Nguy cơ nhiễm độc cồn công nghiệp methanol

Ngộ độc do sử dụng rượu hay hóa chất có hàm lượng độc tố cồn công nghiệp methanol rất nguy hiểm. Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bệnh có thể tử vong.

 

Các nguy cơ nhiễm độc/ngộ độc

Mới đây, người nhà ông D.V.M (58 tuổi, ở xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) phát hiện ông M tử vong sau khi đi đám tang gần nhà. Theo người nhà kể lại, ông M có mặt và thức trực suốt thời gian diễn ra đám hiếu, có uống rượu, khi về nhà thì sức khỏe ông hơi yếu, sau đó tử vong. Cùng ngày, ông Đ.V.N (49 tuổi, ở xã Khánh Bình Tây Bắc) và 5 người tham gia đám tang về đều có triệu chứng mệt mỏi, mờ mắt và có dấu hiệu giống dấu hiệu ngộ độc rượu, phải nhập viện điều trị. Sau khi tiến hành lấy mẫu rượu tại nhà có đám tang test nhanh cho kết quả dương tính với methanol, cơ quan chức năng đã niêm phong số rượu còn lại, gửi đi kiểm định lượng methanol theo quy định.

Một trong những nạn nhân được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau. (Ảnh: Trần Hiếu)

Trước đó, tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cũng tiếp nhận một nam bệnh nhân bị ngộ độc rượu nghiêm trọng do uống rượu ngâm chuối hột, với nồng độ methanol trong máu rất cao - là 90.69 (thông thường nồng độ trên 25 là đã xác định ngộ độc). Các bác sĩ phải lọc máu ngắt quãng mới kịp thời cứu sống bệnh nhân.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Methanol được dùng làm dung môi tẩy sơn, véc-ni, dung môi công nghiệp, chất tẩy rửa, làm sạch, các loại nhiên liệu thay thế cho động cơ, làm nguyên liệu sản xuất nhiều hóa chất… Methanol là hóa chất rất độc, không được uống, tác dụng sát trùng cũng rất kém. Tuy nhiên, ở Việt Nam, do lượng hóa chất methanol nhiều, rẻ tiền lại chưa được kiểm soát tốt, dẫn tới lượng lớn hóa chất methanol bị “tuồn” ra ngoài, vào tay kẻ xấu hoặc nhiều nhà sản xuất không chính danh đóng chai thành các loại rượu rởm, nhiều loại cồn sát trùng, cồn y tế rởm và có thể nhiều sản phẩm khác cũng bị làm rởm, đã và đang gây tử vong, ngộ độc và di chứng nặng nề cho nhiều người và ảnh hưởng xấu đến công tác khám chữa bệnh cho người dân. Do đó, người dân, người sản xuất cần hết sức cảnh giác và các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm soát.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết, methanol ở dạng lỏng, được hấp thu và gây ngộ độc dễ dàng qua đường tiêu hóa (chủ yếu do uống phải rượu rởm, cồn sát trùng rởm) và qua da (do tiếp xúc trực tiếp với dung dịch cồn sát trùng trên da hoặc dùng cồn rởm chứa methanol để sát trùng trên diện da rộng hoặc nhiều lần), tiếp xúc trực tiếp qua da với methanol hoặc qua đường hô hấp (do hít phải hơi, không khí chứa cồn methanol với nồng độ vượt ngưỡng cho phép, thường trong lao động sản xuất không đảm bảo an toàn). Do methanol được cơ thể chuyển hóa và thải trừ chậm, gây ngộ độc cũng chậm nên khi tiếp xúc mức độ ít nhưng kéo dài hoặc lặp lại (hay gặp trong lao động) sẽ tích lũy dần và gây ngộ độc nhiều ngày sau. Hoặc con người có thể tiếp xúc với methanol liều cao một lần nhưng không biết và tới 1-2 ngày sau mới biểu hiện nhiễm độc.

“Người ngộ độc/nhiễm methanol cấp tính thường có biểu hiện mờ mắt, giảm thị lực, mù, đau đầu, buồn nôn, nôn, rối loạn ý thức, hôn mê, co giật, tổn thương não, nhiễm toan chuyển hóa, sốc, tổn thương đa tạng, tử vong hoặc di chứng mù mắt, giảm thị lực, hôn mê, rối loạn vận động… Còn ngộ độc/nhiễm độc mạn tính thì có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, choáng váng, mất ngủ, viêm kết mạc, nhìn mờ, mù. Đáng nói, các nghiên cứu trên động vật cho thấy methanol có thể gây dị tật trên xương, tim mạch, tiết niệu và thần kinh trung ương trên thai nhi”, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: KT)

“Trong điều kiện ở Việt Nam hiện nay, luôn cảnh giác với tất cả các loại cồn, các sản phẩm được cho là ethanol hoặc gắn nhãn mác là ethanol, từ các loại rượu, cồn sát trùng đến tất cả các sản phẩm khác trên nhãn công bố chứa ethanol, vì các sản phẩm này rất dễ có nguy cơ bị làm giả và có chứa cồn công nghiệp methanol”.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên

Cách phát hiện và phòng tránh nhiễm độc/ngộ độc methanol

TS.BS Trung Nguyên cho biết, các biểu hiện ngộ độc thường là muộn nên người dân cần chủ động đi khám khi có nghi ngờ. Người lao động tiếp xúc với methanol cần được khám sức khỏe thường xuyên, trong đó bắt buộc khám đánh giá kỹ về mắt và thần kinh trung ương. Do vậy, các cơ quan quản lý cần có có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hóa chất cồn công nghiệp methanol, tránh rơi vào tay kẻ xấu để tạo ra các sản phẩm rởm, không an toàn. Tăng cường công tác quản lý về an toàn lao động. Các sản phẩm chứa methanol cần phải có nhãn mác cảnh báo rõ ràng về tên gọi, thành phần cụ thể, tác hại với sức khỏe, biện pháp phòng tránh, đảm bảo an toàn khi sử dụng và các biện pháp sơ cấp cứu.

Phim chụp cộng hưởng từ não của một bệnh nhân bị ngộ độc nặng methanol (mũi tên màu đỏ chỉ tổn thương hoại tử nhân bèo hai bên). (Ảnh: BSCC)

Còn với người sử dụng các sản phẩm methanol cần tuân theo đúng các hướng dẫn sử dụng và bảo quản an toàn, đảm bảo điều kiện lao động sản xuất an toàn. “Methanol xâm nhập vào cơ thể dễ dàng qua da, đường hô hấp, tiêu hóa. Tất cả các loại khẩu trang, mặt nạ phòng độc đơn thuần, găng tay thấm nước đều không có tác dụng ngăn cản hoặc lọc được methanol. Người sử dụng có thể đi găng nhựa/cao su kín ngăn methanol hấp thu qua da nhưng vẫn có thể hít phải methanol qua đường hô hấp. Trong môi trường không khí nhiễm methanol mức độ nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe, chỉ có trang phục phòng hộ (mặt nạ phòng độc kết hợp quần áo liền mũ, găng và giầy/ủng) kín hoàn toàn kết hợp bình dưỡng khí hoặc hệ thống cung cấp dưỡng khí độc lập được bơm từ bên ngoài liên tục vào trong mặt nạ mới có thể đảm bảo an toàn cho người lao động”, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo./.

Hương Giang

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận