Thực hư tác dụng của viên uống chống nắng

TS BS Vũ Nguyệt Minh khuyến cáo: không thể dùng viên uống chống nắng thay cho kem bôi chống nắng khi đi biển hay trải nghiệm ngoài trời.

 

Gần đây, sản phẩm viên chống nắng được quảng cáo nhiều trên mạng xã hội và nhiều người dân đã sử dụng viên uống này. Vậy viên uống chống nắng có thực sự tác dụng?

Viên chống nắng có tác dụng gì?

“Thay vì bôi kem chống nắng trong những ngày hè, chúng ta chỉ cần uống 1-2 viên chống nắng đã có thể bảo vệ bạn khỏi ánh nắng mặt trời trong suốt 12 tiếng đồng hồ, hạn chế nguy cơ nám da; Không cần bôi kem chống nắng, chỉ cần uống viên chống nắng trước khi ra nắng 30 - 60 phút sẽ có tác dụng chống nắng hữu hiệu, đặc biệt thích hợp với những người phải hoạt động ngoài nắng và ra mồ hôi nhiều...”. Đó là những lời quảng cáo về sự tiện dụng và hiệu quả tuyệt vời của viên uống chống nắng trên các trang mạng xã hội. Tuy nhiên theo các chuyên gia da liễu, việc chống nắng chỉ có tác dụng với cách thông dụng là dùng kem chống nắng kết hợp dùng các vật dụng che phủ da như áo chống nắng, hoặc có thể dùng thêm viên chống nắng chỉ với một số trường hợp…

TS.BS Vũ Nguyệt Minh - Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng - Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, viên uống chống nắng là các sản phẩm thực phẩm chức năng gồm các hỗn hợp vitamin bổ sung qua đường uống với thành phần chính là beta-carotene, vitamin A… Đây là những chất có tác dụng chống oxy hóa, làm giảm tác hại của gốc tự do gây ra bởi các tia UVA, UVB, ngăn ngừa hoặc giảm thiểu các tác dụng có hại của tia cực tím trên da chứ hoàn toàn không phải tạo ra lớp màng để bao bọc, tránh tổn thương da như khi bôi kem chống nắng.

Bôi kem chống nắng đúng cách là biện pháp hữu hiệu bảo vệ làn da khi đi biển. (ảnh minh họa: Hà Nguyên)

Bác sĩ Nguyệt Minh nhấn mạnh: Bôi kem chống nắng đúng cách vẫn là chỉ định hàng đầu. Một số trường hợp bác sĩ sẽ kê thêm viên uống chống nắng, ví dụ khi nhiệt độ môi trường lên quá cao và khả năng bôi kem chống nắng của BN thấp quá, thay vì bôi 4-6 tiếng/lần nhưng họ không có điều kiện bôi như vậy thì có thể phối hợp uống thêm viên chống nắng để giảm nguy cơ bị bỏng nắng, hoặc khi BN đang điều trị bệnh lý về da, giảm tác động xấu đến hiệu quả điều trị da chứ không hoàn toàn thay thế chống nắng bằng viên uống.

“Tác động của ánh nắng mặt trời lên da là từ từ và kéo dài chứ không phải ngay tức thì. Quá trình này diễn ra rất phức tạp, về lâu dài sẽ tạo ra các chất độc mà người ta gọi là gốc oxy hóa. Các gốc oxy hóa này gây các tổn thương về da cũng như AND trong da. Từ đó sẽ phát sinh các vấn đề ảnh hưởng lên da như ung thư da và các tổn thương về lão hóa da. Các chuyên gia vẫn khuyến cáo với đầy đủ bằng chứng khi dùng kem chống nắng giúp ngăn ngừa các phản ứng có hại cho da”.

TS.BS Vũ Nguyệt Minh

 

Bôi kem chống nắng vẫn là chỉ định hàng đầu

Do vậy, tuyệt đối không dùng viên uống chống nắng với mục đích thay thế kem chống nắng và đảm bảo vấn đề chống nắng. Bởi trên các loại kem chống nắng đều ghi rõ các chỉ số SPF, UVA, UVB rất rõ ràng, với mức độ bảo vệ da đáng kể khi sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên. Thậm chí, khi sử dụng kem bôi chống nắng với chỉ số SPF 50 trở lên sẽ có khả năng bảo vệ 99,9% tác động của các tia UVA và UVB lên da. Trong khi các viên uống chống nắng chúng ta không thấy các chỉ số này, do đó chúng tôi cũng không khuyến cáo người dân tự mua viên chống nắng với chỉ định chống nắng. Chưa kể, các sản phẩm viên uống chống nắng được rao bán tràn lan trên mạng không có nguồn gốc xuất xứ.

TS BS Vũ Nguyệt Minh khuyến cáo, không thể dùng viên uống chống nắng thay cho kem bôi chống nắng khi đi biển hay trải nghiệm ngoài trời. Mà thay vì uống viên chống nắng để làm đẹp da thì chúng ta có thể bổ sung các thành phần trong viên chống nắng bao gồm vitamin A, các tiền chất của vitaminA, đặc biệt là carotene sẵn có trong quả cà chua, cà rốt và các thực phẩm tự nhiên màu da cam - là thành phần được chứng minh có tác dụng giảm gốc tự do, tăng cường quá trình phục hồi AND, giảm nguy cơ ung thư và lão hóa da. Dù các chất này không có nồng độ cao như các thành phần trong viên chống nắng nhưng nếu chúng ta ăn thường xuyên hoặc tăng cường bổ sung vitamin B3, vitamin B đều cóbằng chứng nghiên cứu giảm nguy cơ ung thư da.

Mới đây, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã chính thức phủ nhận khả năng thay thế kem chống nắng của viên uống chống nắng. Đồng thời, FDA cũng cảnh báo: “Không có một loại thực phẩm chức năng nào có thể thay thế kem chống nắng”./.

Hương Giang

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận