Ứng dụng khám chữa bệnh từ xa tại BV Răng Hàm Mặt Trung ương

Ứng dụng khám chữa bệnh từ xa giúp các bác sĩ đưa ra chỉ định điều trị kịp thời, người dân sẽ tiết kiệm chi phí điều trị và đi lại.

 

Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội vừa tổ chức Hội nghị tổng kết sau hơn 2 năm thực hiện Đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020 - 2025. PGS.TS.BS Trần Cao Bính, Giám đốc Bệnh viện chia sẻ với phóng viên Báo Tiếng nói Việt Nam về những thành tựu to lớn này.

Thưa PGS.TS.BS Trần Cao Bính, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội, trong đó có Đề án Khám chữa bệnh từ xa, có ý nghĩa quan trọng như thế nào?

Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế, trong đó có Đề án Khám chữa bệnh (KCB) từ xa là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và Bộ Y tế. Đề án KCB từ xa của Bộ Y tế giai đoạn 2020 - 2025 đã chính thức đi vào hoạt động từ 8/2020 tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội, với mục đích: Cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn cho các bệnh viện tuyến dưới đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa; hội chẩn các ca bệnh khó gồm chẩn đoán hình ảnh và giải phẫu bệnh; tuyên truyền các phương pháp phòng chống và chăm sóc các bệnh lý thuộc lĩnh vực răng-hàm-mặt... để người dân được hưởng dịch vụ y tế có chất lượng cao như các bệnh viện tuyến trên ngay tại tuyến y tế cơ sở.

PGS.TS.BS Trần Cao Bính, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội. Việc các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn từ các bệnh viện tuyến Trung ương dựa trên nền tảng công nghệ thông tin (Telehealth), góp phần phòng chống lây nhiễm dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện truyến trên, và giúp đội ngũ y, bác sĩ tuyến dưới có thêm kiến thức, tự tin hơn trong điều trị và giúp tận dụng "giờ vàng" cứu chữa người bệnh, từ đó giảm thiểu tối đa các ca tử vong.

Đề án KCB từ xa còn có nhiệm vụ góp phần nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh theo phương thức kết hợp của bác sĩ tuyến trên với bác sĩ tuyến dưới theo mô hình 1-4-4-2. Tức là 1 bác sĩ tuyến trên hỗ trợ cho 4 bác sĩ tuyến tỉnh, 4 bác sĩ tuyến huyện và 2 bác sĩ tuyến xã. Trong đó, bác sĩ tuyến trên đóng vai trò như người bảo trợ, hỗ trợ cho tuyến dưới khi cần thiết.

Có thể nói Đề án KCB từ xa đến nay không chỉ là kênh kết nối nhanh chóng, linh hoạt giữa các tuyến, các bệnh viện qua hệ thống Telehealth, mà còn có thể hỗ trợ giúp ca bệnh khó kết nối với bác sĩ bất cứ thời điểm nào để xử lý trong các tình huống khẩn cấp... Vì thế, ứng dụng Telehealth đã mang lại tác dụng rất hữu ích cho cả người bệnh và hệ thống y tế.

Sau hơn 2 năm triển khai Đề án, đến nay đã đạt được kết quả như thế nào, thưa ông?

So với thời gian đầu chúng tôi chỉ có vài cơ sở lớn tuyến tỉnh tham gia hội chẩn tư vấn, KCB từ xa thì đến nay con số đã trải khắp 31 tỉnh, thành phía Bắc. Nếu như những ngày đầu, các đơn vị tuyến dưới còn lúng túng mỗi khi trình bày nội dung hội chẩn ca bệnh, thì hiện nay các bạn ấy rất trưởng thành cả về mặt kiến thức và trình bày, học thuật. Điều đó cho thấy, hiệu quả chất lượng nâng lên rất rõ.

Đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát nghiêm trọng, việc đi lại khó khăn, những ca bệnh khó vẫn được giải quyết đảm bảo, thường xuyên ngay tại tuyến cơ sở nhờ có Teleheath. Chẳng hạn những ca chấn thương nặng ở Thái Bình vào thời điểm giãn cách xã hội, đã xin lịch hội chẩn để chúng tôi tư vấn; hay những ca bệnh ở tuyến dưới dù đã thực hiện thường quy, hoặc gặp một số ca bệnh khó... họ cũng xin kết nối để được tư vấn từ các chuyên gia, rằng làm như thế có đúng không, từ đó sàng lọc ca bệnh tốt hơn.

Tinh thần hăng hái học tập qua mỗi buổi hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở tuyến dưới bởi các chuyên gia đầu ngành qua Telehealth đã khẳng định chất lượng chuyên môn được nâng cao khi ngày càng nhiều bệnh nhân không phải đi lên tuyến trên điều trị. Điển hình là Thành phố Hải Phòng, Tỉnh Thái Bình, Nghệ An, Hòa Bình, Yên Bái, Thái Nguyên...

Một buổi trao đổi nghiệp vụ, hội chẩn từ xa tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội.Như ông vừa nói, việc KCB từ xa đến nay đã được bao phủ 31 tỉnh, thành. Tuy nhiên, việc nâng cao trình độ chuyên môn cho tuyến dưới cần cập nhật như thế nào để người bệnh an tâm điều trị ngay tại tuyến cơ sở?

Ngay từ khi triển khai Đề án KCB từ xa chúng tôi đã thực hiện đầy đủ nội dung các loại hình KCB bao gồm: hội chẩn ca bệnh, cập nhật các kiến thức mới, hội chẩn phẫu thuật, sinh hoạt cập nhật và chuyển giao các kiến thức mới cho các đồng nghiệp ở tuyến dưới có trình độ tay nghề nhất định, nhằm đáp ứng được hai mục tiêu chung. Thứ nhất, mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến Trung ương đến tuyến cơ sở; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng cao của tuyến trên - tuyến Trung ương ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới. Thứ hai, các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến Trung ương dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, góp phần phòng chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện truyến Trung ương, nâng cao chất lượng, hiệu quả KCB và hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

BV Răng Hàm Mặt Trung ương có rất nhiều thế mạnh. Với lĩnh vực bệnh lý răng, miệng, hàm, mặt có thế mạnh ngang tầm khu vực và thế giới như: Phẫu thuật chỉnh hình xương, nắn chỉnh răng, phẫu thuật hàm mặt, kỹ thuật vi phẫu, điều trị răng trẻ em dưới an thần tỉnh và dưới gây mê; phẫu thuật sọ mặt...

Khi hội chẩn từ xa, tuyến dưới yêu cầu nội dung gì, chúng tôi sẽ cử các chuyên gia đầu ngành tham gia hội chẩn. Thậm chí, chúng tôi còn mời một số chuyên gia bậc thầy về các lĩnh vực đó để bổ sung ý kiến khi ca bệnh đó vượt quá khả năng, hoặc các thầy sẽ cập nhật bổ túc thêm kiến thức cho các bác sĩ tuyến dưới. Thông qua các buổi hội chẩn, trao đổi chuyên môn đó, giúp các bác sĩ đưa ra chỉ định điều trị kịp thời, từ đó người dân ở các bệnh viện tuyến dưới, kể cả vùng sâu vùng xa có thể yên tâm tiếp cận với hệ thống y tế chất lượng cao ngay tại địa phương, sẽ tiết kiệm chi phí điều trị và đi lại.

Trân trọng cảm ơn ông!

Lưu Hường thực hiện

 

Bình luận

    Chưa có bình luận