Giải pháp mới cho bệnh nhân loét bàn chân do biến chứng của đái tháo đường

Nếu như BN ĐTĐ kịp thời kiểm soát lượng đường huyết tốt, đi giày dép phù hợp, áp dụng các biện pháp phòng tránh loét sẽ tránh được nguy cơ phải cắt bỏ chi.

 

Đái tháo đường đang là thách thức trong việc chẩn đoán và điều trị khi số bệnh nhân (BN) ngày càng gia tăng. Nhằm hỗ trợ, hạn chế, phòng ngừa loét bàn chân trong quá trình điều trị biến chứng của bệnh này, BV Nội tiết Trung ương và Viện Nghiên cứu Da - Giày đã nghiên cứu vật liệu phù hợp để thiết kế và chế tạo được các loại giầy chuyên biệt cho người bệnh.

Tình trạng biến chứng của đái tháo đường

Loét bàn chân là biến chứng nặng nề và khá phổ biến ở bệnh nhân đái tháo đường (BN ĐTĐ). Hậu quả của biến chứng này là BN phải cắt cụt chi, phải tháo khớp, nguy cơ tử vong của người bệnh cũng tăng dần theo năm tháng. Theo các bác sĩ Bệnh viện Nội tiết Trung ương, khi mức đường huyết cao thường xuyên do kiểm soát đường huyết chưa tốt ở các BN ĐTĐ, thì ngoài các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến chức năng gan, thận, tim, mạch… còn có thể nguy cơ gây tổn thương các dây thần kinh và mạch máu nhất là thần kinh ngoại vi, dẫn đến giảm hay mất cảm giác do tê bì, đặc biệt là ở ngón chân và bàn chân. Do vậy, BN có thể không cảm nhận được bàn chân của mình bị chấn thương, thậm chí chẳng may giẫm phải dị vật hay bị bỏng… Việc các vết thương không được xử trí, chăm sóc kịp thời dẫn đến tiến triển dần và lâu dài sẽ loét rộng, gây nhiều biến chứng nguy hiểm phải cắt cụt chân, thậm chí dẫn tới tử vong.

ThS.BS Nguyễn Ngọc Thiện, Phó trưởng khoa Chăm sóc bàn chân, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết: Tại Việt Nam có khoảng 50 - 60% BN ĐTĐ phải nhập viện do biến chứng ở bàn chân, trong đó số BN phải cưa chân chiếm tới 25%. Đây là hậu quả rất đáng tiếc và là nỗi ám ảnh do việc điều trị bệnh muộn và sử dụng giầy dép không phù hợp. ​“Loét và cắt cụt chi dưới không những làm giảm đáng kể chất lượng sống của người bệnh mà còn gia tăng nguy cơ tử vong sớm”, bác sĩ Thiện dẫn chứng: Các nghiên cứu chỉ ra rằng, nguy cơ mất chân ở BN ĐTĐ cao gấp 10 - 30 lần so với người không mắc bệnh này. Nếu bị cắt chi, tử vong sẽ tăng dần theo năm tháng: 10% quanh thời điểm đoạn chi, 30% sau 1 năm và 70% sau 5 năm. ​

Giải pháp giảm thiểu loét bàn chân

Thực tế ở các nước phát triển cho thấy, việc dùng giày dép chỉnh hình là giai đoạn phòng ngừa đầu tiên. Nếu như BN kịp thời kiểm soát lượng đường huyết tốt, đi giày dép phù hợp và áp dụng các biện pháp phòng tránh loét sẽ tránh được nguy cơ phải phẫu thuật cắt bỏ chân. Từ những năm 2000, ý tưởng nghiên cứu vật liệu phù hợp để thiết kế và chế tạo được các loại giày dành riêng cho những BN ĐTĐ đã được BV Nội tiết Trung ương và Viện Nghiên cứu Da - Giày hình thành. Tuy nhiên, do những khó khăn về nguyên liệu, khâu sản xuất, vài năm trở lại đây ý tưởng này mới thành hiện thực và mỗi năm được cải tiến hoàn thiện thêm. Nghiên cứu này vừa được nhận giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) lần thứ 27. ​

Đồng chủ nhiệm của công trình “Nghiên cứu lựa chọn vật liệu để sản xuất giầy cho bệnh nhân đái tháo đường nhằm hạn chế và phòng ngừa loét bàn chân” của tác giả TS.BS. Phan Hoàng Hiệp (bên phải), Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương và ThS. Nguyễn Hùng Sơn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Da - Giầy.Ths Nguyễn Hùng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Da - Giày cho biết, tính mới và sáng tạo của nghiên cứu này là đã lựa chọn vật liệu và ứng dụng công nghệ phù hợp với các yêu cầu và tiêu chí chất lượng, an toàn cho người bệnh khi chế tạo mũ giầy, lót mặt giầy, đế giày. Việc ứng dụng nano bạc tráng phủ lên bề mặt tấm lót giầy, đảm bảo tính diệt khuẩn hỗ trợ trong quá trình điều trị. Đặc biệt, việc sử dụng chất thuộc hữu cơ mới thân thiện với môi trường, thay thế hoàn toàn chất thuộc crom trong công nghệ thuộc da có giá thành phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng.

Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 27, trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới, công trình “Nghiên cứu lựa chọn vật liệu để sản xuất giày cho bệnh nhân đái tháo đường nhằm hạn chế và phòng ngừa loét bàn chân” của đồng chủ nhiệm TS.BS Phan Hoàng Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương và Ths Nguyễn Hùng Sơn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Da - Giày cùng các cộng sự đã vinh dự nhận Giải thưởng Vifotec 2022.

TS.BS Phan Hoàng Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cũng chia sẻ, công trình nghiên cứu này đã đạt được một số kết quả đáng mong đợi như tính mới và sáng tạo. “Đôi giày vừa vặn, êm chân là chưa đủ mà phần đế giày phải đàn đều áp lực và trọng lượng cơ thể lên bàn chân, tránh bị tì đè. Đặc biệt,phần đế giày phủ nano giúp chống khuẩn mà những đôi giày khác không có được, sẽ bảo vệ được bàn chân của họ và giảm đáng kể biến chứng ở bàn chân”, bác sĩ Hiệp nhấn mạnh.

Loại giầy chuyên biệt cho người bệnh ĐTĐ được thiết kế bởi BV Nội tiết Trung ương và Viện Nghiên cứu Da - Giày.Với những bàn chân ở BN ĐTĐ đã bị cắt cụt một phần như: tháo ngón, một phần bàn chân làm biến dạng thay đổi cấu trúc của bàn chân thì khi sử dụng những giày dép chuyên biệt này sẽ có tác dụng giảm và ngăn ngừa loét, tái loét bàn chân cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho BN đi lại dễ dàng. ​“Giày dép không đúng quy cách như rộng hoặc quá chật, chất liệu cứng, gót quá cao… là một trong những nguyên nhân gây loét chân của BN ĐTĐ. Việc đi giày dép theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa được xem là một cách để phòng ngừa và điều trị loét, tái loét bàn chân ở người tiểu đường. Tuy vậy, có một thực tế cho thấy ở Việt Nam hiện BN mắc bệnh này còn gặp nhiều rào cản do chi phí cao cũng như thiếu đơn vị sản xuất và cung cấp các sản phẩm giày dép riêng biệt cho những BN ĐTĐ”, bác sĩ Thiện cũng khuyến cáo, việc phòng ngừa biến chứng loét bàn chân ở BN ĐTĐ phải được thực hiện hằng ngày bao gồm chăm sóc bàn chân đúng cách và phát hiện sớm các tổn thương để điều trị kịp thời. ​BN cần tuân thủ việc sử dụng thuốc điều trị ĐTĐ và các bệnh lý kèm theo cũng như chế độ dinh dưỡng, tập luyện khoa học./.

BN và người thân trong gia đình đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa các vấn đề về bàn chân như da bàn chân khô nẻ, các vết chai chân, trầy xước, móng quặp, bỏng nước; rửa chân thường xuyên và lau khô ngay, cắt móng chân kèm theo sử dụng sản phẩm dưỡng da, chất làm ẩm theo khuyến cáo của bác sĩ chuyên khoa; BN ĐTĐ không được tự ý ngâm chân trong nước, nếu có chỉ định ngâm chân thì phải có sự giám sát của người có chuyên môn; tránh dùng các hóa chất mạnh như muối hoặc iod; tránh xa các vật nóng, lạnh; đi lại nhiều với giày dép mới, đeo tất chân quá chật hay đi chân đất, đặc biệt ở những người có biến chứng thần kinh ngoại vi…

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận