Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy đã tiếp nhận cấp cứu, điều trị thành công cho 2 bệnh nhân (BN) nam bị suy hô hấp, mất toàn bộ phản xạ gân xương và đồng tử, tiên lượng nguy kịch do ngộ độc so biển. Qua khai thác thông tin được biết, trưa ngày 7/6, hai BN cùng ăn con so nướng. Sau ăn xuất hiện tình trạng tê bì môi lưỡi, yếu tay chân, nôn, khó thở, được người nhà chuyển đến BV cấp cứu. Sau 24 giờ điều trị tích cực, đến thời điểm hiện tại 2 BN đã thoát nguy cơ tử vong, chỉ số sinh tồn ổn định, có ý thức phản xạ cơ, tay chân đáp ứng y lệnh của bác sĩ. Trước đó, ngày 7/6, 3 người trong cùng một gia đình tại huyện Tân Biên (Tây Ninh) bị ngộ độc sau khi ăn nấm lạ. Dù đã được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) để cấp cứu nhưng 2 người đã tử vong, người còn lại vẫn đang điều trị tích cực.
Dù Bộ Y tế đã triển khai nhiều giải pháp về kiểm soát ATTP nhưng hằng năm vào thời điểm mùa xuân và đầu mùa hè, tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên thường xảy ra các vụ ngộ độc do người dân sử dụng các thực phẩm có chứa độc tố tự nhiên. Trong đó, có những trường hợp tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề cho những người bị ngộ độc dù đã được cứu chữa kịp thời.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO), mỗi ngày thế giới có trên 600 triệu người mắc các bệnh vì ăn phải thực phẩm bẩn và khoảng 420.000 người thiệt mạng mỗi năm. Vì vậy, nhân Ngày An toàn Thực phẩm Thế giới (7/6), 2 cơ quan LHQ này kêu gọi cộng đồng quốc tế nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của ATTP, trong đó có từ phía các nhà hoạch định chính sách, người được khuyến khích tạo ra các hệ thống ATTP cấp quốc gia phù hợp những các tiêu chuẩn đã được thiết lập. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng nên phối hợp với nhà cung ứng và các bên liên quan để phát triển “văn hóa ATTP”.
Ngày An toàn thực phẩm Thế giới năm nay LHQ đưa ra chủ đề “Tiêu chuẩn thực phẩm cứu lấy mạng sống”, nhằm truyền cảm hứng cho các quốc gia thành viên ưu tiên các tiêu chuẩn ATTP và hợp tác làm việc để bảo vệ người tiêu dùng tránh khỏi các bệnh do thực phẩm gây ra.
|
Chia sẻ với báo giới, Trợ lý Tổng giám đốc WHO, TS Maria Neira nhấn mạnh, ATTP ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người. Theo thống kê, hơn 200 dịch bệnh, từ bệnh nhẹ như tiêu chảy cho tới nặng dẫn đến tử vong như ung thư, bắt nguồn từ việc ăn thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hoặc hóa chất.
“Chúng ta đừng chỉ nghĩ về ATTP khi đã mắc bệnh mà nên nghĩ về điều này thường xuyên hơn vì các dịch bệnh truyền qua đường thực phẩm hoàn toàn có thể ngăn ngừa được. Thực phẩm sạch tạo điều kiệnđể cơ thể hấp thụ các chất dinh dưỡng và phát triển. Tiêu chuẩn thực phẩm bảo vệ cuộc sống của con người, là chìa khóa để các nhà khoa học luôn tìm kiếm những tiêu chuẩn ATTP quốc tế. Đừng để ai chết vì thực phẩm, vì đây là những cái chết có thể ngăn chặn được”, TS Maria Neira nhấn mạnh.
Hiện hầu hết người tiêu dùng chỉ quan tâm đến chất lượng thực phẩm dựa trên các số liệu trên bao bì, vỏ hộp, mà chưa thực sự quan tâm đến quy trình sản xuất. Và thực tế, các phương thức canh tác hiện đại lại đang “lợi dụng” các loại thuốc trừ sâu, hóa chất bảo quản và phụ gia trong thực phẩm. Nếu liều lượng không được kiểm soát, thực phẩm làm ra sẽ gây hại cho người tiêu dùng. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh: ATTP là một phần không thể thiếu của mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững. Đó là một quy trình nhiều bước từ sản xuất, chế biến, lưu trữ, phân phối và tiêu thụ thực phẩm. Người tiêu dùng cũng nên tự thực hành việc đảm bảo ATTP tại nhà và làm theo các khuyến nghị của WHO, như rửa tay trước khi ăn và sử dụng các thiết bị và dụng cụ riêng biệt, như dao và thớt, khi xử lý thực phẩm sống.LHQ cho biết, FAO sẽ sớm ra mắt một trang web để giúp ngành thực phẩm tham khảo và tuân thủ các tiêu chuẩn VSATTP quốc tế./.
Đình Nam - Giang Hương