Vai trò của trị liệu tâm lý trong điều trị ung thư

  • 20/07/2023 03:50:39
  • Hương Giang - Mai Hương
  • Sống khỏe
  • 0

Tâm lý, tinh thần... là yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả của quá trình điều trị bệnh hiểm nghèo.

 

3 lý do liên quan đến tâm lý người bệnh

Thống kê mới đây cho thấy, mỗi năm nước ta có hơn 182.000 ca mắc mới và hơn 122.000 người tử vong do ung thư. Tính bình quân cứ 100.000 bệnh nhân (BN) ung thư thì có khoảng 159 ca mắc mới và 106 ca tử vong. Điều đáng nói, các ca mắc mới ngày càng trẻ hóa theo thời gian. Theo thống kê mới nhất, gánh nặng bệnh tật do ung thư gây ra tại Việt Nam ước tính đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1990. Đó là lý do khiến nhiều BN khi được chẩn đoán mắc ung thư cảm thấy lo lắng, căng thẳng, hoang mang sụp đổ và thậm chí là có nhiều rối loạn về sức khỏe tâm thần. Theo thống kê cứ 3 BN ung thư thì có 1 người bị rối loạn tâm lý cần có sự hỗ trợ, can thiệp.

Theo Ths.Bs Đỗ Tuyết Mai - Khoa Điều trị A, Bệnh viện K, khi người bệnh có những vấn đề căng thẳng tâm lý thì quá trình chiến đấu với căn bệnh ung thư trở nên khó khăn hơn vì những lý do: Thứ nhất, BN sẽ lo lắng, hồi hộp, căng thẳng, mệt mỏi, kiệt sức, tuyệt vọng, mất động lực, mất ý chí với các triệu chứng nôn nao, nhất là thời điểm sau khi điều trị hóa chất, BN bị tác dụng phụ: nôn nhiều, mất ngủ, sụt cân, suy nhược. Có nhiều BN kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần.

Thứ hai, BN khó đưa ra quyết định những vấn đề của bản thân. Họ sẽ cảm thấy do dự, bối rối, băn khoăn trong quá trình trao đổi với bác sĩ về phương pháp điều trị bệnh, từ đó khó đưa ra quyết định phù hợp nhất với tình trạng bệnh của mình.

Thứ ba, những ảnh hưởng nặng nề về sức khỏe tâm thần khiến cho hiệu quả điều trị ung thư giảm. BN có thể từ bỏ điều trị, không tuân thủ uống thuốc, đúng phác đồ, không đến tái khám đúng hẹn. Ngoài ra, BN có thể có những hành vi không có lợi, ví dụ như hút thuốc, uống rượu để giải tỏa căng thẳng. Tất cả những hành vi tiêu cực này đều cản trở sự thành công của điều trị ung thư.

Sự quan tâm, chăm sóc tinh thần của y bác sĩ và người thân, giúp người bệnh chiến thắng bệnh tật. (Ảnh minh họa)

Tất cả những yếu tố trên cho thấy việc điều trị tâm lý cho BN ung thư có ý nghĩa quan trọng không kém so với liệu trình uống thuốc, hóa trị và xạ trị. Tuy nhiên, đây lại đang là khoảng trống khiến cho quá trình điều trị của BN chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Ths.BS Đỗ Tuyết Mai cho rằng có nhiều nguyên nhân, trong đó phần lớn là do người nhà chăm sóc BN ung thư cũng bị căng thẳng; nhân viên y tế chưa có nhận thức đầy đủ, chỉ lo điều trị sức khỏe thể chất mà bỏ quên vấn đề về tinh thần; cộng đồng xã hội cũng chưa có đủ sự cảm thông và chia sẻ với những khó khăn của BN ung thư, nhiều người đã bị mất việc làm khi phải đi điều trị bệnh...

Nghiên cứu tại Bệnh viện K năm 2020 trên 300 BN ung thư từ tất cả các khoa: thuốc, điều trị hóa chất, xạ trị, phẫu thuật, chăm sóc giảm nhẹ cho thấy, có tới 70% người bệnh ung thư có các dấu hiệu căng thẳng về tâm lý cần được hỗ trợ, tư vấn và điều trị; gần 40% người bệnh bị trầm cảm, trong đó có gần 50% BN trầm cảm ở mức độ nặng và rất nặng có thể có nguy cơ tự sát; 30% BN có rối loạn của lo âu, cần can thiệp và hỗ trợ sớm. Tỷ lệ này có thể cao hơn sau 2 năm xảy ra dịch Covid-19 ở nước ta.

Tinh thần đóng vai trò quan trọng trong kết quả điều trị

Nghiên cứu tại Bệnh viện K năm 2020 trên 300 BN ung thư từ tất cả các khoa: thuốc, điều trị hóa chất, xạ trị, phẫu thuật, chăm sóc giảm nhẹ cho thấy, có tới 70% người bệnh ung thư có các dấu hiệu căng thẳng về tâm lý cần được hỗ trợ, tư vấn và điều trị; gần 40% người bệnh bị trầm cảm, trong đó có gần 50% BN trầm cảm ở mức độ nặng và rất nặng có thể có nguy cơ tự sát; 30% BN có rối loạn của lo âu, cần can thiệp và hỗ trợ sớm. Tỷ lệ này có thể cao hơn sau 2 năm xảy ra dịch Covid-19 ở nước ta.

“Khám xong thì bác sĩ bảo tôi ra ngoài chờ và gọi con trai vào tư vấn. Nhưng nhìn gương mặt thẫn thờ của con trai tôi khi trở ra là tôi hiểu có điều gì không hay rồi...”, cụ Y chia sẻ. Đến khi gặng hỏi mãi, bác sĩ cũng nói cho gia đình biết “cụ không may chẩn đoán ban đầu là ung thư máu, cần nhập viện điều trị”. “Khi nghe câu nói đó trời đất như sụp đổ dưới chân, tôi đi không vững, không muốn nghĩ thêm điều gì, tôi từ chối nhập viện ngày hôm đó”, cụ Y cho hay.

Nhưng chính những ngày điều trị tại BV, những cử chỉ ân cần, câu hỏi thân thiện của các bác sĩ điều trị là động lực tinh thần tích cực giúp cụ Y vững tâm điều trị. “Các bác sĩ không hỏi tôi về bệnh, mà luôn hỏi han rằng: cụ có ngủ được không? Ăn uống như thế nào và nhắc nhở việc cố gắng ăn nhiều hơn để nâng cao thể trạng...”, cụ Y nhớ lại những ngày đầu ở viện.

Câu chuyện cụ Y là một minh chứng về nghị lực kiên cường và ý chí mạnh mẽ có vai trò lớn trong điều trị. Và khi người bệnh đã có niềm tin ở đội ngũ y bác sĩ và coi họ như người thân trong gia đình, các bác sĩ không ngần ngại trao đổi bệnh tình và động viên người bệnh hợp tác cùng các thầy thuốc chữa trị để đạt được kết quả tốt nhất. “Bệnh của cụ cũng ở giai đoạn tiến triển rồi, để điều trị ổn định, cụ cố gắng hợp tác cùng các bác sĩ nhé. Y học ngày càng phát triển nên cụ cứ yên tâm, ngoài thuốc điều trị cho bệnh thuyên giảm, ở đây còn có chúng cháu nữa. Sau câu nói ấy tôi đã bật khóc, và lời nói của các bác sĩ tôi vẫn nhớ như in suốt 20 năm qua. Ai đến thăm tôi, tôi cũng nhắc lại câu này, bởi đó là câu nói giúp tôi quyết tâm phải vượt qua bệnh tật. Sau điều trị sức khỏe tôi đã ổn định và về nhà theo dõi. Lâu lâu không đến viện tôi lại nhớ các cô chú bác sĩ”, cụ Y xúc động nói.

Chia sẻ về vấn đề sức khỏe tinh thần, TS.BS Đỗ Anh Tú cho rằng: “Tinh thần là yếu tố rất quan trọng để người bệnh vượt qua căn bệnh hiểm nghèo. Việc chia sẻ với BN và người thân của người bệnh giúp BN cởi mở hơn, hiểu hơn về bệnh tình mà từ đó cố gắng điều trị”.

Các chuyên gia y tế cũng cho biết ung thư không phải là dấu chấm hết mà là quá trình chiến đấu để giành lấy sự sống. Quá trình này, chiến thắng hay không ngoài sự tiến bộ của y học, còn là sự quan tâm, chia sẻ của các y bác sĩ, nhân viên y tế, cộng đồng xã hội và sự nỗ lực của chính bản thân người bệnh./. 

Hương Giang - Mai Hương

 

Bình luận

    Chưa có bình luận