Lợi thế của Đông Tây y kết hợp trong điều trị viêm da cơ địa

'Liệu pháp Đông Tây y điều trị viêm da cơ địa là phối hợp những ưu điểm của y học hiện đại và y học cổ truyền để trị bệnh tận gốc, hạn chế tái phát...'

 

“Liệu pháp Đông Tây y điều trị viêm da cơ địa là phối hợp những ưu điểm của y học hiện đại và y học cổ truyền để trị bệnh tận gốc, hạn chế tái phát...” - ThS.BS Nguyễn Thị Phượng, Phó Trưởng khoa Da liễu, Bệnh viện Tuệ Tĩnh (Hà Nội) nhấn mạnh điều này khi trao đổi với phóng viên Báo Tiếng nói Việt Nam..

Mặc dù bệnh viêm da cơ địa không nguy hiểm tới tính mạng nhưng nó đem lại nhiều phiền toái cho người bệnh. Nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng này và những biểu hiện của bệnh Viêm da cơ địa ra sao, thưa ThS.BS Nguyễn Thị Phượng?

Viêm da cơ địa (VDCĐ) là một bệnh da rất thường gặp, bệnh tiến triển dai dẳng và hay tái phát, thậm chí còn xuất hiện ở trẻ em ngay những tháng đầu đời sau sinh và có thể tồn tại suốt đời. Bệnh tiến triển dai dẳng thành từng đợt biểu hiện qua các giai đoạn cấp tính, mạn tính và bệnh có liên quan đến nhiều yếu tố như thức ăn, nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm trùng tại chỗ, khí hậu, rối loạn tiêu hóa.

Thông thường bệnh tiến triển qua các giai đoạn: Giai đoạn cấp tính: hay gặp ở VDCĐ trẻ em dưới 2 tuổi. Thương tổn chảy nhiều nước, phù nề, da đỏ, ngứa nhiều; Giai đoạn bán cấp: thương tổn giảm phù nề, giảm xuất tiết, da khô hơn; Giai đoạn mạn tính: hay gặp ở trẻ trên 10 tuổi, tỷ lệ này chiếm khoảng 50% số trẻ không khỏi bệnh và chuyển sang giai đoạn khu trú, dai dẳng, khó điều trị và có thể tồn tại đến tuổi người lớn.

ThS.BS Nguyễn Thị Phượng thăm khám, tư vấn cho người bệnh VDCĐ tại BV Tuệ Tĩnh.

Đặc điểm nổi bật nhất của bệnh lý VDCĐ là người bệnh thường xuyên phải chịu những cơn ngứa dữ dội nhất là ngứa về ban đêm, khiến người bệnh mất ngủ thường xuyên vô cùng ảnh hưởng đến tâm lý, công việc cũng như chất lượng cuộc sống. Và đặc biệt, VDCĐ nếu không được điều trị đúng cách sẽ để lại nhiều biến chứng khó cải thiện.

Ngoài tình trạng ngứa dữ dội trên người bệnh VDCĐ, nhất là VDCĐ giai đoạn mạn tính, triệu chứng gây phiền toái không ít với người bệnh đó là tình trạng da khô, “da khô - ngứa - gãi” vô tình tạo ra vòng luẩn quẩn bệnh lý cho người bệnh.

Theo bác sĩ, khi nào người bệnh cần đi khám chuyên gia da liễu?

Khi trên da xuất hiện các nốt tổn thương da như: nổi sẩn đỏ với các nốt nhỏ li ti hoặc thành từng mảng rộng, phù nề, xuất tiết như chảy nước, chảy mủ, kèm theo ngứa, rát hoặc đỏ ngứa, khô da, bong vảy da.

Các nốt tổn thương này xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trong cơ thể, tuy nhiên thường gặp tổn thương da ở nếp gấp và vùng tỳ đè như: khuỷu tay, khoeo chân, mông, nách, bẹn, hoặc tổn thương xuất hiện ở cổ tay, cổ chân hay lưng bụng.

Nếu bắt đầu xuất hiện tổn thương da trên trong 1 - 2 ngày, không có dấu hiệu bệnh thuyên giảm mà mức độ ngày càng tiến triển nặng hơn hoặc lan rộng hơn thì cần đi khám hoặc ít nhất phải được sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa để phát hiện bệnh sớm, chẩn đoán phân biệt để loại trừ nguyên nhân gây bệnh và xử trí kịp thời. Tránh dùng thuốc bừa bãi gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như ảnh hưởng đến tổn thương da tại chỗ.

