chị em không khỏi hoang mang khi có nhu cầu nâng cấp vòng 1.

 

Việt Nam hiện chưa có báo cáo

Mới đây, Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) cảnh báo, đã có hơn 400 phụ nữ bị u lympho tế bào lớn bất sản, hay một dạng ung thư hiếm gặp do nâng ngực. Trong số đó có 9 người đã chết vì ung thư. Phần lớn các trường hợp xảy ra ở phụ nữ đặt túi nâng ngực bao xơ (túi nâng có bề mặt nhám hạt lớn). Túi nâng ngực bao xơ có bề mặt thô ráp và phát triển các mô sẹo xung quanh khu vực đặt túi để giúp giữ nó ở nguyên vị trí. Thông tin này khiến không ít chị em hoang mang, lo lắng khi có nhu cầu tân trang “vòng 1”.

PGS.TS.BS Vũ Ngọc Lâm, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình, Phụ trách Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật tạo hình hàm mặt, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, thông tin ung thư sau nâng ngực xuất phát từ cảnh báo của FDA dựa trên 1 nghiên cứu phát hiện những trường hợp ung thư tế bào lympho khổng lồ trên những phụ nữ có đặt túi nâng ngực. Trên thực tế, loại ung thư này được phát hiện lần đầu tiên năm 1997 với tỷ lệ cực kỳ thấp nên được coi là loại ung thư rất hiếm gặp. Theo báo cáo của FDA trên những phụ nữ đặt túi nâng ngực, tỷ lệ phát hiện loại ung thư này là 0,047/1.000. Còn tại Pháp, tỷ lệ ung thư tế bào lympho khổng lồ ở phụ nữ đặt túi ngực là 0.179/100.000. “Nghiên cứu cũng chỉ ra loại ung thư này chỉ gặp ở các trường hợp sử dụng túi nâng ngực có vỏ nhám thô (hạt nhám to), là loại túi gần như không lưu hành tại Việt Nam”, bác sĩ Lâm khẳng định.

PGS.TS.BS Vũ Ngọc Lâm (ngoài cùng bên trái) cùng ê-kíp thực hiện phẫu thuật đặt túi ngực tại Bệnh viện 108 (ảnh: NVCC)PGS.TS.BS Vũ Ngọc Lâm cho biết thêm, hiện nay nguyên nhân gây ung thư chưa được chứng minh rõ ràng. Có giả thuyết cho rằng, tình trạng ô nhiễm trong quá trình đặt túi tạo ra màng vi sinh vật (Biofilm) sẽ gây viêm mãn, kết hợp quá trình cọ sát của hạt nhám thô với mô xơ sẽ gây ra rối loạn và chuyển dạng ác tính tế bào miễn dịch lympho khổng lồ.

“Tại Việt Nam đến nay không có báo cáo nào về loại ung thư này, những túi ngực của các hãng đang được sử dụng phổ biến đều là loại túi trơn hoặc vỏ nhám mịn, khác các loại túi vỏ nhám thô trong các nghiên cứu phát hiện ung thư tế bào lympho khổng lồ”, bác sĩ Lâm cho hay.

Nên tư vấn kỹ trước khi đặt túi nâng ngực

Một số chị em còn băn khoăn, việc đặt túi ngực liệu có ảnh hưởng đến chức năng làm mẹ sau này cũng như việc khám và phát hiện các bệnh về ung thư vú, PGS. TS.BS Vũ Ngọc Lâm giải thích, chị em muốn làm đẹp “vòng 1” hoàn toàn an tâm, bởi nâng ngực sử dụng các loại chất liệu đúng tiêu chuẩn sẽ không ảnh hưởng đến việc khám xét, phát hiện bệnh lý của tuyến vú. Chị em hoàn toàn có thể siêu âm, chụp cộng hưởng từ, chụp CT scanner, chụp nhũ ảnh với thuốc cản quang bình thường. Có thể tiến hành sinh thiết kim nhỏ, sinh thiết dưới hướng dẫn siêu âm, phẫu thuật sinh thiết mô vú, tuy nhiên nên có sự hướng dẫn, tham gia của bác sĩ tạo hình để đảm bảo an toàn cho túi đặt phía dưới.

“Nâng ngực có thể ảnh hưởng đến việc cho con bú nếu thực hiện các phẫu thuật kết hợp như thu nhỏ đầu vú, cắt treo sa trễ, di chuyển quầng núm vú. Nâng ngực đơn thuần với các đường mổ qua đường nách, đường chân ngực (nếp lằn vú), đường quầng, sẽ không ảnh hưởng việc cho con bú. Tuy nhiên việc có con, cho con bú sau đặt túi nâng ngực có thể ảnh hưởng đến hình dáng ngực, thậm chí ảnh hưởng khoang đặt túi ngực nếu có viêm, tắc tia sữa”, PGS.TS.BS Vũ Ngọc Lâm lưu ý.

Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, chị em có nhu cầu làm đẹp để điều chỉnh về kích thước, hình dạng của tuyến vú cũng có thể lựa chọn nâng ngực, tuy nhiên cần lưu ý những vấn đề sau: Loại túi độn (túi trơn hay túi nhám; túi ngực nước biển và silicon gel). Mỗi loại túi sẽ có ưu nhược điểm khác nhau, tùy thuộc vào độ tuổi, cơ địa và hiện trạng ngực trước phẫu thuật bác sĩ sẽ tư vấn giúp bạn lựa chọn túi đặt phù hợp.

PGS.TS.BS Vũ Ngọc Lâm cũng khuyến cáo, chị em muốn làm đẹp vòng 1 cần nghe trực tiếp bác sĩ phẫu thuật tư vấn và hiểu thật rõ những cái được và mất khi thực hiện phẫu thuật: nâng ngực không phải vĩnh viễn, nguy cơ co bao, những tai biến trong phẫu thuật… Không lạm dụng hoặc đưa ra những tiêu chí không phù hợp: yêu cầu làm ngực “khủng”, khi ngực thực tế da quá mỏng, da quá căng; Tìm hiểu thật kỹ trình độ, tay nghề, tư cách pháp nhân của bác sĩ và cơ sở phẫu thuật; Không nên đặt vấn đề giá cả làm yếu tố quyết định nhất. Một phẫu thuật đảm bảo chất lượng sẽ không có giá quá rẻ; Tuân thủ tốt việc chăm sóc hậu phẫu và khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận