Bệnh khó nói và dễ nhầm lẫn
Són tiểu hay tiểu không kiểm soát là bệnh lý rất hay gặp ở phụ nữ. Tỷ lệ này (chiếm tới 20-30%) tăng dần theo tuổi, đặc biệt với người sinh nhiều lần, sinh con to, can thiệp nạo hút thai nhiều lần. Ngoài việc gây ẩm ướt, mất vệ sinh, bệnh són tiểu còn tạo ra tâm lý mất tự tin, ảnh hưởng tới cuộc sống lao động cũng như quan hệ vợ chồng. Đây là bệnh tế nhị nên chị em còn e ngại, xấu hổ không dám chia sẻ và khám đúng chuyên khoa. Do đó bệnh không được điều trị dứt điểm.
Theo TS.BS Lê Nguyên Vũ, chuyên khoa Thận tiết niệu - ghép tạng, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), són tiểu ở phụ nữ là tình trạng rò rỉ nước tiểu ra ngoài không kiểm soát. Mức độ nhẹ là bị són tiểu khi có hoạt động mạnh như ho nhiều, xách nặng, làm việc gắng sức, chơi thể thao; còn ở mức độ nặng là chỉ thay đổi tư thế, cười hoặc hắt hơi cũng có thể ra nước tiểu. Són tiểu được chia thành 3 loại, dựa vào nguyên nhân khác nhau. Thứ nhất, són tiểu gắng sức là do nhão yếu các cơ nâng đỡ tầng sinh môn gây ra tình trạng niệu đạo di động quá mức khi gắng sức. Thứ hai, són tiểu do bàng quang tăng hoạt tính. Loại són tiểu do sự tăng áp lực hoặc co bóp bất thường cơ bàng quang ngay khi ít nước tiểu, cho dù cơ nâng đỡ tầng sinh môn và van niệu đạo vẫn bình thường. Nguyên nhân có thể do khối u, sỏi… đôi khi không rõ nguyên nhân. Thứ 3 là són tiểu hỗn hợp, là tình trạng phối hợp cả són tiểu gắng sức và són tiểu do bàng quang tăng hoạt tính. Với són tiểu nhẹ, chỉ điều trị nội khoa và dùng thuốc nhưng có trường hợp vẫn không thể trị dứt điểm.
Chị Nguyễn Thị Hiên, 55 tuổi, ở Hải Dương cho biết, cách đây 2 năm, mỗi lần bị ho hoặc làm những công việc nặng, nếu không chạy kịp vào nhà vệ sinh là bị són tiểu. Khi đến BV Việt Đức khám, bác sĩ kết luận chị Hiên bị són tiểu gắng sức, phải dùng phương pháp T.O.T (Trans Obturateur Tape: Đặt dải băng nâng đỡ niệu đạo qua lỗ bịt). “Vì lâu ngày tôi không chữa trị nên bộ phận sinh dục bị viêm nhiễm và mắc bệnh ngoài da. Từ ngày áp dụng phương pháp này, 2 năm nay tôi không còn tình trạng són tiểu nữa. Giờ tôi có thể tự tin khi lao động hay đi xa”, chị Hiên bày tỏ.
Cũng do e ngại và nghĩ người già ai cũng mắc bệnh này, bà Nguyễn Thị Hằng, 70 tuổi ở Hà Nội phải sống chung với bệnh són tiểu hơn 6 năm mới chịu đến BV Việt Đức điều trị. “Cách đây 3 năm, tôi đi khám ở bệnh viện huyện, bác sĩ bảo tôi có sỏi bàng quang và giới thiệu đến Việt Đức kiểm tra lại. Một năm sau tôi mới vay đủ tiền ra BV Việt Đức thì mới biết bị thêm bệnh són tiểu nặng, phải dùng phương pháp T.O.T. Trước kia, mỗi ngày tôi phải thay quần chục lần. Từ ngày điều trị, đến nay sau 2 năm, bệnh của tôi đã khỏi dứt điểm”, bà Hằng tươi cười nói.
Nên thăm khám đúng chuyên khoa
Là người trực tiếp điều trị cho những bệnh nhân són tiểu, TS.BS Lê Nguyên Vũ cho biết, T.O.T là phương pháp điều trị ít xâm lấn và hiệu quả tới 95%, được cho là chìa khóa “vàng” trong điều trị són tiểu ở phụ nữ. “Phẫu thuật viên chỉ cần rạch vết nhỏ 0,5cm ở thành trước âm đạo, sau đó luồn dải băng tổng hợp đỡ phần sau niệu đạo, dưới cổ bàng quang nhằm tạo ra một vùng đệm chắc chắn thay thế cho phần cơ đã nhão, yếu. Giống như việc mình đắp con đê giúp chặn lại dòng tiểu són ra. Can thiệp đặt dải băng khoảng 30 phút. Sau khi ra viện trong ngày có thể làm việc bình thường”, TS Vũ phân tích.
TS Vũ cũng lưu ý, với phụ nữ sa tử cung hoặc sa sinh dục cũng có thể gây són tiểu, nhưng nếu dùng đơn độc phương pháp T.O.T thì không hiệu quả mà cần kết hợp khâu treo bàng quang và khâu treo tử cung hoặc cắt tử cung… Do vậy, khi bị són tiểu, người bệnh bắt buộc phải đến chuyên khoa thận tiết niệu hoặc phụ sản để khám và thăm dò phương pháp niệu đạo học xem mức độ tổn thương như thế nào, từ đó mới chỉ định điều trị đúng đắn và hiệu quả.