Trước và sau điều trị

Thực tế vẫn còn nhiều trường hợp rất ngại đi khám bệnh mà tự ý dùng thuốc theo đơn thuốc của người thân hoặc theo mách bảo/truyền miệng. Điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào, thưa bác sĩ?

Đây cũng là thực tế mà chúng tôi thường gặp ở người bệnh trước khi đến BV chúng tôi. Họ không hề biết việc tự ý dùng thuốc sẽ gây ra nhiều hệ lụy như: Dùng thuốc không đúng bệnh - bệnh tiến triển nặng hơn; Lạm dụng thuốc gây ra những hệ lụy về sức khỏe không đáng có như: đau dạ dày, hại gan, tăng men gan, suy gan thận, giảm sức đề kháng của cơ thể, rối loạn chuyển hóa: đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid, xuất huyết võng mạc, tăng nguy cơ thoái hóa xương khớp, gây những rối loạn về nội tiết, ảnh hưởng sức khỏe sinh sản… Tuy nhiên những vấn đề này người bệnh thường chủ quan, chỉ đi khám làm xét nghiệm hoặc khi có dấu hiệu nặng mới khám thì lúc đó bệnh đã biểu hiện rồi, thậm chí đã biến chứng nặng.

Việc người bệnh được bác sĩ chuyên khoa thăm khám sẽ giúp chẩn đoán đúng bệnh, điều trị đúng, bệnh nhanh khỏi, tránh tác dụng phụ của việc dùng thuốc bừa bãi. Khám đúng bệnh - điều trị đúng sẽ giảm phiền toái cũng như tiết kiệm được chi phí chữa bệnh.

Bác sĩ có thể nói rõ hơn những thói quen xấu thường thấy của bệnh nhân trong điều trị VDCĐ?

Người bệnh không đi khám, ngại đi khám, sợ khám ra bệnh lý gì nặng, nguy hiểm, tâm lý sợ sệt lo lắng; Tự ý mua thuốc về dùng: mua ở hiệu thuốc hoặc tự tìm hiểu 1 sản phẩm thấy quảng cáo mà không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa;

Người bệnh đi khám 1 lần, uống thấy đỡ các lần sau tự ý đi mua tiếp đơn thuốc đó dùng kéo dài mà không biết tác dụng phụ của thuốc gây ra, không biết liều lượng, thời gian dùng thuốc, ảnh hưởng đến vùng da tại chỗ và đến sức khỏe toàn thân. Nhẹ thì bệnh không đỡ, kèm mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ, giảm cân, nặng thì biến chứng suy gan, thận...;

Nghe tư vấn của bạn bè - những người không phải là bác sĩ mách dùng thuốc này thuốc kia tốt, cũng mua thuốc đó về dùng. Vì không đúng bệnh, uống vào bệnh không đỡ còn nặng hơn lại tốn kém về mặt kinh tế;

Nghe quảng cáo về một sản phẩm “thần thánh”, chữa dứt điểm bách bệnh mà đều chung một loại thuốc. Họ mua về 1 - 2 - 3 đợt uống không đỡ, bỏ thuốc đi thì tiếc tiền, càng uống bệnh càng nặng hơn; Hay mách nhau những bài thuốc dân gian như đun lá tắm, ngâm… mà không biết rằng dù đó là các loại lá tắm, các loại thuốc nam vườn nhà cũng phải tuân theo chỉ định của thầy thuốc. Vì không phải tổn thương da nào cũng dùng được. Chưa kể nếu dùng liều lượng không đúng, bệnh không đỡ còn nặng lên.

ThS.BS Nguyễn Thị Phượng, Phó Trưởng khoa Da liễu, Bệnh viện Tuệ Tĩnh (Hà Nội).

“Tại khoa Da liễu, Bệnh viện Tuệ Tĩnh chúng tôi đang kết hợp giữa Tây y và Đông y để điều trị bệnh VDCĐ. Căn cứ vào các chỉ số xét nghiệm cận lâm sàng chúng tôi sẽ kết hợp phương pháp vọng, văn, vấn, thiết (vọng là nhìn hình thái, thần sắc, tổn thương da người bệnh, vọng lưỡi; văn là nghe tiếng nói, hơi thở, ngửi mùi tổn thương da người bệnh; vấn là hỏi về ăn uống và đại tiểu tiện; thiết là bắt mạch) của y học cổ truyền để chẩn đoán chứng hậu, chứng trạng của người bệnh nhằm tìm nguyên nhân. Với BN có những biểu hiện bệnh nặng, chúng tôi kết hợp y học hiện đại song song điều trị cho người bệnh, đó là dùng kháng sinh, chống dị ứng, thuốc bôi ngoài để giảm các triệu chứng tổn thương da cho người bệnh, và uống thuốc Đông y bên trong để điều trị vào gốc bệnh”.

ThS.BS Nguyễn Thị Phượng

Theo bác sĩ, VDCĐ cần điều trị như thế nào và cần lưu ý gì khi dùng thuốc?

VDCĐ chia 3 giai đoạn, tùy tổn thương da ở giai đoạn nào sẽ dùng thuốc phù hợp giai đoạn bệnh, đó là: Giai đoạn cấp tính: dùng dung dịch Jarish, hồ nước, kem kháng sinh. Giai đoạn bán cấp có thể bôi mỡ kháng sinh, mỡ corticoid. Giai đoạn mạn tính phối hợp mỡ corticoid, dưỡng ẩm, phối hợp thuốc ức chế miễn dịch, hoặc giai đoạn mãn tính da dày sần lichen hóa thì dùng thuốc bạt sừng bong vảy, kem dưỡng ẩm,...

Nhưng việc kê đơn phải tùy vào thực tế tổn thương da ở từng giai đoạn người bệnh đang gặp phải. Ví dụ tổn thương có chảy nước nên dùng dung dịch Jarish, hồ nước; tổn thương khô có viêm sẩn đỏ thì dùng được kem chứa corticoid, tuy nhiên chỉ dùng trong thời gian ngắn và tuân theo liều chỉ định của bác sĩ. Bởi có loại thuốc nếu lạm dụng sẽ bị teo da, suy gan, suy thận…

Tôi muốn nhấn mạnh một thực tế mà rất nhiều trường hợp khi bị VDCĐ hay mắc phải đó là: nghe mách nhau là việc bôi kem dưỡng ẩm sẽ giúp bệnh nhanh khỏi và không tái phát… Họ không biết rằng, nếu bôi vào vùng tổn thương da đang viêm cấp, tổn thương da phù nề, chảy nước, chảy dịch, có nhiều mủ thì khiến tình trạng da càng trở nên nặng và tồi tệ hơn.

Chính vì vậy, người bệnh cần lưu ý: VDCĐ là 1 bệnh da mạn tính, tỷ lệ tái phát cao và diễn biến dai dẳng. Vì vậy, việc điều trị khỏi bệnh ngăn tái phát bệnh là mong mỏi của mọi BN. Việc điều trị VDCĐ nên kết hợp sự tinh túy từ 2 nền y học là y học hiện đại và y học cổ truyền mang lại nhiều lợi ích. Trong đó y học hiện đại là dùng các loại thuốc bôi bên ngoài da làm giảm triệu chứng tổn thương da, giảm các triệu chứng khô ngứa da của người bệnh, đồng thời dùng thuốc y học cổ truyền uống bên trong để chữa trị tận gốc bệnh, điều trị nguyên nhân gây bệnh giúp bệnh ổn định, hạn chế nguy cơ tái phát bệnh và tránh được tình trạng lạm dụng thuốc.

Đặc biệt, những người bị rối loạn kinh nguyệt, rối loạn lo âu, căng thẳng stress một phần do khí huyết hư, can khí uất kèm huyết ứ, thận hư… cũng khiến tình trạng VDCĐ nặng lên thì chúng tôi cho BN dùng thuốc Đông y đắp mặt tại chỗ, giúp giảm nhanh những triệu chứng viêm cấp. Và trong một số ca bệnh chúng tôi sử dụng một số kỹ thuật chuyên sâu để điều trị phục hồi vết thâm sau lạm dụng bôi thuốc. Tuy nhiên, những trường hợp này cần được thăm khám trực tiếp thì việc điều trị mới đem lại hiệu quả.

Cảm ơn bác sĩ!

Lưu Hường thực hiện

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận