Phòng tránh biến chứng viêm da cơ địa ở trẻ

Viêm da cơ địa ở trẻ em nếu không biết cách chăm sóc và điều trị có thể gây biến chứng nặng, nguy hiểm đến tính mạng.

 

Viêm da cơ địa ở trẻ em nếu không biết cách chăm sóc và điều trị có thể gây biến chứng nặng, nguy hiểm đến tính mạng.

Tâm lý chủ quan

Theo bác sĩ Nguyễn Thùy Linh, Phó Trưởng khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương: Thời tiết hanh khô với độ ẩm thấp như hiện nay là yếu tố gây bất lợi cho làn da của trẻ. Hanh khô khiến nước trong tế bào bốc hơi nhiều qua làn da, làm cho da bị mất nước. Mất nước làm cho tế bào da không được căng tròn và gắn liền với nhau nữa, sẽ xuất hiện những vết nứt trên da, tạo ra các khe hở giữa các tế bào, tạo điều kiện cho các yếu tố vật lý, hóa học, vi sinh vật ngoài môi trường dễ xâm nhập vào da, tạo ra các phản ứng viêm. Nếu nhẹ thì da sẽ đỏ lên, khô, bong tróc vảy. Nặng hơn có thể xuất hiện mụn nước, chảy dịch, dễ nhiễm khuẩn cho da.

“Viêm da cơ địa là một bệnh viêm da tái phát, mãn tính. Khi hàng rào bảo vệ da bị suy yếu, không ngăn cản được các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài như virus, vi khuẩn, các chất vật lý, hóa học, sản phẩm chăm sóc da, chất tẩy rửa sử dụng hằng ngày... khiến các bệnh lý về da vốn có hoặc mới có dễ bùng phát, bội nhiễm. Đó cũng là lý do bệnh viêm da cơ địa hay tái phát vào mùa đông. Các bà mẹ vẫn quan niệm có thể bôi hoặc tắm các loại lá bệnh sẽ khỏi. Thậm chí cứ nghĩ sữa mẹ có thể chữa rất nhiều bệnh, vì thế khi con có những tổn thương trên da như chốc, nhọt, viêm da cơ địa thường lấy sữa mẹ để bôi lên da với hy vọng là con sẽ mau khỏi mà không hề biết đấy là phương pháp sai lầm, bệnh không những không thể khỏi mà còn làm cho bệnh nặng hơn”, bác sĩ Thùy Linh cho hay.

Viêm da cơ địa là một bệnh viêm da tái phát, mãn tính. Nếu chăm sóc da không đúng cách rất dễ bị tái phát.Cá biệt là trường hợp bệnh nhi N.H.A (5 tuổi, ở Hà Nội). Cháu A phải nhập trong tình trạng sốt, toàn thân đỏ ửng, ngứa ngáy vì da nổi nhiều mụn nước, bong tróc vảy sần và chảy dịch. Sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm da cơ địa bội nhiễm.

Chị H.A.H - mẹ bé cho biết, con bị chàm ở hai bên má từ khi mới sinh, mẹ cứ nghĩ bé bị nẻ nên đun nước trà xanh tắm nhanh khỏi, rồi chị mua các loại kem dưỡng da, chống nẻ bôi cho con. Thời gian đầu, bệnh tự khỏi nhưng về sau những nốt chàm ngày một to ra và lan xuống cổ. Gần đây, những nốt chàm đỏ lan khắp người khiến cháu ngứa ngáy, các nốt trên da nứt nẻ, chảy dịch, quấy khóc mẹ cho con đi khám thì bệnh đã biến chứng, khiến bé phải nhập viện. “Lần này con bị nặng nhất. Trước đó, tôi chỉ bôi kem dưỡng ẩm cho con thôi. Nhưng đợt này, con bôi mãi nhưng các nốt trên da vẫn mẩn đỏ, chảy dịch tôi mới cho đi khám thì bác sĩ bảo phải nhập viện ngay. Bác sĩ bảo con phải điều trị cả bôi và uống thuốc, phải cuốn băng gạc khắp người để thuốc ngấm, tạo điều kiện cho da nghỉ ngơi, ngấm thuốc, nhanh hồi phục và cháu đỡ ngứa, gãi”, chị H.A.H chia sẻ.

Nên thăm khám để điều trị đúng

Là người trực tiếp điều trị cho bé N.H.A, bác sĩ Nguyễn Thùy Linh cho biết, tình trạng của bé A bị bội nhiễm toàn thân, phải truyền kháng sinh để hạ sốt và điều trị bội nhiễm dài ngày. Ngoài ra trẻ cần bôi kem dưỡng ẩm toàn thân và dùng thuốc bôi tại chỗ để làm giảm viêm, giảm ngứa, tạo điều kiện cho tổn thương da lành lại.

Bác sĩ Nguyễn Thùy Linh cho biết, tổn thương điển hình của viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ là các đám da đỏ bên trên có mụn nước nhỏ li ti tập trung thành đám rất ngứa, những mụn nước này rất dễ vỡ, chảy dịch vàng, nếu không được điều trị sẽ bị nhiễm trùng, tạo nên các vảy tiết màu vàng nâu trên da. Tổn thương thường ở hai má, cằm và cẳng chân. Tình trạng này kéo dài mà không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách sẽ làm vảy tiết dày lên, lan ra toàn bộ vùng đầu mặt của trẻ. Nặng hơn nữa có thể gây ra tình trạng đỏ da toàn thân.

“Mỗi lứa tuổi sẽ có đặc trưng, điển hình của bệnh khác nhau và yêu cầu chăm sóc khác nhau. Tình trạng trẻ bị da đỏ toàn thân là biến chứng nặng nhất trong chuyên ngành da liễu, vì khi đó những trao đổi chất qua da tăng lên cực mạnh, khiến cơ thể bị mất năng lượng nhiều, mất protein, mất nước toàn cơ thể, bệnh nhân có thể bị rối loạn điện giải hoặc có thể nguy hiểm tính mạng của trẻ nếu không điều trị, chăm sóc kịp thời. Vì vậy với bất kỳ tổn thương nào trên da của trẻ, cha mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để có biện pháp điều trị kịp thời, giảm bớt biến chứng của bệnh”, bác sĩ Thùy Linh khuyến cáo.

Bác sĩ Nguyễn Thùy Linh thăm khám cho bệnh nhi N.H.ABác sĩ Nguyễn Thùy Linh, Phó Trưởng khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương.

“Mỗi lứa tuổi có đặc điểm bệnh điển hình và đặc trưng riêng, vì vậy với bất kỳ một tổn thương nào trên da thì cũng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để biết cách chăm sóc và có biện pháp chăm sóc nhằm giảm bớt các đợt tái phát của bệnh viêm da cơ địa, giúp quản lý bệnh viêm da cơ địa tốt hơn”.

Bác sĩ Nguyễn Thùy Linh

Phòng tái phát viêm da cơ địa cho trẻ

Theo bác sĩ Nguyễn Thùy Linh, có thể xuất hiện ở nhiều lứa tuổi. Bệnh có thể khởi phát ngay ở lứa tuổi vài tháng đến vài tuổi. Đặc biệt vào mùa đông trẻ có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn. Vào mùa đông, thời tiết hanh khô, nếu cha mẹ không sử dụng kem dưỡng ẩm thường xuyên cho trẻ thì rất dễ bùng phát viêm da cơ địa.

Với trẻ từ 2 - 12 tuổi, nhiều trẻ ở độ tuổi này hay mắc bệnh viêm da cơ địa ở mức độ nặng vì trẻ thường xuyên gãi mà cha mẹ không thể kiểm soát được dẫn đến tổn thương bị trầy xước nhiễm khuẩn. Vùng da bị tổn thương nhiều nhất là ở tay và chân. Còn trẻ từ 12 tuổi trở lên, tình trạng viêm da cơ địa sẽ khu trú hơn, trẻ đã có ý thức kiểm soát hành vi của mình nên sẽ hợp tác tốt hơn với nhân viên y tế trong việc điều trị bệnh.

Việc tắm cho trẻ hằng ngày rất quan trọng. Cha mẹ cần lưu ý lượng nước tắm đủ ấm (35 - 37℃), không nên ngâm quá 15 phút dễ làm mất hàng rào bảo vệ cho da, gây ngứa ngáy. Nên chọn sản phẩm sữa dịu nhẹ, ít kích ứng và có thêm yếu tố dưỡng ẩm. Sau khi tắm khoảng 2 - 3 phút cần thoa kem dưỡng ẩm cho trẻ và lặp lại việc bôi kem dưỡng ẩm nhiều lần trong ngày để tránh tình trạng da khô gây ngứa và viêm da. Tuyệt đối không nên bôi, tắm cho trẻ bằng các nước lá không rõ nguồn gốc vì đây chính là nguyên nhân làm tình trạng bệnh của trẻ nặng thêm. Bên cạnh đó, cha mẹ luôn luôn cần chú ý loại bỏ các yếu tố kích ứng làm cho tình trạng của bệnh nặng lên ví dụ như bụi, mạt nhà, phấn hoa, lông súc vật... Không nên cho trẻ ăn các loại thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng hoặc thực phẩm lạ./.

Lưu Hường

 

Bình luận

    Chưa có bình luận