Sàng lọc để phòng tránh biến chứng bệnh đái tháo đường

Đái tháo đường là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tàn tật và tử vong sớm. Việc khám sàng lọc để phát hiện sớm có ý nghĩa nhân văn rất cao.

 

Đái tháo đường (ĐTĐ) là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tàn tật và tử vong sớm. Việc khám sàng lọc để phát hiện sớm có ý nghĩa nhân văn rất cao.

Hơn 62% người bệnh ĐTĐ chưa được chẩn đoán

Tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống đái tháo đường diễn ra ngày 14/11 vừa qua tại Thanh Hóa, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: ĐTĐ là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến trên toàn cầu. Theo Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới (IDF) công bố năm 2021, cả thế giới có tới 53 triệu người mắc ĐTĐ, tương ứng với tỷ lệ cứ 10 người lớn độ tuổi 20 - 79 có 1 người mắc ĐTĐ; cứ 6 trẻ sinh ra có 1 trẻ bị ảnh hưởng bởi ĐTĐ trong giai đoạn phát triển thai nhi. Đặc biệt, có tới 50% số người trưởng thành mắc ĐTĐ mà không được chẩn đoán.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cùng các đại biểu tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống đái tháo đường diễn ra ngày 14/11 vừa qua tại Thanh Hóa.Tại Việt Nam, kết quả điều tra của Bộ Y tế năm 2021 cho thấy, tỷ lệ mắc ĐTĐ ở người trưởng thành ước tính là 7,1%, tương đương với khoảng gần 5 triệu người đang mắc bệnh ĐTĐ. Trong đó, số BN được chẩn đoán chỉ khoảng 35% và số BN đang được quản lý, điều trị tại các cơ sở y tế chiếm 23,3%. Theo dự báo, số mắc ĐTĐ của Việt Nam cũng như toàn thế giới sẽ tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới.

ĐTĐ là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tàn tật và tử vong sớm ở hầu hết các quốc gia. Kết quả điều tra tại Việt Nam có hơn 55% BN hiện mắc ĐTĐ đã có biến chứng, trong đó 34% là biến chứng về tim mạch; 39,5% có biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh; 24% biến chứng về thận. Nguyên nhân gây ra ĐTĐ rất phức tạp, nhưng phần lớn là do thừa cân, béo phì và hạn chế vận động. “Việc thực hiện lối sống lành mạnh sẽ giúp phòng ngừa mắc ĐTĐ tới 70% số trường hợp. Đồng thời, chẩn đoán và điều trị sớm chính là chìa khóa để phòng hoặc làm chậm các biến chứng nguy hiểm đó”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết Đái tháo đường Việt Nam, hiện nay, công tác điều trị và kiểm soát bệnh ĐTĐ còn nhiều khó khăn bởi có tới 62,6% người bệnh chưa được chẩn đoán trong cộng đồng. Riêng tỷ lệ tiền ĐTĐ là 17,8%. Do vậy, ĐTĐ vẫn đang còn là gánh nặng cho toàn xã hội. Gánh nặng này kéo theo nhiều rủi ro cho nền kinh tế, cho hệ thống y tế và cho cả gia đình BN.

Chủ đề của Ngày Đái tháo đường Thế giới giai đoạn năm 2021-2023 là “Tiếp cận chăm sóc bệnh ĐTĐ” với mục đích mang đến sự thay đổi cho hơn một nửa tỷ người trên thế giới đang sống chung với bệnh ĐTĐ. Để kêu gọi tất cả mọi người có trách nhiệm quan tâm đến bệnh ĐTĐ, nâng cao hiểu biết và đưa ra hành động cụ thể để kiểm soát căn bệnh thế kỷ này, ngoài thông điệp chung còn có thông điệp riêng là “Giáo dục để bảo vệ ngày mai” nhằm nhấn mạnh yêu cầu giáo dục, đào tạo nhân viên y tế và người bệnh ĐTĐ để làm tốt hơn việc phát hiện sớm, chẩn đoán điều trị và chăm sóc người bệnh ĐTĐ. Đây là dịp để mọi quốc gia nâng cao hơn nữa sự hiểu biết của cộng đồng về bệnh ĐTĐ, động viên, tạo động lực, môi trường để thực hành tốt công tác phòng bệnh.

… Người dân nên xét nghiệm đường huyết ít nhất 6 tháng đến 1 năm/lần để phát hiện bệnh sớm, giúp phòng tránh các biến chứng nguy hiểm.Phát hiện sớm để phòng tránh biến chứng nguy hiểm

TS.BS Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc BV Nội tiết Trung ương cũng cho biết, người bệnh ĐTĐ nếu không được phát hiện kịp thời để điều trị sẽ dẫn đến các biến chứng cấp tính như: Biến chứng mạch máu nhỏ - một trong những nguyên nhân gây mù lòa, tổn thương võng mạc, suy thận, và các biến chứng bàn chân là rất đáng sợ trong điều trị ĐTĐ, có thể gây tàn phế, phải cắt cụt chi. Còn biến chứng mạch máu lớn như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, đột quỵ... là những biến chứng không những gây giảm chất lượng cuộc sống, tăng chi phí điều trị mà có thể gây tử vong.

Lý giải Việt Nam hiện còn rất nhiều người mắc ĐTĐ không được phát hiện, vì giai đoạn đầu của bệnh thường phát triển âm thầm nên người bệnh chủ quan, đến khi có dấu hiệu rõ rệt của ĐTĐ như khát nước, uống nhiều nước, tiểu nhiều mới đi khám thì lúc đó đường huyết đã cao và tiến triển âm thầm 1 thời gian dài rồi. Do đó, người dân nên tầm soát, phát hiện sớm bệnh ĐTĐ bằng cách xét nghiệm đường huyết ít nhất 6 tháng đến 1 năm/lần sẽ giúp phòng tránh được các biến chứng nguy hiểm.

“Khám sàng lọc để phát hiện giai đoạn tiền ĐTĐ mang tính nhân văn cao cả. Bởi đây là yếu tố nguy cơ tiến triển thành bệnh ĐTĐ rất cao. Tuy nhiên, ở giai đoạn tiền ĐTĐ, chỉ cần can thiệp bằng dinh dưỡng, tập luyện thì có thể trở lại cuộc sống bình thường. Nhưng khi biến chứng xuất hiện thì ĐTĐ chỉ có thể điều trị ổn định bệnh chứ không thể trở lại bình thường được nữa”.

“Để phòng bệnh ĐTĐ, mỗi người cần thay đổi lối sống, bao gồm dinh dưỡng hợp lý cho sức khỏe; tăng cường vận động thể dục hằng ngày: Tăng rau xanh, hạn chế chất béo, ăn những loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, gạo lật nảy mầm, hạn chế nội tạng động vật… Người dân nên xét nghiệm đường huyết ít nhất 6 tháng đến 1 năm/lần để phát hiện bệnh sớm, giúp phòng tránh các biến chứng nguy hiểm”.

TS.BS Phan Hướng Dương

 

TS.BS Phan Hướng Dương cho biết nguyên nhân gây ra ĐTĐ rất phức tạp, ngoài yếu tố di truyền thì dư thừa năng lượng, béo phì là căn nguyên khiến bệnh ĐTĐ dễ bùng phát và khó điều trị. Điều tra toàn quốc của BV Nội tiết Trung ương năm 2018 cho thấy, tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em lứa tuổi 11 - 14 ở Việt Nam là 27,8%. Đây được xem là tỷ lệ tương đối cao và cũng là vấn đề đáng báo động khi độ tuổi mắc ĐTĐ ngày càng trẻ hóa. Cho nên, vấn đề phòng chống ở đây là ngay từ bây giờ chúng ta phải dự phòng để bảo vệ sức khỏe và trí tuệ của những thế hệ trẻ tương lai tránh nguy cơ mắc ĐTĐ cùng những biến chứng nguy hiểm.

TS.BS Phan Hướng Dương cũng nhấn mạnh, với những người mắc bệnh ĐTĐ thì cần được chăm sóc và hỗ trợ liên tục, giúp kiểm soát tốt bệnh và phòng tránh các biến chứng. Việc “Tiếp cận chăm sóc bệnh ĐTĐ” sẽ là cơ hội mang lại sự thay đổi có ý nghĩa cho những người đang sống chung với bệnh ĐTĐ và hàng triệu người khác có nguy cơ mắc bệnh./.

Hương Giang
 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận