Lưu ý khi tích trữ đồ ăn trong tủ mát và đông đá

Tích trữ thức ăn là thói quen của nhiều gia đình, tuy nhiên việc này có thể mang lại nhiều nguy cơ tiềm ẩn.

 

Theo chuyên gia dinh dưỡng TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, tích trữ thức ăn là thói quen của nhiều gia đình, đặc biệt trong những ngày Tết, tuy nhiên việc này có thể mang lại nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Với những thực phẩm tươi sống hoặc đã chế biến đều có “hạn sử dụng” nhất định.

Ví dụ các loại thịt cá, hải sản có thể bảo quản trong tủ lạnh 5 ngày còn các loại rau xanh và hoa quả có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh 3-4 ngày. Việc để lâu ngày trong tủ lạnh sẽ có nguy cơ mất chất, biến chất hay nhiễm khuẩn. Việc tích trữ đồ ăn chật cứng trong tủ lạnh khiến khí lạnh không thể lưu thông, tủ lạnh sẽ bị nóng lên và các vi khuẩn sẽ sinh sôi nhiều hơn; Và sau đó, các vi sinh vật sẽ sản sinh ra những chất độc như nitrit, amoniac. Việc hấp thụ nitrit quá nhiều tại một thời điểm có thể gây ngộ độc cấp tính cho người dùng.

TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam.

Còn với thực phẩm khô như các loại hạt, ngô, khoai… nếu không bảo quản đúng cách thì tích trữ lâu sẽ gây ra nấm mốc, sâu mọt, vi khuẩn xâm nhập. Nếu sử dụng những thực phẩm đã xuất hiện nấm mốc có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư.

Đặc biệt, với điều kiện khí hậu nóng ẩm ở nước ta như hiện nay thì việc bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh hoặc tủ đông là rất cần thiết. Tuy nhiên, để bảo quản đúng cách, khi trữ đông thực phẩm cần chú ý: Với thực phẩm tươi sống như thịt cá, cần vệ sinh thực phẩm sạch sẽ trước khi bảo quản sau đó cần bảo quản trong hộp có nắp đậy kín, ngoài ra cần chia nhỏ thực phẩm thành phần đủ dùng, tránh để thực phẩm mang ra rã đông nhiều lần để hạn chế nguy cơ nhiễm vi sinh vật; Không nên tích trữ quá nhiều thực phẩm vì có thể gây giảm năng suất của tủ lạnh.

TS.BS Trương Hồng Sơn cũng lưu ý nhiệt độ bảo quản thích hợp trong tủ mát là dưới 4 độ C, còn ngăn đá là dưới âm 18 độ C. Ngoài ra cần sắp xếp thực phẩm hợp lý, những thực phẩm chín cần để lên trên, thực phẩm sống cần để xuống dưới và tốt nhất để khác ngăn để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn chéo./.

Hương Giang

 

Bình luận

    Chưa có bình luận