Phòng tránh giun sán chó mèo sang người

Bệnh giun đũa chó mèo thường bị bỏ sót do người bệnh không được khám đúng chuyên khoa

Điều trị giun đũa chó mèo phụ thuộc vào khả năng đáp ứng thuốc của người bệnh.
Bệnh dễ bị bỏ sót

Tại Khoa khám bệnh của Bệnh viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương thời gian gần đây số lượng bệnh nhân có những triệu chứng mẩn ngứa, nổi mề đay, có vết bầm tím dưới da đến khám tăng cao, trong đó 2/3 trường hợp sau khi xét nghiệm máu được xác định là nhiễm bệnh giun sán chó mèo.
Ông N.V.T 63 tuổi, quê ở huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh cách đây hơn 1 năm xuất hiện mẩn ngứa khắp người. Ông đi khám và điều trị từ bệnh viện huyện đến tỉnh, ra cả Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Da liễu Hà Nội đều được chẩn đoán là viêm da cơ địa. Tuy nhiên sau nhiều đợt điều trị, triệu trứng mẩn ngứa không đỡ mà vết mẩn ngày càng dày đặc hơn, khiến ông ngứa ngáy khó chịu, gãi sột soạt suốt ngày đêm. Nghe ai giới thiệu thuốc nam, thuốc bắc ở đâu, kể cả trong Nam ông đều đến chữa. Đến khi có người mách ông đến Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương thì ông mới được phát hiện ra bệnh. "Đến đây, các bác sĩ cho làm xét nghiệm máu, phân, nước tiểu và chụp chiếu rồi kết luận tôi bị sán chó. Sau 1 tuần điều trị, tôi thấy đỡ ngứa nhiều và ăn ngủ tốt hơn. Giờ tôi thấy yên tâm rồi". Chị N.T.H, 35 tuổi, ở huyện Yên Thành, Nghệ An, thấy xuất hiện vết bầm tím dưới da, chị đến BV huyện khám thì kết luận là xuất huyết ngoài da. Sau 10 ngày uống thuốc không đỡ, chị H lên BV tỉnh khám thì được phát hiện bị sán lá gan cộng với giun đũa chó mèo, nên được chuyển đến Bệnh viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương. 
Còn nhiều trẻ trước đó thấy nổi mẩn ngứa như mề đay. Nhưng những trẻ này lại không được chẩn đoán đúng bệnh mà thường điều trị theo hướng bệnh da liễu hoặc bệnh về máu. Chẳng hạn cháu T.B.N, 5 tuổi, ở Hà Tĩnh có triệu chứng ngứa và nổi mẩn đỏ khắp người, gia đình đưa đi khám ở BV Vinh thì được chẩn đoán nấm da và cho dùng thuốc nhưng triệu chứng vẫn không thuyên giảm. Gia đình đưa bé đi khám ở Trung tâm Phòng chống Sốt rét - Ký sinh trùng tỉnh thì được phát hiện nhiễm sán chó nhưng không có thuốc chữa nên con anh được chuyển đến BV Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương. "Đa số trẻ đến đây mới được phát hiện nhiễm giun sán chó mèo. Thậm chí có cháu thấy chỉ số tiểu cầu có vấn đề, gia đình rất lo lắng và nghĩ đến con bị bệnh về máu. Con tôi nằm viện này điều trị nhiễm giun đũa chó mèo gần chục ngày thấy hết hẳn ngứa, đang đợi xét nghiệm để xuất viện", anh Bình, bố cháu T.B.N cho biết. 
Theo Ts.Bs Trần Huy Thọ, Trưởng Khoa Khám bệnh chuyên ngành, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, giun đũa chó mèo thường ký sinh ở động vật, người là vật chủ bị ký sinh nhầm. Do vậy, giun đũa chó mèo khi vào cơ thể người như chui vào ngõ cụt, không có chu kỳ vòng đời nên không bao giờ tìm thấy ấu trùng hay trứng giun trong người mà chỉ tìm thấy kháng thể của ấu trùng giun đũa chó mèo trong máu khi làm các xét nghiệm và các chẩn đoán chuyên khoa. Đa số khi xét nghiệm giun đũa chó mèo BN thường kèm theo triệu chứng dị ứng ngứa hoặc kèm theo bạch cầu ái toan tăng trong máu, thậm chí cho dương tỉnh giả. Vì vậy rất  dễ nhầm với bệnh khác.
"Ấu trùng giun sán chó mèo này sẽ theo đường máu di chuyển tới các bộ phận trong cơ thể và khi ký sinh ở bộ phận nào, chúng sẽ gây tổn thương cho bộ phận đó. Ngoài gây ngứa, nổi ban trên da nó còn gây ảnh hưởng đến cơ quan nội tạng khác vì nó là một dạng ấu trùng di chuyển nội tạng, có thể gây tổn thương trong cơ tim, trong gan, thậm chí trong đường ruột. Nếu BN không được thăm khám và phát hiện kịp thời rất nguy hiểm đến tính mạng", TS.BS Thọ cảnh báo.
Cần khám đúng chuyên khoa để có phác đồ điều trị
Triệu chứng và bệnh lý của bệnh giun đũa chó mèo ngày càng đa dạng, có BN xuất hiện nốt bầm tím dưới da, có người nổi mẩn đỏ và ngứa dữ dội, có người chỉ ngứa thoáng qua. Có BN đau bụng, có nốt tổn thương ở gan, não, thậm chí có tràn dịch màng phổi. Có những BN với tiền sử ngứa vài năm nay, thậm chí 10 hoặc 20 năm và đã đi khám, điều trị ở nhiều cơ sở theo hướng da liễu hoặc chữa bệnh theo hướng về miễn dịch và máu… mãi không khỏi. Khi đến Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TƯ khám và làm các xét nghiệm mới phát hiện nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo. 
"Bệnh giun đũa chó mèo thường bị bỏ sót do người bệnh không được khám đúng chuyên khoa. Điều trị giun đũa chó mèo phụ thuộc vào khả năng đáp ứng thuốc của người bệnh. Nhiều BN chỉ điều trị 1 liệu trình, các triệu chứng ngứa và vết bầm tím giảm nhiều, thậm chí cơn dị ứng thưa ra, BN cảm thấy dễ chịu hẳn. Có BN lở loét cả chân do nhiều năm dùng thuốc da liễu gây tổn thương lớp thượng bì nặng. Sau khi được điều trị giun đũa chó mèo các lớp da đã khô, tróc và khỏi dần. Nhưng cũng có những BN phải điều trị từ 3-4 đợt mà mức độ đáp ứng vẫn thấp bởi trước đó BN đã dùng quá nhiều thuốc khác", TS Thọ cho hay.
Con đường lây có thể qua tiếp xúc. Chẳng hạn, chó mèo bị nhiễm giun sán sẽ phát tán trứng giun sán qua chất thải ra môi trường. Nếu con người ăn phải trứng giun sán nhiễm vào thực phẩm hoặc gián tiếp thông qua trứng giun bám trên bộ lông của chúng cũng sẽ bị nhiễm giun sán. 
 "Người dân khi nuôi thú cưng, ôm chó mèo hoặc thậm chí ngủ cùng với chó, mèo cũng có thể là yếu tố gây bệnh sán dây chó, giun đũa chó mèo. Trẻ em nhiều khi tiếp xúc với đất cát có thể nhiễm ấu trùng qua da hoặc qua đường ăn uống, tiêu hóa. Do vậy, cũng như phòng bệnh nhiễm ký sinh trùng khác, mọi người nên ăn chín uống sôi và không ăn những đồ thực phẩm chưa nấu chín. Thường xuyên có thói quen rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh", Ts.Bs Trần Huy Thọ lưu ý: "Nên tẩy giun cho chó mèo như ở người là 6 tháng/lần. Khi người bệnh thấy triệu chứng mẩn ngứa, hoặc bầm tím… mà điều trị theo hướng da liễu và dị ứng miễn dịch không đỡ, thì nên đến khám chuyên khoa sâu nhất là Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương để loại trừ giun đũa chó mèo"./.

Bình luận

    Chưa có bình luận