Dị tật bẩm sinh khe hở môi vòm miệng không chỉ ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ mà còn khiến trẻ gặp nhiều khó khăn trong ăn uống và sinh hoạt hằng ngày. Cha mẹ nên cho con khám sớm để được tư vấn can thiệp đúng quy trình, giúp trẻ phát triển tốt nhất có thể.
Phẫu thuật đúng thời điểm để có kết quả tốt nhất
Sáng ngày 22/3/2023, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội và Tổ chức Smile Train phối hợp tổ chức chương trình Tư vấn điều trị toàn diện và phẫu thuật miễn phí cho trẻ khe hở môi - vòm miệng (KHMVM). Đây là hoạt động thường kỳ nhằm tư vấn và hướng dẫn các gia đình hiểu rõ hơn về quy trình điều trị toàn diện cho bệnh nhân KHMVM. Việc hướng dẫn cách chăm sóc răng miệng cho trẻ KHMVM theo tài liệu chuyên gia quốc tế cũng như quyền lợi của bệnh nhân (BN) khi tham gia chương trình này có thể điều trị triệt để nhất, để trả lại gương mặt và nụ cười cho các bé mắc dị tật này.
Từ 10 năm nay, Tổ chức Smile Train đã đồng hành với Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội phẫu thuật nhân đạo cho khoảng 3.000 BN có dị tật KHMVM. Bà Trần Huyền Trang, Giám đốc Smile Train Việt Nam chia sẻ, các cháu bị dị tật này đa phần có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu vùng xa nên họ đi lại rất khó khăn, vất vả. Chính vì lẽ đó, ngoài việc hỗ trợ cho 16 BV lớn trên cả nước, đơn vị này còn mong muốn giúp các kỹ thuật viên được đào tạo, nâng cao tay nghề chữa trị môi vòm miệng, đặc biệt phẫu thuật dị tật trong thời gian rất dài để tất cả các BN thiếu may mắn được tiếp cận với chương trình phẫu thuật miễn phí một cách kịp thời và chất lượng nhất có thể.
“Trước đây, trung bình mỗi năm BV RHM chỉ mổ vài trăm BN theo đợt, nhưng đến nay BV đã tổ chức mổ đều đặn quanh năm, giúp các gia đình không phải chờ đợi một thời gian dài như trước đây nữa, đồng thời còn giúp việc theo dõi định kỳ được tốt hơn. Bởi trước và sau phẫu thuật còn rất nhiều vấn đề chăm sóc, trị liệu liên quan. Đặc biệt, với trường hợp nặng, nếu không được phẫu thuật và nắn chỉnh răng sớm, trẻ sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Hiện Smile Train mới chỉ hỗ trợ các bé giai đoạn phẫu thuật. Do vậy, chúng tôi mong muốn tương lai sẽ phát triển được nhiều gói hỗ trợ hơn nữa để đẩy mạnh mô hình điều trị toàn diện và phẫu thuật miễn phí, giúp các cháu từ 0 tháng tuổi đến lúc trưởng thành. Với quan điểm “không bao giờ kết thúc nếu còn BN tiếp tục mổ”, chúng tôi cũng hy vọng lan tỏa mạnh hơn đến nhiều BV tuyến dưới để được đồng hành ngay khi họ có thể”, bà Trang bộc bạch.
Chị L.T.H (dân tộc Mường, Bắc Hà, Lào Cai) đưa con gái thứ 2 (L.T.B.Tr hơn 3 tuổi) đến khám để phẫu thuật lần 2. Chị H cho biết, khi có bầu bé Tr chị không biết vì con đầu mới 5 tháng tuổi, trong giai đoạn đó chị bị cúm vài lần. Lần đầu đưa con đi khám sức khỏe, chị H nghe các bác sĩ nói hình như con bị sứt môi, nhưng chị không biết sứt môi là gì. Khi bác sĩ cho chuyển tuyến tỉnh, cho nhìn hình ảnh siêu âm và phân tích, lúc ấy chị H mới biết sứt môi sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào nên rất lo lắng. “Mẹ con tôi phải đi lại 4 lần mới được mổ vì cứ chuẩn bị mổ thì con bị sốt, hoặc bạch cầu cao. Sau khi mổ, con ăn uống tốt hơn trước rất nhiều, gia đình tôi biết ơn các bác sĩ lắm”, chị H bày tỏ.
Bác sĩ Hoàng Thị Hương, khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội cho biết: “Không phải BN nào cũng được mổ vá môi đúng thời điểm (3-6 tháng tuổi) và đạt được kết quả lý tưởng vì có trẻ bị sinh non nhẹ cân hoặc kèm dị tật tim bẩm sinh, tim thông liên thất, thông liên nhĩ phối hợp; có khi còn kèm các dị tật thiểu năng trí tuệ và các viêm nhiễm tại chỗ, viêm đường hô hấp, VA quá phát... Vì vậy, việc chăm sóc dinh dưỡng toàn diện từ bào thai đến khi chào đời là rất quan trọng. Khi trẻ đáp ứng điều kiện về tháng tuổi, cân nặng, các xét nghiệm trong giới hạn an toàn thường vết mổ sẽ đẹp và an toàn tuyệt đối.
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên dị tật này, trong đó có thể do người mẹ nhiễm virus, nhất là virus cúm trong 3 tháng đầu mang thai. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn những ông bố, bà mẹ còn thiếu hiểu biết và cho rằng con bị như thế là do nghiệp chướng, là do ma làm... nên còn mặc cảm, tâm lý rất căng thẳng và nặng nề mà không biết con cần đi khám sớm để chúng tôi tư vấn điều trị đúng thời điểm và đúng quy trình, nhằm khắc phục tối đa các nhược điểm do dị tật gây ra, giúp các con đỡ thiệt thòi, hòa nhập cộng đồng”.
Cơ hội để trẻ hòa nhập cộng đồng
Nếu như trước đây, các bé bị dị tật KHMVM phải đủ sức khỏe, cân nặng... mới được phẫu thuật đóng khe hở và phải chờ đúng đợt có tài trợ, thì nhiều năm nay, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội đã phối hợp với các nhà tài trợ để tiếp đón các bé có dị tật này được mổ sớm nhất và bất kỳ thời điểm nào trong năm.
“Với dị tật KHMVM Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội có 1 đội ngũ đặc biệt để lên kế hoạch tư vấn và điều trị toàn diện cho BN. Cụ thể là tuyên truyền giáo dục từ tiền hôn nhân đến quản lý bào thai, chăm sóc dinh dưỡng cho bé đến lúc trưởng thành theo hướng dẫn của Liên đoàn Nha khoa thế giới. Chúng tôi tự hào có đủ đội ngũ chuyên gia về ngữ âm trị liệu, nắn chỉnh răng, phẫu thuật chỉnh hình thẩm mỹ... Đặc biệt, tới đây, chúng tôi sẽ ký kết với tổ chức Smile Train nhằm tăng cường các gói hỗ trợ, mong giúp được nhiều trẻ dị tật KHMVM. Trước đây có rất nhiều trường hợp khi siêu âm phát hiện dị tật đã đình chỉ thai nghén. Đây là điều rất đau xót. Nhưng khi cha mẹ hiểu được tất cả những dị tật này chúng tôi đều có thể điều trị được tốt để hòa nhập cộng đồng. Và đã có rất nhiều cháu sau khi phẫu thuật chỉnh hình đã trở thành nhân tài tương lai của đất nước”, PGS.TS Trần Cao Bính, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội chia sẻ.
