Chia sẻ tại Hội nghị khoa học Ngoại khoa và Phẫu thuật nội soi toàn quốc 2022 mới đây, GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Việt Đức đồng thời là Chủ tịch Hội Ngoại khoa và Phẫu thuật nội soi Việt Nam cho biết, cả nước đã phẫu thuật ghép tạng cho hơn 6.550 người và hàng nghìn ca ghép mô. Mới nhất, ca ghép da đầu tiên từ người cho chết não được thực hiện thành công tại TP.HCM.
Trong hơn 6.550 ca ghép tạng từ năm 1992 đến nay, chủ yếu là người được ghép thận (gần 6.100 ca). Người ghép thận đầu tiên ở Việt Nam cách đây 30 năm hiện vẫn khỏe mạnh. Không ít BN được ghép thận 2 lần, 3 lần vẫn sống khỏe mạnh sau 5 năm, 8 năm. Việt Nam cũng thực hiện gần 500 ca ghép gan, tim, phổi, ruột, tay; ghép 2 tạng tụy, thận hay ghép 2 tạng tim, phổi.
Theo GS Giang, phẫu thuật ghép tạng là một trong các phẫu thuật phức tạp nhất của lĩnh vực ngoại khoa, đòi hỏi phẫu thuật viên phải có kỹ năng tổng hợp nhiều chuyên ngành và phải làm chủ được các biến chứng trong và sau mổ.Nhờ ghép tạng, hàng nghìn người được hồi sinh; niềm tin vào trình độ của thầy thuốc Việt Nam được nâng lên; người dân ngày càng hiểu ý nghĩa nhân văn của hiến tạng sau chết, chết não. Các kỹ thuật khó như cắt gan, cắt khối tá tụy, cắt thực quản, thay van tim... Việt Nam thực hiện thành thục, ngang tầm nhiều quốc gia trên thế giới.
Phát biểu tại hội nghị, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định, ngành ngoại khoa ra đời đã mở ra cơ hội sống cho nhiều BN, đặc biệt các ca bệnh nan y, nếu ngành ngoại khoa không phát triển thì người bệnh không có cơ hội sống. "Từ các công trình nghiên cứu có tiếng vang thời đầu tiên và sau này các kỹ thuật hiện đại như phẫu thuật nội soi, ghép tạng, can thiệp ít xâm lấn trong hầu hết các chuyên khoa đã đưa ngành Ngoại khoa Việt Nam tiếp cận với những tiến bộ mới nhất của y học thế giới" - Thứ trưởng Thuấn đánh giá./.
Theo VOV2