Thời tiết giao mùa là điều kiện thuận lợi để bệnh thủy đậu phát triển và lây lan. Nếu không biết cách điều trị, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Bệnh lây lan nhanh và có nhiều biến chứng
Gần đây, tại khoa Bệnh lây đường tiêu hóa - Viện Lâm sàng Các bệnh truyền nhiễm, BV108 đã tiếp nhận nhiều ca bệnh trong đó có cả người lớn tuổi với chẩn đoán thủy đậu. Bệnh nhân (BN) vào viện với các triệu chứng như: sốt, đau đầu, đau nhức cơ, có những nốt đỏ tròn nhỏ mọc nhanh khắp cơ thể hoặc mọc rải rác trong vòng 12 giờ đến 24 giờ. Sau đó, các nốt này tiến triển thành những mụn nước, bọng nước, mụn mủ, BN có ho và đi ngoài phân lỏng.
Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thủy đậu có tên Varicella Zoster virus gây ra. Đây là bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng, có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn. Biểu hiện rõ rệt của thủy đậu là những mụn nước phồng rộp trên khắp cơ thể, mụn mọc cả trong niêm mạc lưỡi và miệng. Thống kê trong tháng 1 và 2/2023, cả nước ghi nhận gần 3.200 ca mắc thuỷ đậu, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2022. Tại Hà Nội đã ghi nhận hơn 550 ca thuỷ đậu từ đầu năm đến nay, trong khi cùng kỳ năm 2022 có 4 ca. Số ca bệnh ghi nhận nhiều nhất tại các quận, huyện là Chương Mỹ, Mê Linh, Nam Từ Liêm, Mỹ Đức...
Theo TS.BS Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Viện Lâm sàng Các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (BV108), Varicella Zoster virus gây bệnh thủy đậu chủ yếu lây truyền qua đường hô hấp, từ các giọt bắn nhỏ li ti từ mũi, miệng của người bệnh bắn ra không khí, thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với đồ vật như quần áo, chăn gối có vấy bẩn các chất tiết của người bệnh; hoặcqua tiếp xúc trực tiếp với chất dịch khi các bọng nước thủy đậu bị vỡ. Đặc biệt, đối với phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu có thể lây cho thai nhi qua nhau thai, gây nên tình trạng mắc thủy đậu bẩm sinh. Thời gian lây bệnh của thủy đậu kéo dài từ trước khi nổi ban đỏ 1-2 ngày cho đến khi các bọng nước đóng vảy hoàn toàn.
TS.BS Nguyễn Đăng Mạnh cho biết, thời tiết giao mùa, đặc biệt khi nhiệt độ lạnh, mưa nhiều, nồm và ẩm là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus phát triển nhanh, làm tăng nguy cơ gây bệnh cho con người. Các loại bệnh này rất dễ lây lan qua đường hô hấp và tiêu hóa nên dễ bùng phát thành dịch bệnh.
“Thủy đậu là bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước nhưng rất dễ gây nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước, có thể dẫn đến biến chứng như viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm não... Di chứng sau đó có thể kèm theo như điếc, động kinh, chậm phát triển tinh thần vận động… Đặc biệt phụ nữ mang thai nếu mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sảy thai hoặc để lại dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Ở người lớn với các biểu hiện đôi khi còn nặng nề hơn”, TS.BS Nguyễn Đăng Mạnh cảnh báo.
Cách phòng ngừa thủy đậu
TS.BS Đăng Mạnh cho biết, với bệnh thủy đậu, hiện nay vẫn chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu mà việc điều trị chủ yếu tập trung làm giảm nhẹ các triệu chứng và giữ cho BN không bị mất nước. Vì vậy việc chăm sóc người bệnh thủy đậu có vai trò quan trọng, cần đảm bảo ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn các thức ăn mềm, uống đủ nước, có thể uống thêm nước hoa quả, vệ sinh mũi họng hằng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý, thay quần áo và tắm rửa hằng ngày bằng nước ấm sạch, tránh gãi làm vỡ các nốt phỏng vì dễ gây bội nhiễm và tạo sẹo.
“Thủy đậu là bệnh lành tính, do vậy có thể tự điều trị tại nhà. Việc phát hiện bệnh sớm để được điều trị tại nhà theo chỉ định của bác sĩ là rất quan trọng. Các trường hợp bị biến chứng cần điều trị nội trú tại bệnh viện theo đúng liệu trình của bác sĩ”, bác sĩ Mạnh lưu ý thêm: Để bệnh nhanh thuyên giảm và an toàn khi điều trị, cần lưu ý: Mặc đồ rộng, vải mềm và dễ thấm hút mồ hôi để tránh làm vỡ các nốt mụn nước, cần tránh ra gió nhiều; Không gãi vào các nốt mụn nước thủy đậu, tránh để dịch lây lan ra nhiều hơn; Giữ gìn vệ sinh cơ thể bằng các dung dịch sát khuẩn, sử dụng nước ấm để tắm rửa nhẹ nhàng, không dùng nước lạnh hoặc nước quá nóng. Cần chủ động cách ly tránh lây truyền bệnh sang cho người khác. Khi có dấu hiệu của những biến chứng do thủy đậu gây ra, cần đưa người bệnh đến ngay bệnh viện uy tín để khám chữa kịp thời.
“Trong vòng 5 năm đầu đời, trẻ mới xây dựng được hệ miễn dịch hoàn thiện, vì vậy việc tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch là cách tăng cường sức đề kháng hiệu quả với trẻ. Trì hoãn lịch tiêm có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đã được loại trừ hoặc khiến các bệnh truyền nhiễm, bội nhiễm như cúm, sởi, thủy đậu, viêm họng, viêm phổi... trở nên nặng hơn và khó điều trị hơn”.
TS.BS Nguyễn Đăng Mạnh
|
Bệnh thủy đậu có thể lây lan nhanh chóng và trở thành dịch nên việc phòng ngừa là rất quan trọng. Tiêmvaccine là biện pháp phòng tránh thủy đậu hiệu quả và lâu dài nhất. Với trẻ em việc tiêm ngừa vaccine thủy đậu càng quan trọng. Nếu gia đình có trẻ nhỏ hãy đưa trẻ tới cơ sở y tế uy tín để tiêm theo đúng liều lượng quy định. Lịch tiêm gồm: Mũi 1: Tiêm khi trẻ trên 1 tuổi; Mũi 2: Trẻ từ 1 - 13 tuổi: tiêm cách mũi 1 tối thiểu 3 tháng. Trẻ 13 tuổi trở lên: Tiêm cách mũi 1 ít nhất 1 tháng. Đối với các trẻ lớn hơn và người lớn, nên tiêm đủ 2 liều cách nhau ít nhất 6 tuần là tốt nhất.
Khi tiếp xúc với người đang mắc bệnh thủy đậu cần đeo khẩu trang và sau đó cần rửa tay sạch sẽ. Không sử dụng đồ dùng cá nhân với người nhiễm bệnh, không chạm vào các mụn nước thủy đậu. Người bệnh cần được cách ly với người thân cũng như cộng đồng, tránh để lây nhiễm rộng rãi./.