Nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay. Chiến lược mới trong phòng chống HIV/AIDS cần chú trọng những gì?
Số ca mắc mới HIV gia tăng
Tại Việt Nam, kể từ ca nhiễm đầu tiên được phát hiện năm 1990 tại TP.HCM, tính đến tháng 10/2022, cả nước ghi nhận 220.580 người nhiễm HIV còn sống và 112.368 người nhiễm HIV đã tử vong.
“Từ năm 2020 đến nay, dịch HIV đã có xu hướng gia tăng. Nếu như giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2019 mỗi năm chúng ta phát hiện hơn 10.000 trường hợp nhiễm HIV thì 2 năm qua, mặc dù dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc xét nghiệm HIV nhưng mỗi năm Việt Nam có hơn 13.000 trường hợp nhiễm HIV được báo cáo. Dịch tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Nam bộ, TP.HCM và ĐBSCL chiếm gần 80% số người nhiễm mới phát hiện trên toàn quốc và chủ yếu ở đối tượng nam giới (trên 80%).Từ năm 1990 đến 2015, tỷ lệ người nhiễm HIV là nam giới có xu hướng giảm nhẹ từ, tuy nhiên năm 2016 tỷ lệ người nhiễm HIV là nam giới bắt đầu có xu hướng gia tăng trở lại. Tính riêng trong 10 tháng của năm 2022, cả nước xét nghiệm phát hiện mới 9.025 trường hợp nhiễm HIV, số bệnh nhân tử vong 1.378 trường hợp. Số người nhiễm mới chủ yếu ở nhóm trẻ tuổi (16 - 39 tuổi). Đường lây chủ yếu là qua quan hệ tình dục không an toàn và tỷ lệ này tiếp tục tăng mạnh qua các năm trở thành đường lây chính” - ông Võ Hải Sơn. Trưởng phòng Phòng Giám sát và xét nghiệm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho hay.
Theo PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), sở dĩ dịch HIV vẫn đang diễn biến phức tạp là do hình thái lây nhiễm HIV tại Việt Nam có sự thay đổi: 2 năm trở lại đây số ca nhiễm mới đang tăng và tập trung chủ yếu trong nhóm tuổi trẻ, đặc biệt là nhóm MSM; Các can thiệp cho nhóm này rất khó khăn vì quần thể này ẩn, khó tiếp cận do còn mặc cảm vì sự phân biệt kỳ thị và thiếu kiến thức về HIV/AIDS. Đây là yếu tố quan trọng dẫn đến quan hệ tình dục không an toàn làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV và mắc các bệnh lây qua đường tình dục như lậu, giang mai...“Đây cũng là đối tượng cần được quan tâm trong thời gian tới khi chúng ta muốn đạt mục tiêu kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030” - Cục trưởng Phan Thị Thu Hương cho biết.
Phát biểu tại Lễ mít tinh Hưởng ứng tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1/12) diễn ra ngày 26/11 tại Bắc Ninh, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh: Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 đặt ra 3 mục tiêu 95-95-95 là: 95% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 95% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; và 95% người điều trị bằng thuốc ARV đạt tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế. Kết quả đạt được 2 mục tiêu đầu lần lượt là 86% và 80%. Điều này cho thấy, công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam còn nhiều việc cần làm để đạt được mục tiêu kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. “Dịch HIV rất có thể bùng phát trở lại nếu chúng ta chủ quan, thiếu quan tâm, không đầu tư thỏa đáng cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS” - Bộ trưởng cho biết.
“Trong thời gian qua, có nhiều mô hình, sáng kiến về các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS được nghiên cứu, áp dụng triển khai để phù hợp với bối cảnh dịch HIV có nhiều thay đổi.Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trên bản đồ phòng, chống HIV/AIDS thế giới. Những thành công, kinh nghiệm, thực hành tốt của Việt Nam đã được lựa chọn để báo cáo, chia sẻ với các quốc gia khác trên các diễn đàn quốc tế”.
“Năm 2022, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm chọn chủ đề cho Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam là: “Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng”. Chủ đề này phù hợp với bối cảnh tình hình dịch HIV ở Việt Nam hiện nay. Các bạn trẻ là lực lượng cần quan tâm trong thời gian tới để đạt mục tiêu kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Điều này có thể thành công nếu chúng ta huy động được thanh niên chủ động, tham gia có hiệu quả vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới”.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan
|
Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia và Ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS năm 2022, Bộ trưởng Bộ Y tế Hồng Lan đề nghị ngành y tế tiếp tục mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng và triển khai đồng bộ, toàn diện các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS theo chiến lược tiếp cận từ xét nghiệm, dự phòng đến điều trị HIV/AIDS. Cụ thể, người có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận sớm với xét nghiệm HIV; Người nhiễm HIV được tiếp cận sớm với điều trị bằng thuốc kháng virus ARV và điều trị các bệnh đồng nhiễm HIV/lao, HIV/viêm gan C. Đẩy mạnh truyền thông và can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV như cung cấp bơm kim tiêm, bao cao su, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP). Tổ chức đánh giá kết quả triển khai Đề án thí điểm cấp thuốc Methadone nhiều ngày. Mở rộng cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày sau thí điểm...
Đẩy mạnh phòng chống lây nhiễm HIV
Bà Phan Thị Thu Hương cho biết: “Chiến lược phòng chống HIV/AIDS hiện nay ở Việt Nam là tập trung vào nhóm có hành vi nguy cơ cao, người nhiễm HIV đang trẻ hóa và phần lớn là nam, đặc biệt là nhóm MSM. Cụ thể, Cục phòng chống HIV/AIDS đã tổ chức đa dạng mô hình tư vấn xét nghiệm HIV bao gồm xét nghiệm trong cơ sở y tế, xét nghiệm HIV dựa vào tổ chức cộng đồng, các bạn trong cộng đồng MSM, người nghiện ma túy, người bán dâm tham gia cung cấp dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV và hỗ trợ kết nối điều trị ARV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS tổ chức cung cấp sinh phẩm tự xét nghiệm HIV qua website http://tuxetnghiem.vn tại 35 tỉnh, thành phố để những người có hành vi nguy cơ nhiễm HIV tự làm xét nghiệm HIV và được kết nối làm xét nghiệm khẳng định bị nhiễm HIV. Bên cạnh đó, Cục Phòng chống HIV/AIDS triển khai mô hình xét nghiệm HIV cho bạn tình, bạn chích của người nhiễm HIV bằng cách tư vấn cho người nhiễm HIV, cung cấp sinh phẩm tự xét nghiệm HIV để làm xét nghiệm cho bạn tình, bạn chích của họ hoặc người nhiễm HIV thông báo và vận động bạn tình, bạn chích chung của họ và người có hành vi nguy cơ cao trong mạng lưới xã hội của họ đến cơ sở y tế làm xét nghiệm HIV. Giai đoạn 2021-2022, phát hiện 12.000-13.000 người nhiễm HIV mới/năm, tăng 20% so với giai đoạn 2019-2020. Kết quả này cho thấy rõ hiệu quả trong việc áp dụng triển khai các mô hình mới trong tiếp cận và xét nghiệm HIV tại Việt Nam”.
Tại lễ mít tinh, ông Taoufik Bakkali, Quyền Giám đốc khu vực Văn phòng UNAIDS, châu Á - Thái Bình Dương nêu rõ những bất bình đẳng đang kìm hãm nỗ lực chung hướng tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS để AIDS không còn là một mối nguy cho sức khỏe cộng đồng. “Dù còn nhiều khó khăn phức tạp, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để hiện thức hóa mụctiêu chấm dứt AIDS vào năm 2030” - ông Taoufik Bakkali nhấn mạnh./.
“Việc tiếp cận và xét nghiệm HIV phù hợp với đặc điểm tình hình dịch tễ tại Việt Nam cần đa dạng hóa dịch vụ: Tiếp tục đẩy mạnh xét nghiệm HIV trong cơ sở y tế, tại cộng đồng, lưu động và tự xét nghiệm; Các mô hình tư vấn xét nghiệm HIV phù hợp với từng nhóm nguy cơ cao, gồm người sử dụng ma túy, MSM, chuyển giới, bán dâm, phạm nhân, bạn tình/bạn chích của người có H, phụ nữ mang thai. Tiếp tục các can thiệp giảm kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV; Mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) cho các nhóm có hành vi nguy cơ cao qua hệ thống y tế nhà nước và tư nhân…”.
Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Phan Thị Thu Hương
|
Lưu Hường