Ghép tế bào gốc tạo máu tự thân: Cơ hội mới cho người bệnh lupus ban đỏ hệ thống

Mục đích của phương pháp này là sau ghép TBG tạo máu tự thân, bệnh lupus sẽ ổn định thời gian rất dài và trong thời gian đó BN không phải dùng thuốc.

 

Lần đầu tiên tại Việt Nam, các bác sĩ BV108 đã ứng dụng thành công phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu tự thân điều trị căn bệnh lupus ban đỏ hệ thống, giúp người bệnh có một cuộc sống như những người bình thường mà không phải phụ thuộc vào thuốc điều trị.

Bệnh gây nhiều biến chứng nguy hiểm

Theo TS.BS Nguyễn Lan Anh, Chủ nhiệm khoa Dị ứng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (BV108), lupus ban đỏ hệ thống là bệnh viêm hệ thống, tự miễn phức tạp chưa rõ nguyên nhân. Tổn thương của bệnh rất đa dạng, có thể biểu hiện ở da, niêm mạc, thần kinh-tâm thần, tim mạch, thận, phổi-màng phổi... với nhiều mức khác nhau và gặp ở mọi lứa tuổi, mặc dù được chẩn đoán sớm, điều trị đúng theo các phác đồ truyền thống nhưng vẫn có tỷ lệ không nhỏ người bệnh không những không đỡ mà còn chịu nhiều tác dụng phụ.

“Cho tới nay, điều trị bệnh lupus ban đỏ hệ thống còn gặp nhiều khó khăn và thách thức do hiệu quả điều trị hạn chế, tác dụng phụ và tai biến biến chứng trong điều trị cao, nhiều trường hợp điều trị dai dẳng không những không có kết quả mà bệnh có xu hướng nặng lên, gây tổn thương nhiều cơ quan nội tạng, nhiều trường hợp tử vong, chất lượng cuộc sống của người bệnh bị ảnh hưởng nặng nề”, TS.BS Lan Anh chia sẻ.

TS.BS Nguyễn Lan Anh thăm khám cho bệnh nhân lupus tại BV108.TS.BS Nguyễn Lan Anh cho biết, khi mắc lupus ban đỏ hệ thống, người bệnh phải tuân thủ điều trị cả đời. Việc điều trị thuốc khiến người bệnh chịu rất nhiều tác dụng phụ, chưa kể nếu BN không đáp ứng với các phác đồ cơ bản thì bệnh sẽ vẫn tiến triển từ từ và nguy cơ có thể tử vong, tổn thương tim, thận, phổi, não hoặc nhiễm khuẩn các cơ quan...

Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng, ghép tế bào gốc (TBG) tạo máu tự thân mang lại kết quả khả quan, đặc biệt thành công nhất ở giai đoạn sớm của bệnh, hiệu quả điều trị đạt được gần như tuyệt đối ở giai đoạn sớm nhưng giảm dần tác dụng ở giai đoạn muộn. Chính vì điều đó, BV108 đã tiến hành nghiên cứu đề tài ghép TBG tạo máu tự thân trong điều trị bệnh nhược cơ và lupus ban đỏ hệ thống. Đây là nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia, đề tài độc lập cấp nhà nước được Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho BV108 chủ trì mà PGS.TS Mai Văn Viện làm chủ nhiệm cùng các cộng sự đã và đang thực hiện. Cho đến nay 8 BN đã được ghép thành công, trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường.

Là 1 trong 4 BN lupus ban đỏ hệ thống được thử nghiệm ghép TBG tại BV108, chị Ngô Thị Minh N (SN 1975, ở Lâm Đồng) may mắn được nhóm nghiên cứu chọn lựa và ghép TBG thành công. Chị N cho biết, chị phát hiện ra bệnh lupus từ năm 2009 khi thấy mệt mỏi, hồng cầu tụt xuống mức thấp nhất, đi tiểu ra máu nhiều. Từ đó, cứ đều đặt mỗi tháng/lần chị phải khám lại tại BV Chợ Rẫy (TP.HCM) và lấy thuốc điều trị đến tận 2012. Lúc này BS nói bệnh của chị ổn, không phải dùng thuốc men gì. Đến cuối 2019, chị thấy đau đầu dữ dội, mới biết mình bị tai biến, phải đồng thời uống thuốc điều trị bệnh tai biến và lupus. Nhưng đến cuối 6/2021, tự nhiên tôi thấy chân phù lên, đến BV ĐH Y dược TP.HCM thì kết luận bị biến chứng vào thận, và điều trị thận cho ổn suốt từ tháng 6-10/2021.