“Mổ môi vòm miệng là phẫu thuật rất khó, đòi hỏi các phẫu thuật viên có kinh nghiệm và trách nhiệm cao. Nếu mổ không tốt, phải sửa lại sẽ vô cùng vất vả vì cơ thể các bé non nớt, mỗi lần mổ thì các tổ chức bị xơ hóa, co dúm khi mổ và đóng lại là vô cùng khó khăn. Thậm chí, sau này nắn chỉnh răng cho các cháu hở môi vòm miệng này cũng khó hơn rất nhiều so với người bình thường. Tôi cũng lưu ý, quy trình điều trị dị tật KHMVM kéo dài từ lúc chào đời đến khi trưởng thành, với rất nhiều bước can thiệp theo đúng thời điểm nhất định mới đạt hiệu quả. Nếu gia đình nào không may có con mắc dị tật này thì cha mẹ phải biết nắm bắt để có kế hoạch đưa con em mình đến cơ sở nào, tùy điều kiện để có kết quả tốt đẹp nhất”.
PGS.TS Lê Ngọc Tuyến, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ,
BV Răng hàm Mặt Trung ương Hà Nội
|
Trẻ bị sứt hở môi vòm thì việc bú mẹ là vô cùng khó khăn. Đến giai đoạn ăn dặm, trẻ dễ có nguy cơ bị sặc do khoang miệng và khoang mũi thông nhau, từ đó dễ dẫn đến viêm nhiễm đường hô hấp trên và dưới, nên những đứa trẻ này hay bị suy dinh dưỡng. Nếu trẻ kết hợp cả sứt môi, hở vòm miệng có thể để lại di chứng nặng nề về sau này như: thiểu sản phần môi trên, thiểu sản phần giữa mặt (cả phần mềm và xương), gây biến dạng khuôn mặt. Do vậy, phẫu thuật càng sớm càng cải thiện tốt thẩm mỹ của gương mặt, khả năng ăn uống cũng như khả năng phát âm.
“Những trẻ có khe hở môi được phẫu thuật tạo hình môi lần 1 từ 3 - 6 tháng tuổi khi đủ các điều kiện về cân nặng và sức khỏe. Phẫu thuật tạo hình khe hở vòm miệng từ 18 - 24 tháng tuổi khi đủ cân nặng và không có viêm nhiễm hay sốt kèm theo. Sau đó trẻ bắt đầu tập nói, luyện ngữ âm và tiếp tục khám để chỉnh nha, ghép xương, nâng mũi nếu trẻ có dị tật. Và tiếp tục quy trình để khắc phục tối đa các nhược điểm từ sứt môi, hở vòm miệng đến khi con 20 tuổi, giúp trẻ có thể trở thành một người bình thường”, BS Hương diễn giải.
Các bác sĩ cho biết, hiện nay, trẻ có dị tật KHMVM đều được tư vấn điều trị toàn diện và phẫu thuật miễn phí khe hở môi - vòm miệng. Ngoài ra, gia đình có hoàn cảnh khó khăn còn được hỗ trợ chi phí đi lại. “Chúng tôi phục vụ BN 365 ngày/năm, không cần chờ đợi giấy chuyển tuyến. Thực tế có BN ngoài 40 tuổi mới phẫu thuật đóng khe hở môi vòm chỉ vì lo lắng khi về già, nếu ốm đau, không tự ăn thì con cháu bón cháo sữa sẽ bị sặc. Hoặc có BN ngoài 20 tuổi mới phẫu thuật vì bị bạn bè trêu chọc nói ngọng. Những BN phẫu thuật muộn thì lúc này chúng tôi chỉ trả lại phần hình thể thẩm mỹ, giúp người bệnh hòa nhập cộng đồng chứ không thể khắc phục được phần ngữ âm. Đấy là một thiệt thòi rất lớn của người bệnh”, bác sĩ Hương nhắn nhủ./.
“Nếu mẹ bầu siêu âm phát hiện thai nhi có di tật khe hở môi vòm hoặc ngay sau sinh có thể đưa bé đến khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội khám và nghe tư vấn, từ đó có thể hình dung về toàn bộ quá trình chữa trị cho con. Bố mẹ cần kiên nhẫn, và hiểu được quy trình thì sẽ giúp các con có được kết quả sau điều trị tốt nhất” - BS Hoàng Thị Hương.
|
Lưu Hường