Theo TS.BS Nguyễn Lan Anh, Chủ nhiệm khoa Dị ứng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.Mở ra cơ hội mới cho người bệnh

Trong khi dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh, đến 10/2021 chị N biết tin BV108 có phương pháp ghép TBG điều trị bệnh lupus, chị liên lạc với BS của BV108 để xin được ứng dụng kỹ thuật này và chờ đợi. Khi dịch dã ổn, đường sá thông thương, BN đáp chuyến máy bay đầu tiên ra BV108. “Lúc ấy cơ thể rất mệt mỏi, tóc rụng, chân tay phù to, chân khô nứt nẻ như da rắn, trong khi trước đó da của tôi rất đẹp. Khi gặp BS Lan Anh để kiểm tra, đánh giá tình trạng thì BS nói các chỉ số đều đáp ứng tốt để ghép. BS cũng nói khi ghép sẽ có rất nhiều rủi ro nhưng tôi và gia đình rất quyết tâm. Tôi cũng tìm hiểu trên thế giới đã làm rất thành công kỹ thuật này nên hoàn toàn tin tưởng vào tay nghề của các sĩ BV108. May mắn, các chỉ số xét nghiệm đạt chuẩn, tháng 11/2021, tôi được tiến hành ghép TBG, đến nay sức khỏe trở lại như bình thường. Đặc biệt tôi không phải dùng thuốc. Lần tái khám cuối là 28/12/2022 các bác sĩ thông báo các chỉ số xét nghiệm của tôi đều tốt, thận hồi phục cực kỳ mỹ mãn”, chị N vui mừng thông báo.

Là người trực tiếp theo dõi sức khỏe cho chị N, TS.BS Lan Anh cho biết, ghép TBG tạo máu tự thân là phương pháp hoàn toàn mới được triển khai trên thế giới và chưa được thực hiện tại Việt Nam. Mục đích của phương pháp này là sau ghép TBG tạo máu tự thân, bệnh lupus sẽ ổn định thời gian rất dài và trong thời gian đó BN không phải dùng thuốc.

“Phần lớn các nghiên cứu đều chỉ ra hiệu quả làm giảm triệu chứng của ghép TBG đối với bệnh lupus ban đỏ hệ thống với thời gian sống không bệnh trung bình sau 5 năm là trên 50%. Chỉ định ghép TBG ở BV108 hiện mới ưu tiên áp dụng cho BN lupus ban đỏ hệ thống không đáp ứng thuốc điều trị thông thường hoặc BN chịu tác dụng phụ của thuốc nhiều. Với thành công bước đầu, hy vọng sau này, khi chúng tôi bắt đầu điều trị rộng rãi lâu dài thì sẽ mở rộng chỉ định hơn”, TS.BS Nguyễn Lan Anh chia sẻ./.

“Người bệnh lupus ban đỏ hệ thống khi phải điều trị thuốc dài ngày thường có tâm lý rất mệt mỏi, do áp lực về chi phí điều trị, do phải tái khám định kỳ. Bên cạnh đó, những bệnh nhân chịu tác dụng phụ của thuốc điều trị không hiếm: tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm loét dạ dày, hội chứng cushing... Ghép TBG tạo máu tự thân là phương pháp hoàn toàn mới được triển khai trên thế giới và chưa được thực hiện ở Việt Nam. Mục đích của phương pháp này là sau ghép TBG tạo máu tự thân là bệnh lupus sẽ ổn định một thời gian rất dài. Và trong thời gian đó BN không cần dùng thuốc người ta gọi là khỏi bệnh không dùng thuốc được bao nhiêu năm. Khoảng thời gian đấy nó như là “cứu cánh” cho BN”.

TS.BS Nguyễn Lan Anh

Hương Giang

 

Bình luận

    Chưa có bình luận